Văn chương 2013 một năm mất mùa: đâu hạt mùa sau?

Không nhiều giải
thưởng để người viết hãnh diện. Ảnh: baomoi.com
|
Cuối tuần qua (4.1), hội Nhà văn Việt Nam chính thức công bố giải thưởng
Văn học của hội năm 2013. Trong bốn tác phẩm được trao giải, có hai thuộc thể
loại sáng tác văn học là tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của
Nguyễn Trí và tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân. Tuy nhiên, dõi
theo dòng chảy của thị trường sách, trong suốt năm qua người ta hầu như không
thấy có chút gợn sóng nào liên quan đến hai tác phẩm trên.
Trước đó, giải Sách Việt Nam 2013 vừa công bố hồi cuối tháng
12.2013 cũng không tìm được tác phẩm nào để trao giải Sách hay.
Dĩ nhiên, để đánh giá đời sống văn học, không thể chỉ nhìn vào
các giải thưởng hay hội hè đình đám. Nhất là trong bối cảnh, như cách nói của
một nhà văn kỳ cựu, rằng chúng ta hoàn toàn không có những giải thưởng uy tín
để người viết cảm thấy hãnh diện nhưng lại lạm phát các cuộc thi lùm xùm và tai
tiếng. Do vậy, để có một cái nhìn khái quát hơn về đời sống văn học, người viết
phải quay về quan sát các sự kiện.
Ngay từ đầu năm, giải thưởng hội Nhà văn Việt Nam 2012 (công bố
ngày 16.1.2013), hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam đã từ chối thẳng thừng
bằng khen của hội. Theo Y Ban, lý do để bà từ chối là bởi “giám khảo không dám
đối mặt” với tác phẩm Trò chơi huỷ diệt cảm xúc của bà, và họ cũng
“không đủ tầm để đánh giá”. Tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn
(tên thật Nguyễn Xuân Hoàng) gồm hai tập – Tam giác ngầm và Quyền
lực đen sau gần hai tháng phát hành, ngày 31.7, cục Xuất bản đã phát đi
công văn yêu cầu “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung” bộ tiểu
thuyết này. Tuy nhiên, chính hành động này của cục Xuất bản làm cho bộ tiểu
thuyết Đại gia – vốn không ai chú ý khi mới phát hành, bỗng trở nên nổi tiếng
và được công chúng săn lùng.
Có một sự kiện gọi là đáng chú ý, thậm chí gây tranh cãi trong
giới là giải thưởng của hội Nhà văn Hà Nội vào tháng 10.2013, khi hội này quyết
định trao 2/5 giải cho nhà văn Nguyên Ngọc với bút ký Các bạn tôi ở trên ấy
và tập thơ Đường gió của Giáng Vân là hai nhà văn và nhà thơ cũng
thuộc loại... lão làng.
Sắp kết thúc một năm buồn thảm thì tập thơ Từ yêu đến thương
của Nguyễn Phong Việt xuất hiện giống như một sự cứu rỗi cho văn chương Việt.
Tập thơ được đặt in tới 2 vạn bản ngay từ lần xuất bản đầu tiên. Trước đó một
năm, tập thơ Đi qua thương nhớ của Việt đã phá kỷ lục sáng tác với số
lượng tái bản liên tục tới hơn 3 vạn bản. Những người trẻ trên Facebook thì
nói: “Đọc Phong Việt dễ thấy mình trong đó lắm, khi đọc đau đớn lắm cơ mà xong
thì nhẹ nhàng lắm!” (Nguyễn Ngọc Hiếu). Khi mà văn chương tìm thấy sự đồng cảm
của người đọc – cho dù văn chương chỉ viết cho những người cùng thế hệ – để họ
“thấy mình trong đó”, vậy không phải là tín hiệu sao? Cho dù đó chỉ mới là
những hạt mầm, còn phải chờ đợi bung nở cho những vụ mùa sau, sau nữa...
Như Trần
Người cầm bút thực sự vẫn âm thầm viết
Đối với một người viết văn như tôi, dù một năm chỉ đọc được
dăm cuốn sách, nhưng cảm thấy thú vị, như bộ hai cuốn Kiến văn tiểu lục của
Lê Quý Đôn, cuốn Lịch sử nhìn lại dưới góc nhìn y khoa, Chuyện nghề của Thuỷ,
X6 Điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn, Nelson Mandela tự thoại… Về sách văn
chương, tôi chỉ đọc được vài cuốn, như Sinh ra là thế của Nguyễn Ngọc Thuần,
Xóm Miếu Nổi của Hà Hùng, Thang máy Sài Gòn của Thuận…
Nếu chỉ riêng mấy cuốn này mà nói về văn chương 2013 thì phiến
diện quá.
Trong ba tác giả vừa kể trên, nếu “chấm điểm” thì tôi sẽ chấm
cho Hà Hùng, vì đây là cuốn viết bằng hình ảnh, tự nhiên và có gì đó khiến
mình vui sống. Mới đây, tôi cũng vừa đọc xong tiểu thuyết Tương tác của Triệu
Từ Truyền, tôi nghĩ nếu bản thảo được chăm chút hơn thì đây là cuốn rất đáng
đọc, vì nó đụng chạm đến những vấn đế lớn của nhân sinh. Thật thú vị là vừa
qua các nhà bác học tìm ra hạt Higgs – “hạt của Chúa” đoạt giải Nobel Vật lý
thì trước đó Triệu Từ Truyền đã chiêm nghiệm viết về thứ hạt tương tác này.
Tất nhiên, trong tác phẩm này, tác giả còn mở rộng nhiều trường tương tác
khác. Năm 2013, văn chương có vẻ khá bình lặng, nhưng tôi nghĩ những người
cầm bút thực sự thì vẫn luôn âm thầm lao động…
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ
|
(Theo sgtt.vn)