Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 14/01/2014 02:53
Người lao động nghèo: Bươn chải lo Tết
Tết Nguyên Ðán đang đến gần, người lao động nghèo chạy đua với thời gian để "cóp nhặt" thêm ít tiền với mong muốn sắm sửa một cái Tết đủ đầy hơn, tươm tất hơn cho gia đình với nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" đè nặng trên vai họ.

Lao động vất vả cả năm, nhưng ít khi họ có được một cái Tết trọn vẹn.

Lao động vất vả cả năm, nhưng ít khi họ có được một cái Tết trọn vẹn.

2 giờ sáng một ngày đầu tháng Chạp, trời tối mịt, nhưng ở chợ đầu mối phía nam (quận Hoàng Mai) nườm nượp người mua bán, các gian hàng giăng đèn sáng trưng. Khoảng từ 0 giờ cho tới 4 giờ sáng là thời gian cao điểm của người mua bán buôn, sau 4 giờ chủ yếu phục vụ khách mua lẻ. Tiếng người chào hàng, mặc cả mua bán, tiếng xối nước, tiếng kéo xô chậu làm không khí chợ đêm luôn sôi động.

Ðã nhiều năm nay, đêm nào cũng vậy, khoảng 11 giờ đêm, chị Nguyễn Thu Hiền (quê ở Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đến chợ Long Biên lấy hàng rồi đưa về chợ đầu mối phía nam bán. Vốn ít, nên chị thường lấy các loại rau, củ, quả dễ tiêu thụ, nhưng để được lâu như: dưa chuột, cà rốt, cà chua, su su, cải trắng..., mỗi loại chị lấy khoảng vài tạ hàng. Nếu bán buôn, chị chỉ được lãi từ hai nghìn đến ba nghìn đồng/kg, còn bán lẻ thì lãi khoảng ba nghìn đến bốn nghìn đồng/kg. Sau khi bán buôn ở chợ đầu mối, đến 6 giờ sáng, chị còn tranh thủ đưa rau về bán lẻ ở chợ Khương Ðình. Vì thức đêm và lao động nặng nhọc triền miên cho nên đôi mắt của chị Hiền luôn trũng xuống, thâm quầng, nước da sạm đi, bàn tay đã xuất hiện nhiều đốm đồi mồi luôn nứt nẻ, nhem nhuốc... "Mỗi thứ lãi một ít, nhưng cũng vất vả lắm, mỗi ngày chỉ được chợp mắt khoảng 4 tiếng. Mỗi ngày lao động như vậy chỉ kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Nhưng những hôm mưa, rét, sương mù, việc đi lại, buôn bán vất vả hơn, rau thì ít mà lại nhanh hỏng. Không ít hôm đi bán hàng cả đêm mà chẳng có lãi", chị Hiền chia sẻ.

Theo chân những gánh hàng rong lấy hàng từ khu chợ đầu mối, để rồi tiếp tục tỏa đi khắp các nẻo đường, đến các chợ cóc, các khu dân cư để bán lẻ, chúng tôi gặp chị Bùi Thị Mơ, quê Thái Bình. Trung bình mỗi ngày, chị Mơ đi bộ hơn 20 km với gánh hàng nặng trên vai. Ði từ sáng sớm đến tối mịt, đôi chân nhiều lúc mỏi nhừ, giọng khản đặc, nhưng nhiều hôm chưa hết hàng, chị vẫn phải rong ruổi khắp các phố để cố bán nốt từng cân hoa quả. Ngày nắng ráo còn đỡ, gặp hôm trời mưa, lại không phải ngày tuần, mùng 1, có khi chị phải ăn hoa quả thay cơm. Chồng mất sớm vì căn bệnh hiểm nghèo, một mình chị phải xoay xở để nuôi hai con ăn học. Làm ruộng thì không đủ ăn, làm những nghề khác thì không có vốn liếng, tay nghề, những lúc nông nhàn chị lại lên Hà Nội bán chút hoa quả. Chị tâm sự: "Hôm nào may mắn bán hết hàng thì kiếm được khoảng 200 nghìn đồng, còn bình thường chỉ được gần 100 nghìn đồng/ngày. Ở thành phố kiếm tiền dễ, nhưng chi tiêu đắt đỏ, hằng ngày chi phí thuê nhà trọ, ăn uống tằn tiện hết mức cũng hết khoảng 50 nghìn đồng, chỉ để dành được một ít thôi. Những ngày giáp Tết lòng dạ tôi nóng như có lửa đốt, muốn về lắm, nhưng vẫn phải tranh thủ bán hàng kiếm thêm tiền lo Tết cho các con".

Ðể chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất, nhiều người lao động phải xoay nhiều nghề để có thêm thu nhập. Chị Hương bán bánh mì rong, ở trọ gần chợ Mỹ Ðình cho biết, hai năm nay, ngày nào chị cũng dậy từ 3,4 giờ sáng đến lò bánh nhận hàng rồi đi bán đến khuya, sáng thì bán ở gần công viên Thủ Lệ, chiều thì quay về đường Xuân Thủy, chủ yếu bán cho sinh viên. Hôm nào bán giỏi nhất mới lãi hơn 100 nghìn đồng. Gần đến Tết, sinh viên các trường về quê hết, chị chuyển sang buôn rau. Cứ quãng từ ngày rằm tháng Chạp đến ngày 27 Tết, chị và mấy người bán hàng rong ở cùng nhà trọ lại rủ nhau đến chợ Ðồng Xa (quận Cầu Giấy) mua buôn, rồi đưa hàng về chợ đầu mối Long Biên bán. Thu nhập khá hơn bán bánh mì, nhưng phải đội mưa, đội gió suốt đêm, rất vất vả.

Những ngày cuối năm, công việc của những người lao động tự do nhiều hơn bình thường, thu nhập cũng vì thế mà tăng thêm, chính vì vậy, ai cũng chấp nhận vất vả làm thêm ca, thêm giờ. Anh Thành, quê ở Thanh Hóa, đang làm phụ hồ một công trình xây dựng tại đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) cho biết: "Công nhân công trình năm nào cũng tới hết ngày 29 Tết mới được nghỉ. Vợ và ba đứa con ở nhà mong bố về lắm, nhưng làm cả năm, đến Tết chủ thầu mới trả lương. Tôi dành gửi ít tiền về nhà để vợ mua cho con manh áo mới, cho chúng mừng".

Ðàn ông khỏe mạnh thì có thể làm phụ hồ, người có điều kiện thì sắm chiếc xe máy chạy "xe ôm" chuyên chở đồ, còn các chị, các mẹ cố gắng tranh thủ bươn chải bằng nghề đồng nát, dọn dẹp thuê cho các gia đình, cửa hàng. Chị Nguyễn Thị Nhàn, quê ở Nam Ðịnh ngậm ngùi: "Tôi và mấy người bạn cùng xã nhận giúp việc theo giờ tại nhà một số gia đình. Giáp Tết, nhiều người bận rộn nên không có thời gian dọn dẹp nhà cửa. Mỗi ngày chúng tôi nhận dọn nhà cho ba, bốn gia đình. Công việc chủ yếu là lau chùi và sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng, sạch sẽ. Thu nhập trung bình là 200 nghìn đồng/ngày/người. Có khi còn được chủ nhà hào phóng thưởng thêm. Mười ngày giáp Tết, số tiền tôi nhận được còn cao hơn cả lương giúp việc cả tháng trước ". Chẳng thế mà không ít người ước ao, giá mà những ngày giáp Tết kéo dài thêm nữa, để cái Tết của gia đình họ sẽ sung túc và đủ đầy hơn.


(Theo nhandan.org.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)