Những năm trở lại đây, phố Văn Miếu được nhiều người ưu ái gọi bằng cái
tên “Phố ông đồ”. Bởi lẽ, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, hình ảnh những
ông đồ già áo the, khăn xếp bên cạnh những ông đồ trẻ với quần jeans, áo
thun lịch lãm trong các bộ vest lại xuất hiện bên những “mực tàu, giấy
đỏ”. Phía sau ông giăng đầy những chữ Thần, chữ Phúc và những câu đối
viết trên giấy màu đỏ khổ to.
Ở đó, “hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” trong những nét tài hoa
của trào lưu thư pháp đang thành hình. Nghệ thuật thư pháp Việt Nam đang
có những bước tiến triển đáng kể, đặc biệt ở lứa các thư pháp gia trẻ
tuổi, 7X và 8X.
Những ngày giáp Tết, tiết trời se lạnh. Dành cho chúng tôi ít phút vào
buổi sáng se lạnh ấy trên Phố ông đồ, hai thư pháp gia trẻ tuổi Lê Quốc
Việt và Nguyễn Trung Hoàng Long đã giúp chúng tôi cảm nhận được một phần
câu nói “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”.
Hình ảnh ông đồ trong thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên
Tên tuổi gắn liền với những bức tranh thủy mặc, thầy Lê Quốc Việt hoài
niệm về quãng thời gian “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng
pháo, bánh chưng xanh” mà ngày Tết nhà ai cũng có câu đối đỏ treo ngoài
cổng để trừ ma, trừ tà. “Nhưng người viết thư pháp ngày nay bảo viết 1 –
2 câu đối treo ngoài cổng chắc không ai làm”, thầy Việt cho hay.
Học thư pháp, trong 3 tháng đầu chỉ học sao cho viết thành thạo nét
ngang, 10 năm mới được gọi là nhập môn. “Đây là môn học quý tộc, đòi hỏi
sự bài bản và công phu. Người viết được thư pháp phải có học vấn rất
cao và có sự cảm thụ tốt”, thày Nguyễn Trung Hoàng Long đàm luận.
Bàn về những chữ mà những người viết thư pháp thường cho vào dịp đầu
năm, thư pháp gia Lê Quốc Việt nói: “Việc cho chữ gì thì điều quan trọng
là người xin chữ phải hiểu về chữ mình xin và chữ đó đạt ngưỡng giá trị
nghệ thuật ra sao. Có người xin chữ Nhẫn mà ra đường vẫn đâm chém nhau;
có người làm nghề buôn bán tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) xin chữ Tĩnh
nhưng thử hỏi nếu bán hàng ở đó thì có thể tĩnh được không?”.
Nhiều người vẫn nói “nét chữ nét người”, đây là cảnh giới mà chỉ có
“thần Siêu, thánh Quát” mới chạm tới được. Còn nếu trong cảnh giới ông
đồ mới chỉ đơn thuần là vạch que dưới nền đất.
Xin chữ ngày tết, không phải là một việc đơn giản như chúng ta thường
nghĩ mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Ông
đồ ngày xưa rất được trọng vọng, những nhà có tiền thì mời thầy về tận
nhà để dạy chữ cho con cái, những nhà bình thường thì gửi con đến nhà
thầy, thầy giỏi học sinh khắp nơi kéo đến học, ngày lễ ngày tết phải
sang tết thầy, dân gian có câu: mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng
ba tết thầy.
Các thư pháp gia đang thảo những nét chữ "như phượng múa rồng bay"
Trầm ngâm bên chén trà buổi sớm, thư pháp gia Nguyễn Trung Hoàng Long
nhớ lại câu chuyện của một bậc danh gia thời phong kiến, đã có người chở
hẳn một thuyền vàng tới để cầu chữ. Hay câu chuyện về những người chỉ
ngồi ở nhà viết chữ, chữ nào ưng thì giữ lại, chữ nào không ưng thì bỏ
vào thùng rác. Tới buổi chiều mở cửa ra thì thấy hàng trăm người đứng
ngoài chờ nhặt rác.
“Nhiều người sẽ nghĩ đó là chuyện thái quá nhưng đây lại là câu chuyện
có thật. Điều đó cho thấy chữ nghĩa được coi trọng như thế nào. Nhưng
bây giờ, chữ bị thương mại hóa tới mức tầm thường do nhiều yếu tố. Do
trình độ của người viết, người học, do hiểu biết của người đi xin và do
chính cơ chế thị trường”, thầy Long chia sẻ.
Đã có nhiều người đặt ra câu hỏi: Một ngày nào đó việc cho chữ ở Văn
Miếu bị mai một thì những người “bày mực tàu, giấy đỏ” có hoài niệm hay
không? Thì trả lời rằng, họ không hoài niệm. Bởi những mạch nguồn văn
hóa đó vẫn luôn chảy dù là chảy lặng lẽ, âm thầm. Những người hiểu được
giá trị của nghệ thuật này sẽ dần khẳng định được tài năng. Thực ra cái
gọi là thị trường thư pháp cũng mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần
đây. Và văn hóa xin – cho nên qua đi, chỉ còn lại là hồi ức thôi.
Khi xuân Giáp Ngọ sắp gõ cửa thì Phố ông đồ cũng sẽ được chuyển vào khu
Hồ Văn, có thẻ ra vào. “Đây cũng là việc nên làm là quy tập lại tất cả
những người viết chữ đưa vào một khu và quy định ngày giờ viết như thế
là tốt nhất chứ không ngồi vỉa hè nữa. Điều này thể hiện nét văn minh
của một môn nghệ thuật mang đậm hồn quê hương”, thầy Việt nói thêm.
Và những ngày này, đâu đó trên phố phường Hà Nội đã lác đác xuất hiện
những “ông đồ” bên nghiêng mực và mấy chiếc bút lông, chăm chú thảo
những dòng chữ Hán như rồng bay, phượng múa. Phố phường từ đó rực rỡ hơn
bằng những tấm giấy lụa, giấy điều... Thêm vào đó là hình ảnh người đi
xin chữ như nhắc nhở mọi người rằng Tết đang đến.