Bài tham gia cuộc thi viết “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”: Hội chùa Trăm Gian và lệ đánh cờ người
|
Một góc chùa Trăm gian |
Lễ
hội chùa Trăm Gian mở vào ngày 4 tháng Giêng. Suốt năm làm ăn buôn bán,
chạy ngược chạy xuôi, bận rộn vất vả, chỉ có ngày tết, ngày hội người
dân nơi đây mới được thư thả thanh nhàn, sống thật hồn mình. Khi đó gặp
nhau là tay bắt mặt mừng, vui vẻ sởi lởi, dẫu có giận hờn chê trách
cũng bỏ qua cho nhau, cùng sống với cái tình cộng đồng làng xã. Hội mở
sớm, nhằm ngày hóa của đức Bồ tát Khai Sơn. Ngài có tên là Nguyễn Bình
An, quê ở làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Bấy giờ, vào thời
nhà Trần, ngài đến tu ở chùa Núi Tiên Lữ, nổi tiếng là một vị cao tăng
thông tuệ Phật pháp, được dân sùng tín gọi là pháp sư và được triều
đình coi trọng. Tương truyền ngài có nhiều phép lạ, hú gió gọi mưa,
bước chân nhanh như gió. Từ chùa Tiên Lữ ngài đi mấy bước đã về đến Bối
Khê, dấu chân thành những ao hồ như ở Quán Thánh, Lương Xá, ổ Vực và in
trên phiến đá ở trước cửa chùa Bối, đến nay đều còn. Ngài lấy tương cà
ở Bối Khê về Tiên Lữ nấu cơm cho thợ làm chùa ăn. Niêu cơm nhỏ mà đoàn
thợ hàng trăm người ăn mãi không hết, chẳng khác gì niêu cơm Thạch Sanh.
Năm
95 tuổi, ngày 13 tháng Chạp, ngài vào khám nhập định, đến mồng 4 tháng
Giêng, dân làng thấy có mùi thơm mới mở ra, thì hương thơm sực nức, hào
quang sáng chói, biết là ngài đã hóa, mới lập bàn thờ. Ngài đã thành
Thánh. Đức thánh Bối, tức là Bồ tát Bình Đẳng Hành Nghĩa, còn gọi là Bồ
tát Khai Sơn.
Khám
thờ ngài được đặt trên gian gác lửng, có ván bưng, cửa luôn khép kín,
tạo một không gian u tịch, linh thiêng ở bên trái điện Phật. Những
người thành tâm hướng thiện đến cầu sẽ được ứng nghiệm. Truyền thuyết
về ngài đậm màu sắc hoang đường kỳ ảo, nhưng đó là hình thức nghệ thuật
dân gian nhằm tôn vinh một vị cao tăng đã trở nên linh thiêng trong dân
chúng và phản ánh ước mơ tài sức của người bình dân.
Lễ
hội chùa Trăm Gian là lễ hội vùng, gồm các thôn như thôn Nội, thôn
Thượng, thôn Phương Khê (đều thuộc xã Tiên Phương, Chương Mỹ) và thôn
Thổ Nghĩa (nay thuộc xã Tân Hòa, Quốc Oai). Quan anh Bối Khê từ quê
hương đức Thánh ngày đại đám cử một đoàn gồm 8 cụ ông, 8 cụ bà, những
bậc đạo cao đức trọng, không vướng "bụi", đem pháo bông sang lễ và giao
lưu kết chạ.
|
Cờ người, một trò chơi dân gian độc đáo tại lễ hội chùa Trăm gian.
|
Tương
truyền, khi quân Minh sang xâm lược kéo đến giết người, cướp của, đốt
chùa vô cùng tàn ác, ngài làm ra mưa máu khiến chúng bị bệnh mà chết
rất nhiều, phải rút đi. Sau khi quân Minh kéo về nước, còn một số ít
xin ở lại lập nghiệp tại Mai Lĩnh. Vì thế hằng
năm cứ đến đêm chính hội chùa Trăm Gian (đêm mồng bốn tháng Giêng) dân
Mai Lĩnh, nay thuộc quận Hà Đông lại cử một đoàn người đến lễ trình con
rối như một nghi thức trình diện của quân Minh xưa. Nếu như năm nào
không lễ trình thì y như rằng không bị hỏa hoạn cũng làm ăn thua lỗ.
