9 nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2014
Theo đó, trong năm 2014, công tác tư pháp sẽ trọng tâm vào 9 nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Triển khai đồng
bộ, quyết tâm thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ về triển khai
thi hành Hiến pháp năm 2013 và Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị
quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường
công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng
dẫn thi hành; tập trung xây dựng các dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ
luật Hình sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp
nhất), các dự án luật liên quan đến quyền công dân, bảo đảm tiến độ,
chất lượng; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử
lý văn bản quy phạm pháp luật, gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành
chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp lý, giảm chi phí xã hội.
2. Rà soát, công bố
kịp thời các thủ tục hành chính mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung, bảo
đảm sự thống nhất trong áp dụng thủ tục hành chính trong toàn quốc;
triển khai đồng bộ Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy
tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn
2011 – 2020, tập trung hoàn thành việc rà soát tổng thể và đề xuất đơn
giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân; xây dựng,
trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận,
xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả
giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền và Nghị quyết của
Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong
thực hiện dự án đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu
tư.
3. Thực hiện đồng bộ
các giải pháp để đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống; tăng cường
công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tiếp tục triển khai có hiệu quả
Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; huy động sự tham gia của cả hệ thống
chính trị vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý,
đưa các công tác này đi vào chiều sâu, bám sát hơn nhu cầu xã hội, quan
tâm hơn đến người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu
số, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục tổ chức tốt Ngày Pháp luật năm 2014 nhằm
nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức tự giác chấp
hành pháp luật, tăng cường khả năng thực thi thể chế.
4. Tập trung chuẩn bị
các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành hiệu quả Luật Xử lý vi
phạm hành chính (XLVPHC), Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật
XLVPHC, các Nghị định của Chính phủ và Quyết định số 1950/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế
triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về
XLVPHC của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp
địa phương”, bảo đảm quy định pháp luật về XLVPHC đi vào cuộc sống; từng
bước triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về XLVPHC thống nhất trong lĩnh
vực này.
5. Chỉ đạo quyết liệt
hơn nữa công tác thi hành án dân sự (THADS), đồng thời khẩn trương xây
dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật THADS trên tinh thần cải cách tư
pháp, khắc phục các tồn tại, hạn chế cản trở việc thi hành án; tiếp tục
thực hiện tốt công tác THADS được Quốc hội giao theo Nghị quyết số
37/2012/QH13 về công tác tư pháp, phấn đấu kết quả thi hành năm 2014 đạt
hoặc vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm
các vụ việc THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo
điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng
tín dụng; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả THADS để bảo vệ quyền chủ
nợ của tổ chức tín dụng; chủ động phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và
12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đẩy mạnh việc thực
hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của
Quốc hội.
6. Khẩn trương hoàn
thiện Dự án Luật Hộ tịch; đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế ở tầm luật
đối với các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực; phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại
giao trong việc thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho người Việt
Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức tổng kết việc thực hiện quy định
này; tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển lý lịch tư
pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
7. Triển khai thực
hiện tốt Luật Giám định tư pháp với những giải pháp đột phá, tạo công cụ
đắc lực phục vụ hoạt động tố tụng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp của cá nhân, tổ chức cũng như góp phần quan trọng vào công tác
phòng, chống tham nhũng; tiếp tục tăng cường các lĩnh vực công tác tư
pháp khác như: công chứng, luật sư, trợ giúp pháp lý cho người nghèo...,
huy động sự vào cuộc của cả xã hội cùng tham gia các hoạt động này;
phối hợp Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đại biểu
luật sư toàn quốc lần thứ hai và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến
tới thành lập tổ chức công chứng toàn quốc.
8. Triển khai thực
hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội
nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam theo Quyết định số
1440/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao năng lực giải quyết tranh
chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện cơ sở pháp lý về
cấp ý kiến pháp lý đối với các khoản vay và dự án đầu tư nước ngoài, vừa
đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời hạn chế thấp nhất những
rủi ro pháp lý phát sinh.
9. Kiện toàn tổ chức
bộ máy các cơ quan tư pháp, pháp chế trên cơ sở hoàn thiện pháp luật về
tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước theo Hiến pháp năm 2013; khẩn trương
triển khai các Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học
Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật
và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức
danh tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 và Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013;
tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác đào tạo trung cấp luật nhằm
bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở cho các địa bàn khó khăn
về nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp.
(Theo baophapluat.vn)