"Kể chuyện" ngoại giao
Năm 2013, đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật
Bản, Bảo tàng Lịch sử quốc gia ký kết hợp tác với phía Nhật Bản trong
nhiều hoạt động. Sau thành công của trưng bày "Việt Nam - Những câu
chuyện vĩ đại" diễn ra tại Nhật Bản thu hút hơn 70 nghìn lượt người tới
tham quan, tìm hiểu, Bảo tàng quốc gia của hai nước tiếp tục dùng hiện
vật để "kể chuyện" văn hóa, ngoại giao tại trưng bày chuyên đề "Văn hóa
Nhật Bản".
 |
Một hiện vật được giới thiệu tại trưng bày “Văn hóa Nhật Bản”. |
Chuẩn bị cho đợt trưng bày quy mô này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chọn
ra những tư liệu, hiện vật quý trong số hàng vạn tư liệu, hiện vật đang
được lưu giữ để khẳng định mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Đó là
Quốc thư chính quyền Chúa Nguyễn, niên hiệu Quang Hưng thứ 14, thời Lê
Trung hưng (năm 1591) gửi chính quyền Hideyoshi (Nhật Bản) đặt quan hệ
giao thương; là hiện vật Châu Ấn trạng (giấy phép đóng dấu đỏ) do Mạc
Phủ Tokugawa cấp cho Châu Ấn Thuyền tới An Nam quốc (Đàng Trong) buôn
bán, thời kỳ Edo (năm 1614)…
Đặc biệt hơn, những hiện vật Bảo tàng Hoàng gia Tokyo (nay là Bảo tàng
quốc gia Tokyo) gửi đến Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội những năm 1943-1944
nhằm mục đích giao lưu văn hóa, như: Mặt nạ Nô và Kyogen, chắn tay
kiếm, đĩa sứ Nabeshima thế kỷ XVII… cũng đã ra mắt công chúng. "Đó chính
là những bằng chứng xác thực cho thấy Việt Nam và Nhật Bản có sự giao
lưu, trao đổi văn hóa, giao thương, buôn bán từ rất sớm. Trải qua nhiều
thế kỷ, nhiều triều đại, qua các cuộc chiến tranh, mối quan hệ bang giao
hai nước không bị mất đi, ngược lại càng ngày càng khăng khít", Giám
đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Cường khẳng định.
Quảng bá văn hóa
Nếu trưng bày "Việt Nam - Những câu chuyện vĩ đại" giúp người dân xứ sở
hoa Anh đào hiểu hơn về lịch sử, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam
thì đến với trưng bày "Văn hóa Nhật Bản", người Việt Nam cũng có cơ hội
tìm hiểu về đất nước, con người và bề dày văn hóa truyền thống của đất
nước mặt trời mọc.
Nhật Bản là một trong những nước chế tạo ra đồ gốm từ rất sớm (cách ngày
nay khoảng 12.000 năm), mang đến sự biến đổi lớn trong phương pháp chế
biến thực phẩm cho nhân loại. Tôn vinh nét văn hóa truyền thống ấy,
triển lãm dành không gian giới thiệu những hiện vật có niên đại hàng
trăm năm đánh dấu thời hoàng kim, hưng thịnh của gốm đất nung. Sau thời
kỳ đồ gốm, Nhật Bản tiến lên thời kỳ đồ đồng - thời văn hóa Yayoi
(khoảng thế kỷ IV trước công nguyên đến giữa thế kỷ III sau công
nguyên). Tìm hiểu hiện vật kích đồng, chuông đồng thời kỳ Yayoi, gương
đồng thời kỳ Kofun... công chúng phần nào hiểu được ngành nông nghiệp
trồng lúa nước Nhật Bản ra đời như thế nào? Người Nhật Bản cổ đại sử
dụng công cụ kim loại ra sao?
Như nhiều quốc gia Châu Á khác, Phật giáo du nhập vào Nhật Bản và phát
triển khá nhanh. Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Nhật Bản với phong cách,
đặc trưng riêng cũng được khắc họa qua các hiện vật tiêu biểu, như:
Tượng Bồ Tát thời kỳ Heian (thế kỷ X), tượng Di Lặc Bồ Tát thời kỳ Heian
(thế kỷ XII), tượng phật A Di Đà, thời kỳ Kamakura (thế kỷ XII -
XIV)... Mảng hiện vật đáng chú ý khác là các vật dụng nghi lễ Phật giáo
có niên đại từ thế kỷ X đến XVI, như: Tích trượng, bình nước, kim cương
linh, Kinh Phật, gương đồng...
Xem trưng bày chuyên đề hấp dẫn này, công chúng Việt Nam và bạn bè quốc
tế không chỉ biết Nhật Bản có hoa Anh đào, kimono hay điệu múa Yosakoi
truyền thống, mà còn có cơ hội khám phá những câu chuyện chân thực, sống
động về cuộc sống, con người, văn hóa, lịch sử…, yếu tố góp phần hun
đúc nên bản lĩnh, nhân cách và lối sống người Nhật Bản được cả thế giới
ngưỡng mộ.