
Đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938 trong thời gian chính quyền bảo hộ Pháp tại Đông Dương
thực thi chủ quyền trên quần đảo này - Ảnh: Tư liệu
|
Mất đi Hoàng Sa vào năm 1974 (cũng như mất Gạc Ma vào năm 1988), và
cùng với đó chúng ta đã mất đi vị trí chiến lược bảo vệ đất nước từ
biển, mất đi những người con của dân tộc đã hy sinh trong những trận hải
chiến đó, là nỗi đau lớn cho Việt Nam. Đó là bài học về một phần cái
giá phải trả khi Việt Nam bị chia cắt, ở trong thế yếu bị các cường quốc
lớn chi phối, kinh tế yếu kém, không có sự quan tâm và chuẩn bị đúng
mức để bảo vệ được đảo.
Cuộc chiến về ý chí và trí tuệ
Thực tế cho thấy, khi quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng, việc đòi
lại Hoàng Sa đúng là một sự nghiệp lâu dài và khó khăn, đòi hỏi người
Việt phải giữ vững được ý chí và chuẩn bị chu đáo. Người Do Thái sau
2.000 năm mất nước đã trở lại được mảnh đất quê hương mình. Làm được
điều đó, trước tiên là vì họ không để ý chí mai một. Câu nói "Sang năm
về Jerusalem" đã trở thành lời cầu nguyện trước mỗi bữa ăn, lời chào từ
biệt giữa những người Do Thái mất nước từ đời này sang đời khác.
Argentina chưa từng từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Falkland
dù gần 200 năm đã trôi qua và hiện quần đảo đang nằm trong tay người
Anh. Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy dù có 1.000 năm Bắc thuộc, đến cuối
cùng ông cha ta cũng khôi phục lại được độc lập cho Việt Nam. Nhưng
những điều đó thành hiện thực là do những nỗ lực đấu tranh không mệt
mỏi, ngọn lửa ý chí được nuôi dưỡng và được truyền qua các thế hệ.

Lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, một trong những hoạt động dân gian chứng tỏ
Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước - Ảnh: Đỗ Hùng
|
Bởi vậy cho dù đó là công cuộc lâu dài, chúng ta không giây phút nào
được trễ nải hay có suy nghĩ rằng hãy gác lại để thế hệ sau làm tiếp.
Luật quốc tế hiện đại đòi hỏi danh nghĩa chủ quyền cần phải được duy trì
liên tục. Chỉ cần có những hành động hay tuyên bố biểu lộ sự thiếu quan
tâm đối với chủ quyền Hoàng Sa, Việt Nam sẽ bị mất đảo vĩnh viễn một
cách hợp pháp. Trách nhiệm của mỗi thế hệ là bảo vệ toàn vẹn và làm mạnh
hơn lập luận pháp lý của Việt Nam, giảm nhẹ gánh nặng cho con cháu của
mình.
Và danh dự của chúng ta, trách nhiệm với tiền nhân và hậu thế không cho phép chúng ta tiếp tục để mất hẳn Hoàng Sa.
Là một người đã tham gia vào lãnh vực nghiên cứu biển Đông hai năm nay, tôi cho rằng có những việc sau cần phải làm:
1. Giữ lửa trong giới trẻ, duy trì ý chí đòi lại Hoàng Sa
Như trên đã nói, để chuẩn bị cho công cuộc đòi lại Hoàng Sa lâu dài
và khó khăn này, điều trước tiên là cần phải duy trì ngọn lửa ý chí,
nhất là cho giới trẻ. Để làm được điều đó, việc đưa Hoàng Sa, lịch sử về
Hoàng Sa và sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa vào sách giáo khoa,
thường xuyên nhắc đến Hoàng Sa trong các ấn phẩm, tổ chức các hoạt động
kỷ niệm cụ thể là cần thiết nhưng chưa đủ. Còn cần phải khơi dạy cho
giới trẻ tình yêu biển, hiểu được tầm quan trọng của biển, đảo với sự
tồn tại và phát triển của đất nước. Đồng thời cũng cần trang bị cho họ ý
thức và những kỹ năng của một công dân, nâng cao tinh thần tự trọng, tự
giác, tự lập và tự cường. Có được những phẩm chất này, tự họ sẽ có ý
thức duy trì ngọn lửa ý chí trong mình cũng như nung nấu suy nghĩ làm
sao có thể đòi lại được Hoàng Sa.
