37
năm đã qua, kể từ trận đánh khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng
Trị (mùa hè 1972). Cuộc sống trên mảnh đất Quảng Trị đã dần hồi sinh,
nhưng ký ức về một cuộc chiến khốc liệt với sự hy sinh của hàng nghìn
người lính vẫn in sâu trong tâm tưởng từng người dân Quảng Trị, từng
người lính già.
Trở lại chiến trường xưa sau hơn 30 năm, ông Vũ
Phúc Ân (Đoàn cựu chiến binh Hà Nội) bùi ngùi nhớ lại: “Quảng Trị thời
máu lửa chưa có cầu bắc qua sông Thạch Hãn như bây giờ, chúng tôi đã
phải bơi qua sông giữa làn mưa bom của kẻ thù. Nhiều khi, cả đoàn 10
người cùng sang sông thì chỉ có 1, 2 người đến được bờ bên kia”.
Thắp nén nhang cho những người đồng đội đã ngã
xuống trên mảnh đất anh hùng, điều mà người cựu chiến binh già trăn trở
chính là những nấm mồ vô danh. “Tôi không thể hình dung và tả hết,
chiến tranh quá khốc liệt. Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ đồng đội, tôi
nhớ đến những người cùng ăn cùng ngủ với mình đêm trước, sớm hôm sau đã
hy sinh. Giờ người nằm đây, người không biết nằm đâu trong hàng nghìn
nấm mộ vô danh”.
Tiếp lời người đồng đội, người lính Trung đoàn 42
F320 Nguyễn Nhân Hậu nhớ lại thuở 18: “Đơn vị chúng tôi bảo vệ phía
đông Thành cổ, tiểu đoàn trụ được 7 ngày đêm thì phải thay tiểu đoàn
khác vào. 7 ngày đêm không ngủ, chỉ ăn lương khô và uống nước. Trong
thời gian đó, người nào hy sinh thì sẽ bổ sung người khác vào thay vị
trí ngay. Có đồng chí vừa được bổ sung vào, chưa kịp biết tên, quê quán
của nhau đã hy sinh. Chỉ huy cũng chưa kịp biết tên, nhớ mặt chiến sĩ…”.