
Người
dân đến làm thủ tục hành chính tại quận Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: kỳ anh
Hành chính phục vụ thay
hành chính cai trị
Việt?Nam có hai căn cứ để xây dựng nền
hành chính phục vụ. Thứ nhất, nước ta được tổ chức theo nguyên tắc mọi quyền
lực thuộc về nhân dân. Thứ hai, nhân dân là người nộp thuế để nuôi hệ thống cơ
quan nhà nước và các công chức nhà nước. Nếu có tư duy rõ ràng như thế thì cấu
tạo, hoạt động và hiệu quả của bộ máy hành chính không như hiện nay.
Việc ban hành các văn bản chứa đựng quy phạm pháp
luật hành chính của chúng ta, nếu thấm nhuần tư duy lấy nhân dân làm đối tượng
phục vụ quan trọng hơn là nền hành chính uy quyền hay gọi là nền hành chính cai
trị thì các quy phạm pháp luật đó phải đảm bảo được các nguyên tắc: Đại bộ phận
nhân dân muốn có được quy phạm đó trong đời sống, quy phạm đó mang tính hiện
thực trong đời sống và các hành vi vi phạm của một số cá thể hoặc một thiểu số
công dân phải nhận được lần lượt ba loại hành vi từ cơ quan quản lý: Giáo dục
thuyết phục, cảnh báo và cuối cùng mới là xử lý.
Đối chiếu với thực tiễn, hệ thống hành chính của
chúng ta đã ban hành nhiều loại quy phạm và không được nhân dân đồng tình,
không có giá trị áp dụng trong đời sống xã hội. Rất nhiều văn bản quản lý hành
chính sau khi ban hành đã bị Bộ Tư pháp kiến nghị hủy bỏ, có khác lạ với cách
sống người VN, như cha mẹ cấm con cái đi chơi khuya thì bị phạt vi phạm hành
chính vì cản trở quyền tự do công dân là một trong những minh chứng điển hình.
Trong xử phạt vi phạm hành chính
thì các quy phạm hầu như chỉ quan tâm đến việc duy nhất là xử phạt tiền. Mỗi
lần thay đổi thì xu hướng đều tăng mức phạt tiền. Trong khi đó, nguyên tắc xử
phạt hành chính thì cảnh cáo hành chính mới là hình thức xử phạt chính, xử phạt
tiền chỉ là hình thức xử phạt bổ sung. Lâu dần, các nhà quản lý hành chính đã
quên mất hẳn một nhiệm vụ quan trọng của mình là giáo dục, thuyết phục, ngăn
chặn răn đe.
Nền hành chính cai trị đã tạo ra
một hệ thống cán bộ công chức không biết “cười” với nhân dân. Hơn mức như thế,
khi công dân có việc liên quan đến hành chính thì họ áp dụng phương pháp hướng
dẫn nhiều lần, mỗi lần một chút. Hành chính cai trị đã dẫn đến hậu quả là nó tự
làm hỏng hệ thống cán bộ công chức của mình. Những vấn đề như trên là nghiêm
trọng, nhưng nghiêm trọng hơn là cơ quan hành chính nhà nước và công chức nhà
nước còn sử dụng các "thủ đoạn hành chính" để lừa dối chính cơ quan
nhà nước và công dân để tạo ra những bước trượt dài trong lòng tin của nhân dân
đối với các cơ quan nhà nước. Cơ quan hành chính dùng "thủ đoạn hành
chính" là việc đi ngược lại mọi nền quản lý hành chính.
Nguyên tắc hành chính im
lặng là hành chính đồng ý
Nguyên tắc này được nhiều quốc gia áp dụng nhằm
tăng trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các công chức
làm việc tại các cơ quan này.
Công bằng mà nói, hầu hết việc giải quyết các
quan hệ pháp luật giữa một bên là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, một bên
là công dân và tổ chức khác ở nước ta đã được quy trình hóa, thông báo các điều
kiện cần thiết khi một bên mong muốn tham gia quan hệ và thời hạn để thực hiện
quy trình. Thí dụ như công dân yêu cầu được cấp các loại giấy chứng nhận liên
quan đến tài sản, các quyền nhân thân phi tài sản, các giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh, các loại giấy phép... đều có quy định về điều kiện, quy trình, thời
hạn. Tuy nhiên, việc thực hiên lại không đúng như vậy.

