Xuất bản truyện tranh: Truyện tranh giấy sắp tuyệt chủng tại Việt Nam?
Tính đến nay, đã có khoảng 700 bộ truyện tranh các loại, chủ
yếu của nước ngoài được xuất bản ở Việt Nam. Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ,
vào những ngày cuối năm 1992, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt những tập đầu
tiên của bộ truyện tranh Doraemon nổi tiếng của Nhật Bản. Đây là sự kiện gây
chấn động không chỉ với hoạt động xuất bản sách ở Việt Nam, mà còn tạo ra một
thói quen đọc sách mới với bạn đọc Việt – thói quen đọc truyện tranh
(manga).

Những quãng thời gian ấy nay còn đâu khi theo thống kê mới
nhất thì thị trường truyện tranh xuất bản tại Việt Nam đang tụt dốc không phanh, mang
cùng theo đó là sự không quan tâm, hời hợt với từng cuốn truyện của các bạn
trẻ. Đây liệu có phải dấu hiệu cho cái kết của những tập truyện, thứ đã gắn
liền với tuổi thơ của đa số 8x, 9x. Chúng ta hãy thử nhìn qua những nguyên nhân
đã dẫn đến tình trạng này.
1. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của đọc truyện online

Ngày nay với sự phát triển chóng mặt của internet, hàng chục
thậm chí hàng trăm website đọc truyện online chất lượng ngày càng cao như
manga24h, blogtruyen, vitaku ... ra đời, cung cấp kho tàng hàng nghìn đầu
truyện cho đông đảo độc giả. Điều này có thể coi là nguyên nhân chí mạng đánh
thẳng vào ngành xuất bản truyện tranh tại Việt Nam bởi nó mang lại sự nhanh chóng
và tiện lợi, lại vô cùng tiết kiệm chi phí so với việc đi mua những bộ truyện
với những bạn không có điều kiện.
2. Tăng giá “vô tội vạ”
Giá manga xuất bản tại Việt Nam tăng một cách chóng mặt. Nếu
như vào những năm 1990, giá một cuốn truyện tranh chỉ khoảng 3.000đ/ cuốn thì
hiện nay lên tới 16.000đ/ cuốn, thậm chí có những bộ truyện như Fairy
Tail là 20.000/cuốn. Đây thực sự là một khoản tiền không nhỏ đối với
học sinh, sinh viên nếu mua truyện hằng tuần và thậm chí muốn mua nhiều loại
truyện để đọc.

Tuy lạm phát cũng là 1 yếu tố dẫn đến việc tăng giá nhưng
bất cứ độc giả hardcore nào đã theo dõi truyện tranh từ lâu thì đều có thể đưa
ra 1 nhận xét chung, đó chính là tăng giá “vô tội vạ”. Không thèm để ý đến ý
kiến độc giả mà tự tiện viện vào lý do “tăng chất lượng truyện”, các nhà xuất
bản liền thay đổi chất lượng giấy, làm bìa đẹp hơn và sau đó dẫn đến 2 chữ kinh
điển: “tăng giá”. Đây là độc chiêu được sử dụng nhiều nhất trong khi chất lượng
các cuốn truyện trước khi thay đổi vốn đã rất tốt và không độc giả nào phàn nàn
về điều đó cả.
3. Các bộ truyện được xuất bản đang dần trở nên bão hòa

Trong thời gian gần đây, thị trường truyện tranh tại Việt
Nam gần như rơi vào tình trạng bão hòa khi phần lớn các bộ truyện được xuất bản
có bản quyền của các nhà xuất bản lớn như NXB Kim Đồng và NXB Trẻ, hay thậm chí
là TVN Comic đều là những bộ truyện nổi tiếng đã được xuất bản và tái bản nhiều
lần. Điều này tạo cho độc giả cảm giác họ bị “hút máu đến giọt cuối cùng” và
dần trở nên hờ hững hơn.
4. Không tôn trọng độc giả
Vẫn biết lịch phát hành truyện tranh luôn có nhiều xê dịch,
thay đổi nhưng thay vì thông báo điều đó cho độc giả thì nhiều NXB lại quyết
định im ỉm và điều đó khiến nhiều bạn từng mòn mỏi ngóng chờ cuốn truyện yêu
thích của mình đến ngày ra mắt thì lại phải hụt hẫng. Điều này dần dần đã khiến
độc giả ngày càng cảm thấy khó chịu vì không được tôn trọng.

Thêm vào đó là tình trạng biên tập, biên dịch chưa được đầu
tư đúng mức, nhiều chi tiết, câu thoại được dịch bừa khiến tạo nên không ít
tính huống “củ chuối” và khó hiểu. Bạn có thể thấy điều này trong nhiều bộ truyện,
ví dụ như “Doraemon bộ đặc biệt”.
5. Dễ sai lệch so với nguyên tác
Có thể nói đây là điều “đáng ghét” nhất với các fan ruột của
bất kỳ một bộ manga nào, mặc dù lý do phần lớn là do đặc thù văn hóa Việt Nam. Với mỗi bộ
truyện tranh dù đã được mua bản quyền thì trong quá trình biên tập, các NXB vẫn
phải xây dựng chúng phù hợp với văn hóa Việt Nam nên tạo cảm giác không thật và
sai lệch so với nguyên tác, mất đi cái hay của truyện.

Điều này cũng không thể trách NXB bởi đây đã là luật, mà nếu
là luật thì phải tuân theo. Nhưng rõ ràng nó sẽ dẫn đến 1 thị trường truyện
tranh không thể tự do và thoải mái như trên các trang đọc truyện online.
6. Tổng kết
Với những bạn trẻ 10x hiện nay thì thật sự đọc truyện online
đã là 1 nét văn hóa vô cùng mạnh mẽ, cùng với đó chính là sự hững hờ những bộ
truyện được xuất bản. Không ai phủ nhận cảm giác cầm trên tay cuốn truyện vẫn
là tuyệt vời nhất nhưng giờ đây chỉ những bạn thực sự ham mê điên cuồng truyện
tranh mới bỏ tiền ra mua cho mình những cuốn yêu thích.

Nếu không có những biện pháp cải thiện tình hình thì rất khó
nói tương lai ngành xuất bản truyện tranh sẽ đi về đâu. Khác với Việt Nam,
tại Nhật họ hoàn toàn tôn trọng luật bản quyền đã ăn vào trong máu, cũng như
văn hóa mua tạp chí manga là 1 nét văn hóa không thể thay thế bằng bất cứ hình
thức nào nên nền manga Nhật Bản ngày càng phát triển và thu hút được nhiều độc
giả.
(Theo phapluatxahoi.vn)