Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 14/01/2014 02:45
"Việt Nam đóng vai trò to lớn nhất trong kinh tế Campuchia"
Trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tối 13/1, tại Cung Hòa bình ở Thủ đô Phnom Penh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Hunsen.

Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Campuchia Hunsen nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm làm việc tại Vương quốc Campuchia, tin tưởng chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng được gặp lại Thủ tướng Hunsen và chân thành cảm ơn Thủ tướng Hunsen, Chính phủ và nhân dân Campuchia đã dành cho đoàn sự tiếp đón chu đáo, thân tình.

Thủ tướng đánh giá cao thành công tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Hunsen và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia, góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài tiếp tục phát triển vững chắc trong thời gian tới, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Xen cắt băng khánh thành Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnôm Pênh sáng 13/1.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen cắt băng khánh thành Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh sáng 13/1.

Hai bên rất vui mừng trong thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội được củng cố; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư có những bước phát triển tích cực.

Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước cũng như sự phát triển của mỗi nước; bày tỏ quyết tâm phấn đấu nâng kim ngạch hai chiều đạt 5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015.

Trước đó, trong buổi làm việc sáng 13/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen, đã lắng nghe kiến nghị của 450 doanh nghiệp đến từ 2 nước tại hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam.

Tiêu biểu tại hội nghị có doanh nghiệp phân bón của ông Trần Văn Mười. Ông đã bỏ vốn hơn 80 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón tại tỉnh Kanda của Campuchia từ cuối 2009 và chính thức đưa vào hoạt động sản xuất sau 4 năm.  

Đó là phân bón hiệu 5 sao Campuchia của công ty ông phân phối rộng khắp 24 tỉnh thành nước này với gần 1.000 đại lý. Trong 1 năm đầu sản xuất đạt gần 200 ngàn tấn các loại, thu về khoảng 90 triệu USD. Nói nôm là "có lãi". 500 lao động địa phương đã có thu nhập ổn định.

Không chỉ dừng ở sản xuất, công ty này sử dụng một đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp Việt Nam và Campuchia chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến đến bà con nông dân trên toàn Campuchia. 

Đó chỉ là 1 trong số 127 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Campuchia mà như Chủ tịch Phòng thương mại Campuchia Neak Ohnha Kith Meng nói, "đã quá rõ Việt Nam là người đóng vai trò to lớn nhất trong nền kinh tế Campuchia, liên quan đến thu nhập, tạo công ăn việc làm và góp phần nâng cao đời sống của công dân chúng tôi".

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, phương châm đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam là "lời hứa đi đôi với việc làm". Từ 127 dự án với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD (hiện đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư so với TQ đứng đầu với 15,6 tỷ USD), Hiệp hội này đang phấn đấu vận động doanh nghiệp đầu tư, đưa FDI của Việt Nam tại Campuchia đạt từ 4 đến 4,2 tỷ USD, đầu tư vào nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy hải sản, khai khoáng... 

Một "đặc thù" của đầu tư FDI Việt Nam ở thị trường này đó là gắn với an sinh xã hội với tổng mức hỗ trợ đăng ký đến nay trên 35 triệu USD.

Bên cạnh thuận lợi những dự án trên cũng gặp nhiều khó khăn. Số dự án cam kết vốn đầu tư nhưng chưa triển khai chính thức do những khó khăn, vướng mắc vẫn còn.

Một vấn đề hạ tầng được Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam nêu, đó là giá điện ở Campuchia còn tương đối cao. Ông đề xuất đàm phán giá điện thông qua một dự án liên nước giữa Lào, Việt Nam và Campuchia để có giá thành điện tương đối đảm bảo phục vụ sản xuất, kinh doanh. 

Ông Trần Bắc Hà cũng thúc giục các cơ quan quản lý sớm ký kết hiệp định Tránh thuế hai lần trong năm nay, sớm hướng dẫn triển khai thực thi hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã được hai nước ký từ 2012.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam Nguyễn Thế Phương, ngoài hạn định triển khai hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hai bên xem xét thúc đẩy đàm phán và ký kết hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và hiệp định Hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp, mỏ và năng lượng.

Việt Nam cũng mong muốn sớm đàm phán và ký kết hiệp định Hợp tác đầu tư trong lĩnh trồng cây cao su cấp chính phủ theo hướng mở rộng quy mô diện tích đất trồng cây cao su.

Hai bên cũng xác định nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, điện, nước, hệ thống thủy nông, thủy lợi cần được Chính phủ ưu tiên đầu tư và có chính sách ưu đãi, sớm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...



(Theo baodatviet.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)