Hai nhà toán học VN được bầu là Viện sĩ hàn lâm KH quốc tế
Hai nhà khoa học Việt Nam GS. TSKH Phan Quốc Khánh (ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) và GS.TSKH Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học) vừa được Viện Hàn lâm khoa học các nước thế giới thứ ba (TWAS) bầu là viện sĩ trong lĩnh vực toán học. Hai giáo sự hiện đang tham gia Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.
TWAS vừa công bố danh sách 52 viện sĩ
mới được bầu thuộc 10 lĩnh vực khác nhau. Riêng ở lĩnh vực toán học, Việt Nam có hai nhà khoa học, còn lại là hai nhà
nghiên cứu người Brazil
là Artur Oscar Lopes và Ivan Shestakov .
GS. TSKH Phan Quốc Khánh là một chuyên
gia về lý thuyết tối ưu. Ông bảo vệ luận án tiến sỹ (năm 1978) và tiến sỹ khoa
học (năm 1988) tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Các kết quả
nghiên cứu của ông dẫn đến những phát triển quan trọng trong lĩnh vực tối ưu
véc-tơ, bài toán cân bằng và bất đẳng thức biến phân. Ông hiện là Phó chủ tịch
của Hội Toán học Việt Nam,
Phó chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Toán học của Quỹ phát triển khoa học và
công nghệ quốc gia (NAFOSTED).
GS. TSKH Hoàng Xuân Phú là người chuyên
nghiên cứu về lý thuyết điều khiển và tối ưu, giải tích số cũng như ứng dụng của
các lĩnh vực này. Ông bảo vệ luận án tiến sỹ (năm 1983) và tiến sỹ khoa học
(năm 1987) tại Đại học Leipzig, Đức. Hiện nay ông là Tổng biên tập của tờ báo
chuyên ngành Vietnam Journal of Mathematics và là ủy viên của Ủy ban Các nước
đang phát triển, Liên đoàn Toán học quốc tế (CDC-IMU). Ông cũng đang là viện sĩ
thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Heidelberg và Viện Hàn lâm Khoa
học và Nhân văn Bavaria, Đức.
Viện Hàn lâm khoa học các nước thế giới thứ ba có 1.110 thành viên, trong đó có
các nhà khoa học Việt Nam như giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức, Ngô Việt
Trung, Hà Huy Khoái, Đào Trọng Thi, Lê Tuấn Hoa, Phan Quốc Khánh và Hoàng Xuân
Phú.
Theo đánh giá của các nhà khoa học thì
viện sĩ là các Giáo sư, Tiến sĩ có danh tiếng và đóng góp nhiều cho đất nước
cũng như thế giới bằng những công trình thiết thực.
Viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học là
một danh hiệu vô cùng cao quý. Danh hiệu này được bầu, chứ không phải được kết
nạp sau khi hoàn tất những thủ tục “hội phí”.
Với ý nghĩa này, Viện hàn lâm khoa học
Nga hiện chỉ có 101 viện sĩ, trong đó Việt Nam có 5 viện sĩ. Trước đó, hồi
tháng 4/2012, GS Ngô Bảo Châu cũng đã được vinh dự bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm
Mỹ, sau những đóng góp to lớn của ông về Toán học.
Năm 2011, GS Phan Huy Lê cũng chính
thức trở thành viện sĩ danh dự Pháp. Ông là giáo sư ngành khoa học xã hội đầu
tiên của Việt Nam
được bầu chọn và nhận vinh dự này.
(Theo sgtt.vn)