Lễ
hội chùa Trăm Gian thu hút khách hành hương khắp nơi nơi. Trẩy hội chùa
là để lễ Phật, lễ Thánh, du xuân, chơi núi, kết giao bè bạn và xem các
trò dân gian. Từ mồng bốn đến mồng sáu tháng Giêng có rước kiệu Thánh,
thổi cỗ chùa, thi oản chuối, múa rối, đốt pháo, đấu vật… Nhưng đặc sắc
nhất là thi đánh cờ người.
Cuộc
cờ bày trên sàn nổi ở hồ bán nguyệt trước cửa chùa. Người đóng quân
được tuyển kỹ lưỡng. Trước hết phải tuyển chọn được một ông già và một
bà già, là người thôn Nội và thôn Thượng (hai thôn chính thuộc làng
Tiên Lữ xưa), tuổi từ 50 trở lên, song toàn, không có "bụi", vóc dáng đẹp, đóng tướng
ông và tướng bà. Các quân cờ khác đều là trai thanh nữ tú ở thôn Nội và
thôn Thượng. Tướng ông mặc áo gấm, tướng bà mặc áo nhiễu. Quân bên
tướng ông là những chàng trai dũng mãnh, vận bộ đỏ, bên tướng bà là
những cô gái đoan trang trong bộ trắng.
Cuộc
cờ thu hút kỳ thủ mọi miền. Danh thủ thiên hạ hoặc xem bảng hội cáo yết
ở trong vùng mà tới hoặc nhớ ngày hội chùa mà sang, đều phải qua tuyển
chọn ở cờ bàn rồi mới vào sàn đấu. Đây là cuộc so tài, đọ trí giữa các
kỳ thủ lừng danh trong thiên hạ. Cuộc cờ trở thành trung tâm lễ hội,
được mọi người nao nức, đứng ngồi kín cả vùng đất quanh hồ hồi hộp, dõi
xem từng nước thấp cao. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc thi tài giữa
các kỳ thủ, mà còn là một nghi thức linh thiêng trong lễ hội.
Núi
Sở - vùng đất thiêng, linh khí tụ hội, nằm trong một vùng núi non đồi
gò biểu tượng các con vật. Núi Sở là con ngựa, gần đó là các con hổ,
con long, con mộc, con hỏa… Chùa Trăm Gian tọa lạc ở đỉnh cao trên núi
Sở, được xem như mang yếu tố dương, còn con hồ bán nguyệt trước cửa
chùa là vùng trũng, thấp được xem như yếu tố âm.