|
Làm thủ tục
hành chính tại Sở Tài nguyên?Môi trường Nhà đất Hà?Nội. Ảnh: Kỳ Anh.
|
Nghiêm trọng hơn, thời hạn để giải quyết, nhất là
các giải quyết về khiếu nại, tố cáo thì hầu như cơ quan quản lý hành chính không
tôn trọng. Từ không tôn trọng về thời hạn dẫn đến nhiều hậu quả: Nhân dân suy
diễn và phải tìm cách hối lộ cho nhân viên công quyền để họ phải làm một việc
lẽ ra họ phải làm(!); nhân viên công quyền dựa vào tâm lý nói trên để tạo cửa
quyền; và, cuối cùng là làm cho nhân dân mất lòng tin vào cơ quan nhà nước.
Chỉ cần áp dụng nguyên tắc hành
chính im lặng là hành chính đồng ý và công chức phía cơ quan công quyền phải
chịu trách nhiệm bằng các hình thức tương ứng thì ít nhất xã hội ta có thể loại
bỏ được 60 - 70% những vụ tham nhũng nhỏ thông qua phong bao, phong bì.
Nguyên tắc trách
nhiệm người đứng đầu
Người đứng đầu các cơ quan hành
chính chỉ bị xử lý chủ yếu khi có hành vi tham nhũng hoặc vi phạm các quy phạm
đạo đức. Nước ta hầu như chưa xử lý các hành vi đưa ra các quyết định hành
chính sai hoặc không ban hành quyết định hành chính mà lẽ ra các quyết định
hành chính phải ban hành hoặc không thực hiện đúng quy trình,thời hạn... là các
cửa thoát trách nhiệm của công chức mang quyền hành chính và người đứng đầu cơ
quan hành chính, nghiêm trọng hơn là những người này coi thường các quan hệ
hành chính mà mình thay mặt cho nhà nước tham gia; giải quyết các quan hệ hành
chính một cách tùy tiện và cuối cùng là không lựa chọn được những công chức
hành chính và những người đứng đầu các cơ quan hành chính đủ năng lực, chuyên
nghiệp.
Do thiếu năng lực và không chuyên
nghiệp dẫn đến người đứng đầu hoặc người được ủy quyền thay mặt Nhà nước giải
quyết các quan hệ hành chính không quyết đoán. Họ giải quyết các quan hệ hành
chính theo kiểu quyết định dựa theo số đông. Để có đủ chứng cứ cho việc dựa
theo đám đông, họ phải liên tục và thường xuyên tổ chức các cuộc họp, triệu tập
rất nhiều cán bộ của các ngành chuyên môn để nghe phát biểu, giữ biên bản cẩn
thận đối phó với công dân và đối phó với cơ quan cấp trên.
Thông điệp của Thủ tướng về cải cách hành chính
là quyết liệt, những mục tiêu là rõ ràng. Tuy vậy, xây dựng một bộ máy hành
chính mới nhằm đạt được những tiêu chí mà Thủ tướng nêu ra là cam go, vì hệ
thống quản lý hành chính nhà nước đã có “một quán tính” , một sức ỳ quá lớn. Mà
quán tính ấy, sức ỳ ấy lại mang tính phe nhóm che đỡ cho nhau (!).
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn
hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH: “Tôi rất tâm đắc với quan điểm của
Thủ tướng là phải đổi mới thể chế”. Dư luận chung cả nước cũng như của các đại
biểu QH đều đánh giá cao thông điệp đầu năm của Thủ tướng, vì đã nói đến những
vấn đề cốt lõi trong phát triển KTXH đất nước.
Những động lực cải cách trước đây dù phù hợp
nhưng đến nay trở thành "manh áo đã chật", do đó cần thiết phải đưa
những chính sách pháp luật mới vào cuộc sống để phù hợp với thời đại mới. Tôi
rất tâm đắc với quan điểm mà Thủ tướng nhấn mạnh là phải đổi mới thể chế và
phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mọi đổi mới phải bắt đầu từ thể chế, thể
chế không phù hợp sẽ kìm hãm phát triển.
Về quyền tự do dân chủ nhân dân
trong thông điệp, tôi cho rằng dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát
triển đất nước. Mọi quyền tự do dân chủ của công dân phải được đảm bảo và hiến
pháp cũng đã quy định rõ. Thủ tướng đã nói rất đúng khi nhấn mạnh việc phát huy
quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là trong việc tham gia xây dựng chính
sách, lựa chọn người đại diện, sở hữu tài sản.
Để thực hiện được những nội dung
của thông điệp, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn lực con người. Muốn xây dựng
xã hội phát triển phải bằng thể chế thì cần phải tuyên truyền, giáo dục sâu
rộng về đạo đức, tính nhân văn, lúc đó các hành vi phi nhân tính mới giảm được.