Việt Nam cũng đừng quên giới trẻ ở hải ngoại. Họ ở vị trí rất tốt để
có thể đưa quan điểm, tiếng nói của Việt Nam tới thế giới, giúp dư luận
thế giới hiểu về Việt Nam hơn.
Đồng thời, cũng cần phải tạo thêm nhiều điều kiện cho trí thức Việt
kiều được đóng góp nhiều hơn cho công cuộc bảo vệ chủ quyền. Thực tế tôi
đã được thấy nhiều người trong số họ đã có những đóng góp rất cụ thể,
hữu ích vào cuộc tranh biện đấu tranh cho Việt Nam trên những diễn đàn
hàng đầu thế giới, góp phần ngăn chặn âm mưu tuyên truyền tinh vi của
Trung Quốc. Ví dụ như tiến sĩ Dương Danh Huy ở Anh với những bài viết
được đăng trên các tạp chí, diễn đàn của giới chuyên gia thế giới, hay
Giáo sư Phạm Quang Tuấn ở Úc với những nỗ lực tiên phong bền bỉ trong
hoạt động xóa đường lưỡi bò trên các ấn phẩm khoa học quốc tế.
Để duy trì được ngọn lửa ý chí, thế hệ sau cũng cần phải được đảm bảo
rằng thế hệ đi trước đã làm tròn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp
đòi lại Hoàng Sa lâu dài và khó khăn này. Trong những cuộc thương
thuyết, đàm phán tương lai về khai thác chung và phân định biển nói
chung, và khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ tới Hoàng Sa nói riêng, các nhà
thương thuyết cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để không nói gì, không đưa ra
thỏa thuận gì có thể ảnh hưởng đến hồ sơ pháp lý của Việt Nam. Mọi giải
pháp về chính trị cần phải dựa trên cơ sở là lẽ công bằng và luật quốc
tế.
Nội dung các cuộc đàm phán cũng cần được công bố công khai để người
Việt nói chung và thế hệ trẻ nói riêng biết được diễn tiến thực sự,
những khó khăn, thử thách của Việt Nam khi phải đối mặt với Trung Quốc
lớn và mạnh hơn mình, cũng như rút ra được những bài học cho tương lai.
2. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp để hoàn thiện hồ sơ pháp lý và khả năng tranh biện của Việt Nam
Một giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp
là đưa lãnh vực này trở thành một bộ môn cụ thể trong các trường đại
học. Việt Nam cần có đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản để có thể
tranh luận trong tòa quốc tế, trong môi trường học thuật cũng như trên
truyền thông quốc tế nhằm tranh thủ dư luận thế giới. Nơi không thể
thiếu được để phát triển đội ngũ này chính là trong các trường đại học.
Chỉ phụ thuộc vào Học viện Ngoại giao hay một, hai cơ sở đào tạo khác để
tạo nguồn là không đủ. Việt Nam cần có sự đa dạng về các kênh đào tạo
cũng như môi trường đào tạo cả trong và ngoài nước để có thể khai thác
hết tiềm năng và phát triển đội ngũ chuyên gia.
Sinh viên phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để
phân tích các sự kiện và đề xuất các giải pháp. Một số chuyên đề sinh
viên có thể thực hiện như tìm hiểu các án lệ về chủ quyền lãnh thổ, các
án lệ về phân định biển và đối chiếu với thực tế của Việt Nam; giá trị
pháp lý của những sự kiện lịch sử diễn ra xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Hiện tại dường như Việt Nam mới chỉ nhấn mạnh vào các bằng chứng thực
thi chủ quyền dưới thời nhà Nguyễn. Điều này là cần thiết nhưng không
đủ. Trong phán quyết năm 2008 về tranh chấp cụm đảo Pedra Branca giữa
Malaysia và Singapore, Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng ban đầu Malaysia
có chủ quyền đối với đảo Pedra Branca. Nhưng sau đó chủ quyền này đã mất
vào tay Singapore do phía Malaysia đã không làm đủ để duy trì chủ quyền
trong giai đoạn sau này. Tương tự, để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận
thế giới, Việt Nam sẽ phải tranh biện trên diễn đàn quốc tế vấn đề duy
trì chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau năm 1954. Mà vấn đề
này dường như chưa được nghiên cứu đúng mức. Mở rộng các diễn đàn tranh
luận học thuật cũng như tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu đi sâu về
những vấn đề còn tồn tại này là điều cần thiết.
