Giao đất dịch vụ cho các hộ dân: Cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ
Thống kê tổng hợp của các địa phương cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi đủ điều kiện để được giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố gần 7.400ha; nhu cầu đất dịch vụ phải giao hơn 845ha (bao gồm cả diện tích xây dựng hạ tầng kỹ thuật) với tổng số hộ có nhu cầu là 78.500 hộ.
Theo tổng hợp của Sở Tài
nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng diện tích đất dịch vụ đã có quyết định thu
hồi đất mới đạt khoảng 60% (tương đương 508,11ha), trong đó có 258,8ha xây dựng
xong hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất còn thiếu gần 340ha. Tính đến hết năm 2013, toàn
thành phố mới giao đất dịch vụ cho 15.545 hộ với diện tích gần 68ha, đạt khoảng
20% so với nhu cầu. Theo ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường thành phố, kết quả giao đất dịch vụ đạt thấp là do một số địa phương
chưa chỉ đạo quyết liệt công tác giao đất dịch vụ. Điều này thể hiện ở chỗ, các
địa phương chưa xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ chính trị
trọng tâm. Mặt khác, còn do thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong
việc thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai. Một số địa phương chưa
tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các
khu đất dịch vụ đã có quyết định giao đất nên chưa giao cho các hộ gia đình, cá
nhân theo quy định...
 |
Huyện
Đan Phượng cơ bản hoàn thành công tác giao đất dịch vụ cho người dân bị
thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Hoài Thu |
Ông
Kiều Đình Tình, Phó ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai cho biết,
địa phương đã quy hoạch 84ha đất dịch vụ, trong đó 78,6ha có quyết định thu hồi
đất. Ban Quản lý dự án huyện đang triển khai 9 dự án, ít nhiều đều bị vướng mắc
như thiếu vốn đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, một số quy
hoạch mới chồng lên khu đất dịch vụ nên phải tạm dừng chờ rà soát điều chỉnh...
Thực trạng này cũng diễn ra ở một số địa phương như trên địa bàn thị trấn Trạm
Trôi huyện Hoài Đức đến nay vẫn chưa xác định được vị trí. Hai khu đất dịch vụ
ở xã La Phù của huyện này cũng bị vướng quy hoạch...
Khó khăn lớn nhất đặt ra trong quá trình thực hiện giao đất dịch vụ cho hộ dân
ở các địa phương là thiếu quỹ đất và thiếu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật
các khu đất dịch vụ. Theo quy định, địa phương phải huy động kinh phí thực hiện
giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức bốc thăm giao đất dịch
vụ cho người dân. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu từ
ngân sách địa phương khó khăn nên việc bố trí kinh phí còn hạn chế. Nhiều khu
đất dịch vụ bị các quy hoạch mới chồng lấn cũng ảnh hưởng đến việc bố trí quỹ
đất dịch vụ...
Sự
chậm trễ trong giải quyết đất dịch vụ theo Nghị định 17/2006 của Chính phủ đã
khiến không chỉ người dân mà chính quyền các địa phương ngoại thành cũng rất
bức xúc. Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch, huyện Hoài Đức cho biết,
theo quy định của thành phố thì việc giao đất dịch vụ hoặc đất ở cho hộ gia
đình, cá nhân là 3 năm kể từ thời điểm Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, các dự
án trên địa bàn xã, Nhà nước thu hồi đất đã 6-7 năm mà các hộ chưa được giao
đất dịch vụ đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của nhân dân. Phức tạp hơn, mặc dù các
trường hợp được giao đất dịch vụ còn nằm trên giấy, chưa biết vị trí nằm ở đâu
nhưng một số hộ dân đã chuyển nhượng địa phương không kiểm soát nổi. Toàn xã Di
Trạch có 1.200 hộ được hưởng đất dịch vụ thì có tới 40% số hộ đã chuyển nhượng
trên thị trường, có thửa đất chuyển nhượng 4-5 lần qua nhiều người thông qua
giấy viết tay, không có ai xác nhận.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Mười cho biết, để hoàn
thành công tác giao đất dịch vụ cho các hộ dân xong trước 30-6-2014, UBND TP Hà
Nội đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, kinh phí xây dựng hạ
tầng kỹ thuật, đáp ứng đủ nhu cầu giao đất dịch vụ; các sở, ngành liên quan
thống nhất địa điểm đất dịch vụ còn thiếu. Các địa phương gặp khó khăn về vốn
đầu tư cần đề xuất các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Phát triển đất
thành phố cân đối ngân sách đề xuất UBND thành phố bố trí bổ sung. Cùng với
thực hiện đồng bộ chủ trương, giải pháp của thành phố, đòi hỏi sự vào cuộc
quyết liệt của chính quyền các địa phương mới hy vọng giải quyết dứt điểm các
tồn đọng về thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho người dân...
(Theo Hanoimoi.com.vn)