Âm dương giao hòa đối đãi, tạo thế trường tồn và sinh sôi. Nước hồ bốn
mùa trong vắt. Nơi tích thủy cũng là nơi tích phúc, tích đức, tích tài,
tích thiện cho dân chúng trong vùng. Cũng có thể xem con hồ như một tấm
gương chiếu lên trời, thu nhận linh khí từ tầng cao. Nơi đón nhận khí
thiêng từ cha trời truyền xuống mẹ đất cũng là nơi diễn ra cuộc cờ. Hai
bên quân cờ, những trai thanh nữ tú trong trang phục màu đỏ và màu
trắng là có ý nghĩa về âm dương ngũ hành. Màu đỏ, màu của lửa, tượng
trưng cho hỏa, còn màu trắng, màu của nước, tượng trưng cho Thủy. Thủy,
Hỏa là hai thành tố quan trọng trong năm thành tố gốc (Ngũ hành - Kim,
Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Cũng có thể xem hai màu trắng - đỏ là hiện thân
của âm - dương, trong đó màu đỏ dương tính nhưng cũng là màu của trí
tuệ, sức mạnh và đại cát, còn màu trắng mang tính âm, nhưng cũng là màu
của sự sống và hạnh phúc. Bản thân những người đóng vai quân cờ, hai
bên nam - nữ đã hàm chứa ý nghĩa âm dương. Khi đánh cờ, các quân cờ di
chuyển trên bàn là biểu hiện sự chuyển hóa âm dương ngũ hành. Nước cờ
càng hay, thế cờ càng biến hóa, cũng có nghĩa là âm dương ngũ hành
chuyển động thuận chiều, thông tỏ. Tiếng trống thúc quân ròn rã cộng
hưởng với tiếng hò reo khích lệ và lời trầm trồ khen ngợi, mách nước
của người xem ở quanh hồ làm nền cho cuộc đấu. Tất cả những âm thanh
sôi động và không khí rạo rực đó, tựa như vũ trụ vận hành ở quanh, hỗ
trợ cho thế cuộc đang diễn ra sôi nổi. Cuộc cờ như một thông điệp,
người bình dân gửi tới các đấng linh thiêng ước nguyện muốn cho trời
đất vận hành thận lợi, thế cuộc hanh thông thịnh đạt, đời sống yên vui
phát triển.
Các
kỳ thủ vào cuộc đấu, ai cũng trổ hết tài năng, cố gắng đoạt giải, nhưng
không phải để ăn thua. Điều quan trọng là làm sao có được những nước cờ
hay, sáng tạo độc đáo chuyển đổi cả cục diện. Có như vậy mới thể hiện
được ước nguyện của mọi người, mong muốn trời đất vận hành hanh thông.
Bản thân các kỳ thủ, đã khảo qua cờ bàn, vào đến sàn đấu là đã được may
mắn cả năm, còn như có được nước cờ độc thì càng được nhiều phúc lộc.
Cuộc
cờ càng trở nên linh thiêng hơn vì còn có cả đức Thánh cùng xem. Bên hồ
nước có nhà Giá ngự, có trò thì rước kiệu Thánh ra để Ngài cùng xem,
đặng thấy rõ ước nguyện của dân mà làm theo. Nghi thức này rất hiếm ở
lễ hội nơi khác, cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa thần linh với con
người - một biểu hiện văn hóa tín ngưỡng cổ của người Việt và là nét
đặc sắc ở lễ hội chùa Trăm Gian.
Hội
tụ văn hóa Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng bản địa, chùa Trăm Gian còn
bảo tồn được những di sản văn hóa truyền thống cả vật thể và phi vật
thể. Ngôi chùa bề thế, có tới trăm gian, với gần 200 pho tượng theo
Thiền phái Đại Thừa và theo tín ngưỡng bản địa, những mảng nghệ thuật
tạo hình bằng đá, bằng gỗ, bằng đất nung… có niên đại trải dài từ Trần,
Lê, Mạc, Tây Sơn đến Nguyễn. Hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng
xã - tiêu biểu là lệ đánh cờ người - ở đây là hết sức hiếm quý. Rất
tiếc là những năm gần đây, khi tổ chức lễ hội, địa phương đã không chú
ý đến nghi thức văn hóa này. Đấy không chỉ là những cuộc cờ tỷ thí cao
thấp, mà còn bao nhiêu ý nghĩa, bản sắc dân tộc. Mong sao tới đây, xã
Tiên Phương và ngành văn hóa phục hồi được truyền thống rất đặc sắc,
rất bản địa ấy.
Văn Lừng
- - - - - - - - -
Về cuộc thi viết “Cả nước cùng thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”
Cuộc
thi còn hai chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2009 và 2010, với 1 giải nhất
10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3
triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền
thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến
khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu
cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều
chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng
cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.
Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Phông chữ VnArial. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.
BTC
Theo Hà Nội Mới