Mùa xuân đến sớm với Trường Sa
Trường Sa trước thềm Xuân
“Trường Sa-nơi mùa xuân đến sớm”, theo Đại tá Nguyễn Công Sơn, Chủ nhiệm
Chính trị Vùng 4 Hải quân, bởi Trường Sa là mảnh đất phía cực Đông Tổ quốc, là
nơi thấy mặt trời mọc sớm nhất trên đất nước Việt Nam, hơn nữa, năm nào cũng
vậy, trước thềm Xuân, quân dân cả nước đều quan tâm chăm lo, hướng về Trường
Sa, chuẩn bị nhiều phần quà Tết ý nghĩa tặng cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo. Cứ
khoảng giữa tháng 12 hằng năm, khi những con tàu chở quà Tết, hàng Tết ra đảo,
cũng là sự kiện “khởi tạo” mùa xuân, là “mốc thời gian” để quân dân nơi đây bắt
đầu chuẩn bị vui Xuân, đón Tết.
Đúng như lời anh Sơn nói, trong chuyến công tác ra thăm một số đảo, xã đảo
tiền tiêu lần này, rất dễ cảm nhận, cả quần đảo Trường Sa đang choàng lên mình
màu áo mới của “nàng Xuân”; sắc Xuân hiện lên với nhiều cung bậc đa sắc màu,
nhất là vào lúc thời tiết “nũng nịu” của đất trời Nam Trung Bộ dịp cuối mùa
mưa.
Tại các đảo Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Lớn..., những ngày này, sức sống như
bừng lên, thể hiện rõ ở diện mạo mới của khuôn viên doanh trại, cảnh quan môi
trường các đơn vị, cũng như từng nếp nhà dân trên đảo. Hầu khắp các điểm đảo,
từ đầu tháng 12, cán bộ, chiến sĩ đã chủ động “thay áo mới” cho những căn nhà
vốn thô ráp, dãi dầu nắng gió giữa trùng khơi. “Bức tranh biển” hôm nay hiện
lên không chỉ có màu xanh của trời, xanh của biển, mà còn có sắc đỏ của ngói
đỏ, màu vàng của tường vôi và sắc cầu vồng rực rỡ phía giao nhau của biển và
chân trời....

|
Niềm vui Xuân mới của chiến sĩ đảo Đá Tây B.
|
Ấn tượng nhất với chúng tôi là không khí người dân đảo Trường Sa Lớn chuẩn
bị Tết. Các hộ gia đình tranh thủ sửa sang, trang trí lại nhà cửa; tạm neo, gác
dụng cụ lao động sản xuất, phương tiện đánh bắt hải sản; chăm chút lại vườn rau
xanh, chuẩn bị một số thực phẩm đón Tết... Ai cũng háo hức làm công tác chuẩn
bị từ trước, để khi đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo, được tiếp đón, nhận
quà trong niềm vui khôn xiết. Anh Hồ Dương, một chủ hộ ở Trường Sa, tâm sự:
- Con mình được sinh ra trên đảo, năm nay là cái Tết thứ 5 cháu cùng gia
đình đón Tết trên đảo. Lần này, cháu rất vui vì đoàn công tác ra thăm, có mang
theo khá nhiều đồ chơi cho con trẻ, nhiều bánh kẹo mà cháu rất thích.
Đại tá Nguyễn Văn Thư, Phó chính ủy Lữ đoàn 146 miêu tả bức tranh Xuân nơi
tiền tiêu với cách nhìn sâu hơn và xa hơn. Theo anh, Tết này, Trường Sa đổi
thay trông thấy, nhất là cầu nối giữa bờ và đảo xa thêm vững chắc, với nhiều
chuyến tàu vận chuyển hàng hóa liên tục; sóng viễn thông Viettel đã phủ khắp
các đảo, liên lạc thuận lợi với người đất liền... Anh Thư trải lòng:
- Sắc Xuân Trường Sa mỗi năm thêm đẹp và rực rỡ hơn là vì các vùng biển, đảo
luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, đoàn
thể, địa phương; sự chia sẻ động viên, giúp đỡ của nhân dân cả nước. Nơi tiền
tiêu có được mùa xuân ấp ám, đủ đầy thì không thể quên công lao của “người mẹ
Tổ quốc”.
Cũng theo anh Thư, các dự án năng lượng gió, điện mặt trời trên các điểm đảo
được hoàn thành cũng được xem là một “chi tiết mới” của mùa xuân năm nay. Các
đảo có điện thắp sáng, phục vụ sinh hoạt 24/24 giờ, bảo đảm yêu cầu về công tác
và cuộc sống của người dân là minh chứng sinh động cho sự đầy đủ và giàu mạnh,
cũng như nhịp sống sinh sôi của Trường Sa. Đó cũng là “mầm Xuân” tô điểm cho bức
tranh Xuân thêm rực rỡ.
Nồng ấm tình người, tươi mới sắc Xuân
Để chuẩn bị đón Tết, ở các vùng biển đảo, cán bộ, chiến sĩ hải quân và người
dân đều trở thành những “nghệ nhân”. Với ý tưởng độc đáo và bàn tay khéo léo,
quân dân Trường Sa đã làm ra những tác phẩm có ý nghĩa tinh thần, trưng bày cho
mùa xuân thêm sắc màu. Trung tá Cao Văn Sơn, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 146 cho
biết:
- Nắm chắc đặc thù biển đảo, hiểu rõ tình cảm và tâm lý của quân dân ngoài
đảo, quà Tết năm nào chúng tôi cũng dành một nguồn kinh phí nhất định mua tặng
nhiều nguyên vật liệu, các vật phẩm cần thiết để anh em ngoài đảo tự sáng tạo,
trang trí đón Xuân.
Ngoài những “sản phẩm thô” được gửi ra từ đất liền, bộ đội ngoài đảo còn chủ
động khai thác “cây nhà, lá vườn” chế tác nên những sản phẩm bắt mắt. Ở hầu hết
các đảo, cán bộ, chiến sĩ sử dụng vỏ ốc, san hô…, kết thành những lọ hoa, cây
cảnh, tranh ảnh, hoa văn trang trí... Dịp này, các đảo có nhiều tấm pa-nô,
áp-phích, khẩu hiệu tuyên truyền mới, “bắt mắt”. Bởi thế, dù đi giữa biển cả
mênh mông hay thả bước trên những con đường rợp bóng cây bàng quả vuông,
vẫn có thể cảm nhận được sắc Xuân đã len lỏi vào ánh mắt nụ cười của mỗi người,
tràn ngập trong mỗi mái nhà từ sự sung túc, đủ đầy và rực rỡ trên mỗi con
đường, trên từng âu tàu, bến cảng, con thuyền... Xuân đã bắt đầu “lộ dáng” trên
cả những nhành cây, ngọn lá, con sóng... nơi biển đảo tiền tiêu.
Sắc màu mùa xuân ở Trường Sa càng rõ nét hơn khi được hòa mình vào không khí
và tình cảm của quân dân Trường Sa. Ở đâu, lời ca tiếng hát cũng ngân vang, cất
cao. Tiếng đàn ghi ta bập bùng giữa bộn bề sóng nước. Chẳng ai bắt nhịp, tất cả
đều say mê từ trái tim mình trong niềm xúc động: “Ngày qua ngày, đêm qua
đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta,
Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua/ Chiến sĩ Trường
Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ/ Đem chí trai, giữ
vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.
(Theo infonet.vn)