Bên cạnh đó, bộ máy các cơ quan công quyền cần có tâm, có tầm và vì dân hơn
nữa, chứ không vì lợi ích của bản thân hay một nhóm người.
TS Lê Đăng Doanh:
“Báo chí cần mở diễn đàn “hiến kế” đưa thông điệp vào cuộc sống”. Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu thông điệp bằng nhiệm vụ “đổi mới thể chế và phát huy
mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, đã đề cập đúng trọng tâm, đáp ứng nguyện
vọng của người dân đang bức xúc với những yếu kém và bất cập của bộ máy, từ
giáo dục, y tế đến vệ sinh, an toàn thực phẩm...
Thủ tướng đòi hỏi: “Nhà nước phải bảo đảm và phát
huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng
chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản.
Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước
hết là phải tuân thủ pháp luật.
“Đây là định hướng lớn chiến lược, đòi hỏi có
chương trình hành động cụ thể của các ngành, các cấp, song lòng mong mỏi của
người dân là sớm được thấy ngay trong những ngày đầu năm những hành động cụ thể
thiết thực của bộ máy công quyền các cấp như cung cấp thông tin công khai, minh
bạch về lịch làm việc của công chức nhà nước, chi tiêu tiền ngân sách, thiết
lập đường dây nóng để người dân phản ánh nguyện vọng, trả lời và giải quyết kịp
thời thỏa đáng những đề xuất của dân...
Chúng ta đang sống trong một thế giới có những
thay đổi rất sâu sắc, mạnh mẽ, hạnh phúc không còn chỉ là có cơm ăn, áo mặc mà
còn bao hàm môi trường sống trong sạch, xã hội an toàn, mọi người có cơ hội
phát triển, bình đẳng về pháp luật. Vì vậy, cần khuyến khích không khí trao đổi
cởi mở, góp ý kiến xây dựng về con đường, phương pháp khác nhau nhằm phục vụ
mục đích chung là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, khắc
phục thói độc quyền chân lý, độc thoại, chụp mũ cho những ý kiến khác.
Thủ tướng cũng đề ra yêu cầu rất
đúng đắn về việc “Phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham
gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng
cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và
trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách”...
Báo chí cần mở ra những diễn đàn
“hiến kế”, tranh thủ ý kiến rộng rãi của bạn đọc, nhằm sớm đưa những ý tưởng
chính sách quan trọng trong thông điệp của Thủ tướng vào cuộc sống.
TS Trần Ngọc Châu - Giám đốc kênh truyền
hình tin tức tài chính FBNC: “Thông điệp đã định lượng cụ thể hơn về
vấn đề dân chủ”. Tôi nhận thấy rằng nếu như trong thông điệp đầu năm 2013, Thủ
tướng nhấn mạnh ưu tiên về ổn định kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền
tệ thì trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng lại nhấn mạnh đến vấn đề có tác
động nhiều hơn, đó là hoàn thiện thể chế và mở rộng dân chủ. Theo như phân tích
của Thủ tướng, đất nước mỗi khi có sự thay đổi lớn thì cần có thể chế mới tác
động vào thực tiễn để thay đổi. Năm 1986, nhờ có quyết sách đổi mới, đất nước
ta thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ.
Trong vấn đề nông nghiệp, từ một nước phải đi xin
viện trợ lương thực, mà chỉ cần có “Khoán 10” , chúng ta trở thành nước xuất
khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo. Chính những thể chế mới đã tác động vào sự
thay đổi nền kinh tế và cuộc sống xã hội. Tuy nhiên từ năm 1986 đến nay, những
thể chế giúp đất nước phát triển gần như đã bắt đầu chật hẹp. Muốn nền kinh tế
tăng tốc thì phải có thể chế mới. Tôi cho rằng Thủ tướng đã nhấn mạnh vấn đề
này một cách kịp thời, trọng tâm, nhất là trong bối cảnh vừa thông qua hiến
pháp mới.
Thông điệp cũng định lượng cụ thể
hơn về vấn đề dân chủ, chẳng hạn Thủ tướng nhấn mạnh việc hạn chế tự do của dân
chúng cần rất thận trọng, người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm
và cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Để mở rộng dân chủ, phải có
thể chế phù hợp lòng dân. Những ví dụ nêu ra trong thông điệp là những bằng
chứng hiển nhiên cho thấy những thể chế ban hành vào lúc thích hợp và đúng với
lòng dân sẽ tạo hiệu quả lớn trong xã hội, thậm chí thay đổi được tình hình đất
nước.