Cho rằng trong những ngày cận Tết,
"Phố ông Đồ" hay gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan và giá cho chữ bị
chặt chém, nên Sở VHTTDL Hà Nội đã quyết định chuyển khu phố này vào khu
vực hồ Văn của Văn Miếu (Quốc Tử Giám) vốn khá chật chội.
Tuy nhiên, diện tích hồ Văn khá nhỏ
chỉ cho phép tối đa 70 ông đồ hoạt động, trong khi mọi năm có trên 150
người viết chữ tại đây, cho nên số còn lại không có đất hành nghề.
Năm nay phải có thẻ hoạt động thì mới
được phép cho chữ, giá cả cũng phải niêm yết rõ ràng. Bức xúc trước quy
định này, độc giả có tên Thanh Bình nói: "Tôi lên Hà Nội viết chữ đã
được một tuần nhưng 3-4 lần bị an ninh phường xua đuổi. Ông đồ viết chữ
cầu may mà giờ phải làm chui lủi như người phạm pháp, thật đau lòng
quá".
Có độc giả lại đau xót hơn khi các ông
đồ không còn nơi để bán chữ, bạn Anh Linh chia sẻ: "Mỗi năm hoa đào nở,
lại thấy ông đồ già..., thấy buồn khi việc cho chữ đã trở thành nét đẹp
đi vào văn thơ, nhưng lại không được tạo điều kiện để phát triển hơn
nữa".
 |
Các ông đồ phải có thẻ mới được làm việc |
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng
hộ việc quy hoạch lại các ông đồ cho chữ, thì vẫn còn những quan điểm
phản đối. Độc giả có tên Thanh Bình viết: "Mình là người Việt dùng chữ
Việt tại sao phải treo mấy chữ Nho. Tôi hy vọng người Việt nên dần thoát
khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc".
Bạn có tên Phương HN cũng đã có những
bình luận rất hay: "Ngày xưa, để xin được chữ của cụ Đồ Nho là không
phải dễ. Có khi cả đời buôn bán giàu có, xin được chữ TÂM cũng chẳng
thầy nào dám cho".
Xã hội nên dùng từ "kiếm tiền"
Nhưng nhìn lại xã hội xảy ra những sự
việc trái đạo lý mới ngẫm thấy: "Bây giờ toàn vẽ chữ kiếm tiền. Mà có ai
đến để xin chữ đâu, người ta đi mua món hàng cho vui thôi. Nơi phố thị
ồn ã , xô bồ , hối hả kiếm tiền - làm sao viết được chữ có THẦN mà xin
chữ".
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thì thống
nhất, đã là người có học bán chữ mà sống, không được suy nghĩ như thú
hoang, làm từ thiện còn phải xin phép, nên việc ông đồ đi đăng ký là
đúng.
Một độc giả nói thẳng: "Ít thư pháp gia thực thụ ngồi ở phố này dịp Tết về lắm".
Cạnh đó là vị dụ điển hình: "Từ rất
lâu rồi, ở đây là nơi buôn chữ chứ không phải là cho chữ. Còn chữ thì
xin thưa, khi tôi nhìn bên hàng xóm cô bé tên Thùy Linh bị viết thành
Thùy Ninh, với một lối thư pháp của kẻ vừa tập tọng cầm bút lông, thì
tôi nghĩ dẹp phố đi được rồi đó".
Trong khi, các ông đồ đang rất hoang
mang vì không nhận được thông tin cụ thể. Là một "tay viết" không có tên
ở danh sách được hoạt động tại hồ Văn, "dị nhân" Văn Thùy (quê Hưng
Yên) tỏ ra khá bức xúc. "Tôi hoàn toàn không được thông tin về việc
chuyển vào hồ Văn, nên không có tên trong danh sách được cấp thẻ và chỗ
hoạt động".
Hiện nay, những ông đồ này chỉ dám
trải thảm, đặt chiếc bàn nhỏ, treo một, hai câu đối ngoài vỉa hè Văn
Miếu để "tranh thủ kiếm chút tiền trả phòng trọ, cơm ăn" và sẵn sàng
"chạy" khi có an ninh phường tuần tra.
Bên cạnh đó, nhiều ông đồ khác cũng
cho rằng, những người viết chữ luôn ngồi sát tường bao, người dân vẫn đi
lại trên vỉa hè được nên không gây ách tắc giao thông. Còn chuyện "hét
giá", thì họ cho rằng đó là hiếm xảy ra bởi trước khi mua chữ khách đều
hỏi giá, thuận lòng thì mới lấy chữ.
(Theo baodatviet.vn)