Bên cạnh nghiên cứu nhà nước, cần phải khuyến khích, tạo điều kiện
cho các nhà nghiên cứu độc lập, và các tổ chức phi chính phủ hoạt động
trong lãnh vực nghiên cứu biển Đông. Mô hình các tổ chức nghiên cứu độc
lập, phi chính phủ đã xuất hiện trên thế giới từ trăm năm nay. Sự phối
hợp giữa nghiên cứu của nhà nước và nghiên cứu độc lập sẽ giúp vấn đề
được mổ xẻ từ nhiều góc nhìn khác nhau, và điều này sẽ giúp cho Việt Nam
xây dựng được những lý lẽ hoàn thiện nhất để phản bác lại những biện
ngôn tinh vi của Trung Quốc, cũng như xây dựng được nhiều phương án khác
nhau để chuẩn bị cho những tình thế khác nhau có thể xảy ra. Ngoài ra,
các tổ chức nghiên cứu độc lập là mô hình phù hợp nhất để khai thác được
những ưu thế của ngoại giao nhân dân, ngoại giao nhưng không sử dụng
danh nghĩa chính phủ.
3. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có những hành động tích cực hơn để đưa sự thật về Hoàng Sa tới thế giới
Bộ Ngoại giao Việt Nam nên mở một website gồm nhiều thứ tiếng ghi lại
tường tận và đầy đủ lịch sử của Hoàng Sa, cơ sở pháp lý của Việt Nam,
cũng như những diễn tiến xung quanh tranh chấp Hoàng Sa.
Việt Nam cần công khai thách Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra
Tòa án quốc tế. Hành động này sẽ gây sự chú ý của thế giới tới một tranh
chấp vốn dĩ là vấn đề chỉ của Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời qua đó
để thế giới thấy lẽ phải thuộc về Việt Nam.
Trong việc truyền thông để thế giới hiểu về vấn đề Hoàng Sa, mỗi cá
nhân người Việt đều có thể tham gia bằng cách tự viết bài gửi cho các
tạp chí, diễn đàn quốc tế để đưa những thông tin chứng minh Hoàng Sa
thực sự là của Việt Nam, và hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực
của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp.
Trong thời đại của thông tin và toàn cầu hóa, có rất nhiều học giả
quốc tế, các “think tank” hàng đầu thế giới, các văn phòng hay các quan
chức chính phủ của các nước tham gia vào các mạng xã hội như twitter và
facebook để lan tỏa và tiếp nhận thông tin. Việt Nam có thể tận dụng
những phương tiện này để tiếp cận với thế giới, đưa thông tin tới thế
giới. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu sinh Trung Quốc đã tận dụng rất tốt
những công cụ này. Đối với người Việt, theo người viết được biết, hiện
cũng đã có những nỗ lực tạo ra và duy trì kênh tổng hợp thông tin biển
Đông tiếng Anh trên mạng xã hội, và đã góp phần thiết thực đưa thông tin
tới giới chuyên gia quốc tế. Nên ý tưởng này hoàn toàn khả thi.
Năm 1940, chỉ trong một trận đánh chớp nhoáng, Đức đã loại bỏ tới 70%
quân đội Đồng minh. Nước Anh trở nên đơn độc và có nguy cơ bị đại bại
trước thế tấn công như chẻ tre của Đức. Trong giờ phút tuyệt vọng của
nước Anh, tưởng như thất bại cầm chắc trong tay, Winston Churchill vẫn
cương quyết không đầu hàng. Ông có câu nói bất hủ: "Chúng ta sẽ bảo vệ
hòn đảo của chúng ta, dù với bất kỳ giá nào, chúng ta sẽ chiến đấu trên
bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu tại nơi đổ bộ, chúng ta sẽ chiến đấu
trên đồng ruộng và trên đường phố, chúng ta sẽ chiến đấu trong vùng đồi
núi; chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng". Ý chí và quyết tâm phi thường
cùng với lòng can đảm tuyệt vời của ông đã cổ vũ tinh thần của quân đội
Anh, giúp cho nước Anh có thể kết thúc chiến tranh thế giới thứ II trong
thế hiên ngang.
Ngày nay, cuộc chiến của chúng ta để đòi lại Hoàng Sa chính là cuộc
chiến về ý chí và trí tuệ. Mỗi người Việt Nam sẽ không bao giờ đầu hàng
và không bao giờ chấp nhận từ bỏ Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.
Phạm Thanh Vân *
* Tác giả là thạc sĩ tại trường Đại học Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốc, đồng điều hành kênh thông tin Biển Đông tiếng Anh trên Facebook và Twitter: https://www.facebook.com/SoutheastAsianSeaNews