|
Bạn đọc nhỏ tuổi chọn sách |
Người đọc có - người viết không
Có một nghịch lý là trong khi tại
các cuộc hội thảo về văn học, sáng tác, người ta không tiếc lời ca thán
rằng giới trẻ nhất là thiếu nhi hiện nay không chịu đọc sách, văn hóa
đọc của người trẻ đang bị xói mòn. Thế nhưng, vào bất cứ một nhà sách
nào, gian sách đông người đọc nhất luôn luôn là gian sách thiếu nhi. Ở
đó, bạn đọc nhỏ tuổi say mê đọc, đứng đọc mệt các em ngồi lăn ra để đọc.
Nhân viên nhà sách cũng thông cảm, chỉ khi nào các em nằm ra sàn để đọc
mới nhắc nhở. Vào đợt bán sách giảm giá, các gian hàng của NXB Trẻ, Kim
Đồng - những đơn vị chuyên làm sách thiếu nhi - luôn là gian hàng đông
khách nhất với lượng hàng bán cao nhất.
Ở các kỳ hội chợ, các đợt sinh
hoạt văn hóa lớn của giới trẻ, các hoạt động hóa trang thành các nhân
vật trong truyện luôn thu hút rất đông người tham dự. Nếu không đọc
sách, đam mê với sách làm sao những bạn trẻ đó có thể chấp nhận vất vả,
say mê hóa thân thành các nhân vật trong sách đến vậy?
Theo thống kê những năm gần đây,
trong số khoảng gần 300 triệu bản sách được xuất bản mỗi năm, có đến 76%
là sách giáo khoa, các loại sách còn lại chiếm 24%, trong đó sách thiếu
niên, nhi đồng chiếm khoảng 10% (gần 29 triệu bản), nghĩa là gần phân
nửa tổng lượng sách trên thị trường (trừ SGK). Dĩ nhiên, con số này vẫn
còn quá ít nhưng nó cho thấy vai trò quan trọng của sách thiếu nhi trong
cơ cấu xuất bản trong nước hiện nay. Điều này càng được cụ thể hóa hơn
khi các NXB đứng đầu cả nước hiện nay đều là những NXB chuyên làm sách
cho thiếu nhi, thiếu niên.
Vừa qua, trong một bài viết về
sáng tác văn học cho thiếu nhi, một nhà nghiên cứu đã gọi nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh là ngôi sao sáng đơn độc trong bầu trời văn học thiếu nhi Việt
Nam. Lời ca ngợi này đồng thời lại là tiếng thở than về một thực tế là
hiện có quá ít tác giả viết cho thiếu nhi và người thành công thì hiếm
đến mức không có để mà đếm đến số 2.
Nhu cầu bạn đọc có, người viết lại
không, các NXB trong cơn sóng cạnh tranh đành lựa chọn cách tìm kiếm
nguồn tác phẩm từ bên ngoài. NXB Kim Đồng lao vào các tác giả Nhật Bản,
NXB Trẻ chọn các sáng tác từ Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc) hay ở Hàn
Quốc… Thi thoảng có một vài sáng tác trong nước lại xa rời thực tế hay
như nhận xét của các nhà phê bình là “viết cho tuổi thơ ngày xưa của tác
giả chứ không phải cho tuổi thơ hiện nay”.
Hệ quả của việc “thế hệ tương lai”
chỉ thích tìm sách nước ngoài để đọc được thể hiện ngày càng rõ nét.
Trong một cuộc thi về văn hóa Nhật Bản được tổ chức ở NVH Thanh niên
trước đây, nhiều bạn đọc nhỏ tuổi có thể kể tên vanh vách những vị thần
trong văn hóa Nhật Bản, những truyền thuyết, những câu truyện cổ dân
gian của họ. Hỏi ra thì mới hay các độc giả nhí học được từ các bộ
truyện tranh đình đám hiện nay như Đảo hải tặc, Conan, Naruto… Các tác
giả đã khéo léo lồng ghép vào những câu truyện giàu kịch tính, đầy tính
hành động hấp dẫn các yếu tố văn hóa đặc trưng của dân tộc họ vào sách.
Sự khởi động muộn màng
Gần đây, Hội Nhà văn TPHCM gây chú
ý khi trao tặng thưởng năm 2013 của hội cho một tác phẩm viết dành
riêng cho thiếu nhi, cuốn Cả làng biết bay của nhà văn Thu Trân (Nguyễn
Thu Trân). Đây là một tuyển tập các truyện ngắn dành cho thiếu nhi với
nội dung khá đa dạng, từ những câu truyện mang tính viễn tưởng đến các
câu truyện cổ tích gắn với thời đại. Tặng thưởng này được xem là một
điều bất ngờ vì từ trước đến nay, ít có tác phẩm nào viết cho thiếu nhi
đoạt giải, nếu có thì cũng là của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cây bút thiếu
nhi đã quá nổi tiếng. Mặc dù chưa thực sự tạo ấn tượng với bạn đọc dù
được đánh giá cao về nội dung nhưng ít nhất việc nhận được tặng thưởng
của Cả làng biết bay cũng đã đem lại chút khích lệ cho những tác giả
viết cho thiếu nhi.
Nếu mảng truyện chữ còn khá chậm
chân thì ở mảng truyện tranh, suốt 10 năm nay không thể không ghi nhận
nỗ lực tranh giành thị trường của Công ty Phan Thị. Thành công với bộ
truyện tranh Thần đồng Đất Việt, một trong những bộ truyện tranh thu hút
đông bạn đọc nhất từ trước đến nay, công ty đã mở rộng ra những mảng
truyện tranh khác như truyện tranh lịch sử, truyện tranh khoa học… trong
đó có nhiều tác phẩm được đánh giá cao như bộ Danh tác Việt Nam, chuyển
thể truyện tranh các tác phẩm văn học tiêu biểu trong nước; bộ Bác Hồ
sống mãi, kể các câu chuyện về Bác một cách gần gũi nhất với bạn đọc
thiếu nhi. Gần đây nhất, bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt chủ đề biển
đảo đã được đánh giá cao khi góp phần nâng cao kiến thức về chủ quyền
biển đảo đến bạn đọc nhỏ tuổi.
(Theo sggp.org.vn)