Diện mạo đất Kinh kỳ qua Trang phục Thăng Long - Hà Nội
Ca dao có câu:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Tìm hiểu về phong cách ăn mặc,
phục trang ở Hà Nội ngày xưa và hôm nay là một công việc khó khăn bởi những cuốn
sách bàn về vấn đề này không nhiều nhưng TS. Đoàn Thị Tình với tâm huyết, say
mê và sự dày công nghiên cứu đã biên soạn cuốn Trang phục Thăng Long - Hà
Nội như một sự hệ thống hóa về trang phục ở Thủ đô qua các thời kỳ lịch
sử.
Với hơn 500 trang vừa nghiên
cứu vừa minh họa bằng hình ảnh, cuốn sách Trang phục Thăng Long – Hà Nội
thực sự hấp dẫn người đọc về cách trình bày cũng như nội dung phong phú, thiết
thực. Nội dung cuốn sách được trình bày theo 3 phần chính, mỗi phần 2 chương
theo các mốc lịch sử chính của các triều đại và các thời kỳ.
Phần thứ nhất Trang phục
giai đoạn phong kiến (1010-1802) được chia ra thành chương Trang phục
thời Lý - Trần và Trang phục thời Lê (Hồ - Mạc - Trịnh - Tây Sơn).
Sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, cùng với việc xây dựng đất nước,
hoàn thiện bộ máy chính quyền thì vấn đề phục trang cũng dần được hoàn thiện.
Các loại trang phục như trang phục cung đình, quân đội, nhân dân, nữ phục đều
thuận tiện cho sinh hoạt và đạt đến một trình độ thẩm mỹ nhất định. Đến thời
Lê, những quy định về trang phục được đề ra khá tỷ mỷ và cũng được thiết kế, chế
tác cầu kỳ hơn với những đường nét, hoa văn, họa tiết đẹp, tinh xảo. Với những
hình vẽ, ảnh chụp, tác giả đã tạo nên nguồn tư liệu phong phú và sự hấp dẫn cho
người đọc khi tìm hiểu trang phục của những thế kỷ đầu khi Thăng Long được chọn
là kinh đô.
Phần thứ hai Trang phục
giai đoạn nửa phong kiến – nửa thuộc địa (1802-1945) với hai chương Trang
phục thời nhà Nguyễn (1802-1883) và Trang phục thời thuộc Pháp
(1883-1945). Đây là giai đoạn Thăng Long - Hà Nội không còn giữ vị trí là
kinh đô mà chỉ là một tỉnh của đất nước, điều này tạo sự thay đổi nhất định
trong trang phục Hà Nội. Từ quần áo của quan lại cho tới dân thường đều có sự
biến đổi theo tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và ngày một toàn diện
từ chất liệu đến kiểu cách, màu sắc. Và với khả năng chọn lọc, tiếp nhận, cải
biến, người dân của mảnh đất kinh kỳ xưa đã loại bỏ những trang phục mang tính
ngoại lai, pha tạp, gò bó, kệch cỡm để giữ nét thanh lịch, quý phái có từ bao đời.
Điều này được thể hiện rõ qua những mặt hàng tơ lụa được thêu, dệt cầu kỳ, kiểu
cách cũng như những bộ phục trang thuận tiện cho sinh hoạt, lịch sự trong đời sống,
phù hợp với phong tục và văn hóa của Hà Nội... Đáng chú ý của trang phục giai đoạn
nửa phong kiến - nửa thuộc địa này chính là sự thay đổi ngày càng hoàn mỹ hơn của
chiếc áo dài Việt Nam.
Phần thứ ba Trang phục
giai đoạn Việt Nam dân chủ cộng hòa với chương V Trang phục từ Cách
mạng tháng Tám 1945 đến giải phóng 1954 và chương VI Trang phục từ ngày
giải phóng 1954 đến nay. Dù chỉ kéo dài hơn 60 năm nhưng đây là giai đoạn
chứng kiến những đổi thay mang tính cách mạng trong trang phục của Thủ đô. Dù
xã hội, thời cuộc thay đổi nhưng trang phục Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp truyền
thống, thanh lịch, hài hòa, thống nhất với nét đẹp phẩm chất, nhân cách của con
người nơi đây.
Với kiến thức và kinh nghiệm
của nhiều năm nghiên cứu cùng với lợi thế của một họa sĩ, tác giả sách - TS. Đoàn
Thị Tình - đã biên soạn hết sức khoa học, cẩn trọng. Ngoài việc giới thiệu
trang phục Thăng Long - Hà Nội, tác giả còn giới thiệu trang phục Trung Quốc với
thời gian tương ứng qua các triều đại, kèm theo hình ảnh để so sánh đối chiếu,
nhằm chứng minh trang phục của Việt Nam hoàn toàn độc lập, không phải là bản
sao của trang phục Trung Quốc như ngộ nhận của một số người. Hơn thế nữa, tác
giả còn mô tả kỹ về chất liệu trang phục, cách thức sản xuất, kèm theo các bản
vẽ thiết kế may đo giúp ta có thể phục dựng lại các loại trang phục Thăng Long
- Hà Nội ở các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, bạn đọc cũng cần lưu ý, trang phục
Thăng Long - Hà Nội không phải thay đổi gắn liền một cách rạch ròi cùng với sự
thay đổi thể chế của các triều đại. Sự thay đổi của trang phục dần theo thời
gian phù hợp với các quy định hành chính của giới cầm quyền cũng như tất yếu
khách quan của cuộc sống đương thời.
ở phần Phụ lục, Tiến sĩ
Đoàn Thị Tình đã giới thiệu với người đọc một số làng nghề và sản phẩm dệt may
truyền thống cùng với đó là hình ảnh về trang phục chính của nam, nữ qua các thời
kỳ và những mẫu trang phục tiêu biểu ghi dấu thời đại, lịch sử. Cũng ở phần
này, tác giả đã gợi ý một cách tiếp cận mới nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị
văn hóa truyền thống trong điều kiện kinh tế thị trường đó là khai thác nó như
một sản phẩm du lịch chứ không đơn thuần là sản phẩm của đời sống sinh hoạt thường
ngày.
Trang phục là một bộ phận cấu
thành văn hóa Thăng Long - Hà Nội và nó chính là tấm thẻ “căn cước” của mỗi người
dân mảnh đất ngàn năm tuổi này. Với bề dày văn hóa, trải qua bao thăng trầm lịch
sử, trang phục Thăng Long - Hà Nội đã chứng minh được sự trường tồn của mình bởi
cái gốc nội sinh bền vững. Cuốn sách Trang phục Thăng Long – Hà Nội của
Tiến sĩ Đoàn Thị Tình với những trang viết, tranh, ảnh minh họa đã một lần nữa
khẳng định vẻ đẹp, nét tinh tế của con người Thủ đô, đồng thời cũng thể hiện tấm
lòng thành kính các giá trị văn hóa cha ông của tác giả. Và với những nghiên cứu
công phu, cẩn trọng, Tiến sĩ Đoàn Thị Tình đã mang đến một công trình với nhiều
giá trị thiết thực không chỉ đưa thành quả nghiên cứu và thực tiễn mà còn giúp
các nhà đạo diễn sân khấu, điện ảnh, các nhà điêu khắc tham khảo để có căn cứ
khi tham gia phục dựng lịch sử trong các tác phẩm của mình.