
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson
Mandela
Nelson Mandela làm
Tổng thống từ năm 1994 đến 1999, và là Tổng thống Nam Phi đầu tiên được
bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu.
Chính phủ phân biệt chủng tộc ít
nhất 6 lần muốn thả tự do cho Mandela nhưng ông từ chối. Ông tuyên bố: "Tôi
tôn trọng sự tự do của tôi nhưng tôi quan tâm nhiều hơn tới sự tự do của mọi
người. Thứ tự do nào tôi được cung cấp trong khi tổ chức của nhân dân (ANC) vẫn
bị cấm đoán?".
Ông là vị Tổng thống da màu đầu
tiên của Nam Phi với hơn 250 giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Nobel Hòa
bình 1993, là biểu tượng đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc và nguồn cảm
hứng cho hàng tỷ người. LHQ công bố ngày sinh của ông, 18/7 là Ngày Quốc tế
Nelson Mandela. Đây là lần đầu tiên, LHQ dành riêng một ngày cụ thể cho một cá nhân.
Có hàng trăm giải thưởng và tôn vinh dành cho Mandela. Ông là công dân danh dự của Canada, thành viên danh
dự của Công đảng Anh, thành viên danh dự của Manchester United. Tên ông được đặt
cho một loài chim gõ kiến và hoa phong lan.

Cố Tổng thống Mỹ Teddy
Roosevelt
Ông là Tổng thống thứ 26 của
Hoa Kỳ. Ông đã
đảm trách vai trò thống đốc tiểu bang New York, nhà sử học, nhà
tự nhiên học, nhà phát minh... Roosevelt nổi tiếng nhất bởi
tính cách: nghị lực, mẫu người đầy nam tính và "cao bồi".
Vào năm 1901, Tổng thống William
McKinley bị ám sát, và Roosevelt trở thành Tổng thống ở tuổi 42, là vị Tổng
thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông là người đã thực hiện đàm phán,
dẫn đến kết thúc cuộc chiến Nga-Nhật (1904 - 1905) và thành công này
khiến cho ông nhận Giải Nobel Hoà bình. Ông là người Mỹ đầu tiên nhận được giải
thưởng này. Tuy nhiên, giải Nobel Hòa bình ông nhận vẫn còn gây tranh cãi trong
lịch sử.
Tổng thống đời thứ 26 của nước Mỹ
là một tác giả có nhiều cống hiến cho xã hội. Ông đã viết
38 cuốn sách, trong đó tác phẩm đầu tiên là "Chiến tranh Hải quân năm 1812" được
ông viết khi mới 23 tuổi. Với tác phẩm này, ông được một đánh giá là một nhà sử
học tuyệt vời.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza
Rice
Condoleeza Rice đã leo đến đỉnh cao sự
nghiệp chính trị mà một phụ nữ có thể đạt được trong lịch sử Hoa Kỳ, và là nữ
chính khách người Mỹ gốc Phi có thế lực nhất. Bà sinh ngày
14/11/1954 tại Birmingham, tiểu bang Alabama.
Năm 1974, ở tuổi 19, Rice nhận
bằng cử nhân ngành khoa học chính trị tại Đại học Denver. Rice nhận học
vị thạc sĩ năm 1975 tại Đại học Notre Dame. Năm 26 tuổi, Rice bình luận
về mối quan hệ giữa Liên Xô và Czechoslovakia, thậm chí còn viết cả một cuốn
sách. Cuốn sách đã lọt vào mắt các quan chức Nhà
Trắng. Họ còn chú ý tới một cuốn sách do Condi viết về vị Tổng thống đầu tiên
của Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev.
Có 2 điều khiến các quan chức Mỹ
phải giật mình khi để mắt tới Condeleezza Rice: thứ nhất, là một phụ nữ da đen,
trở thành thành viên đảng Cộng hoà với hầu hết là người da trắng. Thứ 2,
Rice nói tiếng Nga rất tốt trong khi các chuyên gia về Xô viết khác của Mỹ chỉ
nói được hai từ thông dụng nhất của tiếng Nga là spasibo và pozhaluista (cảm ơn
và làm ơn).
Sau khi Tổng thống Mỹ Bush rời
nhiệm sở tháng 1/2009, Condoleezza Rice đã trở về California. Giờ đây, bà đảm
nhận dạy môn khoa học chính trị tại Đại học Stanford và là hội viên cấp cao về
chính sách công tại Học viện Hoover của Stanford.

Thủ tướng ba nhiệm kỳ của Đức
Angela Merkel
Nữ Thủ tướng Đức đã chiến thắng
nhiệm kỳ ba năm nay và giành được sự ủng hộ lớn của người dân. Angela Merkel là
một trong hai lãnh đạo của EU "sống sót" qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Bà trở
thành một phụ nữ lãnh đạo chính phủ lâu dài nhất châu Âu. Tạp chí Forbes xếp bà
ở vị trí số hai trong danh sách người quyền lực nhất thế giới.
Thủ tướng Helmut Kohl, cha đẻ của
sự thống nhất nước Đức, đã gặp bà Merkel tại một hội nghị đảng sau khi bức tường
Berlin sụp đổ. Ông lập tức phát hiện ra tiềm năng của người phụ nữ trẻ đến từ
phía Đông này, người có thể gia tăng sự hấp dẫn cho đảng bảo thủ. Ông trở thành
một người thầy của Merkel, giúp bà nhanh chóng thăng tiến trong chính phủ và
trong đảng với mối quan hệ có lợi cho cả hai người.
Người
dân Đức trìu mến gọi bà là
“Mutti” - người mẹ, không phải người mẹ của một gia đình 2 con, mà
“người mẹ”
của một gia đình triệu dân. Chèo lái nước Đức trong cơn bão khủng hoảng,
bà đã giải quyết những vấn đề phức tạp nhất bằng cách tính đến mọi tham
số một cách
thực dụng. Không phải là người diễn thuyết
giỏi trước công chúng, nhưng bà Merkel đã chứng tỏ là một chính khách
sắc bén
trong việc nắm bắt suy nghĩ của người dân. Vì thế, tín nhiệm dành cho
một nữ Thủ
tướng sắt đá vẫn đang ngày càng tăng.
(Theo Vietnamnet.vn)