Tiếp tục triển khai chương trình dồn điền, đổi thửa: Dồn điền, đổi thửa Hà Nội: Công khai, minh bạch, tạo đồng thuận trong nhân dân
- Được biết hành trình để chương trình DĐĐT
của Hà Nội từ bàn giấy đến thực tiễn là cả một quá trình nỗ lực không nhỏ. Ông
cho biết cụ thể về vấn đề này?
- Thực tế, công tác DĐĐT ở Hà Nội đã được triển khai từ năm 1997. Lúc đó, tỉnh
Hà Tây (cũ), đã có Chỉ thị 14 về việc DĐĐT gắn với chuyển dịch cơ cấu cây
trồng, vật nuôi và đến năm 2005, sau khi tổng kết 8 năm công tác DĐĐT, Chi cục
HTX Hà Tây tiếp tục tham mưu đề xuất và được Tỉnh ủy Hà Tây ban hành Chỉ thị 08
về DĐĐT gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giao Chi cục HTX Hà Tây
(nay là Chi cục PTNT Hà Nội) tham mưu tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, mới triển
khai được hai năm, thì Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, chương trình dừng lại. Triển
khai Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, công tác DĐĐT không phải là tiêu chí
trong xây dựng NTM, song lại là yếu tố quyết định để hoàn thành rất nhiều tiêu
chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Chi cục PTNT Hà Nội đã đề xuất
với thành phố cho triển khai tiếp chương trình DĐĐT với mục tiêu, mỗi hộ chỉ
còn 1-2 thửa.
- Ông có thể cho biết kết quả mới nhất về chương trình DĐĐT của Hà Nội?
- Quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, song đến nay, kết quả đạt được
rất tốt. Toàn thành phố đã thực hiện DĐĐT được 59.553,9ha/ 76.365,1ha, đạt 78%
kế hoạch, trong đó có một số huyện triển khai thực hiện tốt: Thường Tín được
3.956/ 4.302,2ha, đạt 92%; Quốc Oai 4.171,9/4.350,1ha, đạt 95,9%; Mỹ Đức
7.446,4/7.513,9ha, đạt 99,1%; Thạch Thất 2.171,8/2.100,2ha, đạt 103,4%...
- DĐĐT tác động như thế nào đến các tiêu chí trong xây dựng NTM của Hà Nội?
- Trước đây, ruộng đất ở Hà Nội phân tán, manh mún, bình quân mỗi hộ có tới
10-12 thửa, thậm chí có nơi lên tới 30-40 thửa/hộ. Nay có thửa lớn, nhiều hộ
không có nhu cầu làm ruộng, cho thuê lại đất để các hộ có nhu cầu đầu tư theo
hướng hàng hóa. Tại nhiều xã như Hữu Văn (Chương Mỹ), Hạ Mỗ (Đan Phượng), Phùng
Xá (Mỹ Đức)... sau DĐĐT đã hình thành các vùng sản xuất tập trung: Chuyên hoa,
chuyên lúa, chăn nuôi cho giá trị cao gấp vài chục lần so với làm lúa truyền
thống. Điều đó đã tác động đến tiêu chí thu nhập, tiêu chí kinh tế và tổ chức
sản xuất trong xây dựng NTM. Cũng nhờ DĐĐT, cơ giới hóa đã được đưa vào sản
xuất, giúp giải phóng sức lao động. Một lượng lớn lao động nông nghiệp được
"rút ra" để kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã tác
động đến tiêu chí số 11 về lao động có việc làm ổn định. Đời sống người dân
được nâng lên, có thêm điều kiện đóng góp vào phong trào xây dựng NTM… Trong
quá trình thực hiện DĐĐT, các huyện, thị xã đã dôi dư được 1.144,22ha đất nông
nghiệp, một diện tích rất lớn có thể sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ
xây dựng NTM, vừa tiết kiệm kinh phí đầu tư, vừa đẩy nhanh tiến độ...
- Diện tích còn lại cần DĐĐT là 16.811,2ha, các địa phương phải làm gì để
hoàn thành 100% kế hoạch?
- DĐĐT là một việc làm rất khó, đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân.
Do phải tiến hành một khối lượng công việc rất lớn, từ xây dựng phương án, kế
hoạch triển khai đến tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, đo đạc, lên bản đồ,
gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ... nên cán bộ địa phương ở một số nơi
ngại, không muốn làm. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số nơi còn
hạn chế, chưa làm cho người dân thấy được ích lợi của DĐĐT… Để tháo gỡ những khó
khăn này, các ngành, các cấp phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động
cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ và tổ chức thực hiện tốt Chương trình 02
của Thành ủy nói chung và công tác DĐĐT nói riêng. Các xã tổ chức, triển khai
thực hiện theo đúng trình tự các bước tại Hướng dẫn số 29/HD-SNN về "Quy
trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà
Nội". Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn
cho các xã trong quá trình tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm ở các địa phương cho
thấy, quá trình thực hiện phải thật công khai, minh bạch, nếu người dân được
bàn bạc đi đến thống nhất sẽ thành công.
- Chính quyền và người dân cần tập trung vào những việc gì sau DĐĐT?
- Sau DĐĐT, thành phố sẽ hỗ trợ để tiếp tục cứng hóa kênh mương, thủy lợi nội
đồng. Trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, thành phố sẽ ưu tiên các tuyến
chính nội đồng làm trước và các tuyến nhánh sẽ làm dần, tiến tới hoàn thành
tiêu chí giao thông, thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu, nâng cao năng xuất
cây trồng vật nuôi. Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cũng đã có hướng dẫn việc
cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia
đình, cá nhân sau khi thực hiện xong việc DĐĐT. Việc tổ chức sản xuất trên vùng
đất đã được chuyển đổi phải thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã
được phê duyệt. Hộ nông dân được phép cải tạo đồng ruộng để phục vụ sản xuất có
hiệu quả, không được tự ý làm biến dạng, hủy hoại đất...
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo hanoimoi.com.vn)