“Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép lại sự kiện lịch sử đáng nhớ: Đầu
tháng 11 năm Bính Ngọ 1426, hơn 9.000 quân Lam Sơn do 8 danh tướng chỉ
huy chia làm ba đạo quân hùng dũng tiến ra Bắc. Tướng của giặc Minh là
Thái tử Thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông trực tiếp làm Tổng binh mở
chiến dịch lớn với 10 vạn quân (đông gấp 10 lần quân ta) thực hiện kế
hoạch “khép gọng kìm” và chiến thuật “dĩ chính hợp, dĩ kỳ thắng” (chính
binh đánh vỗ mặt đối phương, kỳ binh từ phía sau bất ngờ đánh úp) để
“dọn” sạch quân Lam Sơn ở Chương Mỹ, mở đường thẳng tiến vào Thanh Hóa
hòng thực hiện tham vọng bóp chết toàn bộ nghĩa quân Lam Sơn.
“Tương kế tựu kế”, theo phương châm lấy ít địch nhiều, “lấy trí nhân
thay cường bạo”, các cánh quân của Lam Sơn bài binh bố trận, dùng chiến
thuật tập trung “đánh giập đầu tiền quân của chính binh địch”. Trận địa
mai phục của nghĩa quân Lam Sơn đặt chủ yếu ở Tốt Động (làng Tụy Động
xưa - tên nôm là làng Rét, ở vùng rốn chảo của Chương Mỹ). Trung tâm
trận địa là Đồng Giả, phía Bắc trận địa là suối Ninh Kiều, phía Tây giáp
sông Bùi, phía Đông - Nam là cánh đồng lầy thụt (chính là khu vực phía
trước đình làng Tốt Động ngày nay). Ngày 6-11-1426, đạo quân của Vương
Thông sa vào trận địa của quân Lam Sơn; đến ngày 7-11-1426 hơn sáu vạn
tên giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống ở Ninh Kiều, Tốt Động...
“Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy
nội, nhơ để ngàn năm...”. “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi đã mô tả
về chiến thắng Chúc Động, Tốt Động, Ninh Kiều như thế! Qua lời giới
thiệu của cụ từ Nguyễn Đăng Dỹ và các ông Hà Hữu Tiến, Nguyễn Văn Lân về
những dấu tích liên quan đến “bản doanh giả” của nghĩa quân Lam Sơn -
nơi tử địa của hơn sáu vạn quân, có thể hình dung một trận “Điện Biên
Phủ” thời Lê cách đây gần 7 thế kỷ. Cánh đồng mênh mông phía trước đình
làng Tốt Động là nơi nghĩa quân Lam Sơn năm xưa đã “quần” nhau với giặc
Minh suốt ba ngày đêm. Đồng Gàn kia là nơi bắn pháo hiệu của Bộ chỉ huy
nghĩa quân Lam Sơn. Gò Trống, gò Kèn- nơi phát lệnh thúc quân, cổ vũ
tinh thần chiến đấu của tướng sĩ. Đồng Giả, nơi nghĩa quân dựng bản
doanh giả để nhử địch vào tử địa. Đồng Vỡ, nơi giặc Minh bị vỡ trận.
Đồng Gạo, nơi nhân dân cất giữ lương thảo thu được của giặc. Bãi Mả Dù
là mồ chôn xác giặc bị chết trận Ninh Kiều; bãi Ma Hè là mồ chôn xác
giặc chết trận Tốt Động. Còn dinh đồng Mồ, theo sách chỉ của nhà vua,
sau chiến thắng, nhân dân đã thu gom xác chết đem chôn ở gò cao và xây
tường bao quanh. Trong dinh hiện còn một tấm bia ghi rõ việc đóng góp
của dân làng để làm nghĩa chủng và một bài văn tế cô hồn đậm chất nhân
văn. Hằng năm, vào ngày 24 tháng Chạp, dân làng tổ chức lễ tế “nghĩa
chủng” (cúng ma khách) cho các vong hồn. Khi giáp hạt tháng tư âm lịch,
dân làng làm lễ “cúng cháo cầu” với tâm niệm chia sẻ đói no, thể hiện
lòng nhân ái, vị tha sâu sắc của dân tộc Việt Nam...
Về Tốt Động hôm nay, có thể hình dung ra những tên đồng tên đất ghi lại
chiến công oanh liệt của quân và dân ta từ thời Lê - thế kỷ XV. Đó như
một bảo tàng di tích chiến tranh, phong phú và đa dạng. Đình làng Tốt
Động do nhân dân quyên góp xây dựng từ thế kỷ XV để tưởng nhớ nhị vị
Thành hoàng làng là Đỗ Bí và Lê Ngân. Trước năm 2010, di tích xuống cấp
nghiêm trọng, nay đã được thành phố Hà Nội cấp kinh phí thực hiện dự án
trùng tu, tôn tạo di tích. Đại bái đình đã trùng tu về cơ bản, nhưng các
hạng mục khác như tả - hữu mạc và sân đình thì chưa có kinh phí thực
hiện; đặc biệt, quán Bến, quán Đừn - nơi thờ phụng các danh tướng (nằm
trong quần thể di tích) đến nay vẫn chưa được công nhận là di tích lịch
sử... Ông Hà Hữu Tiến bày tỏ, nhiều địa danh có ý nghĩa lịch sử nhưng
đang bị lãng quên, hoặc chưa được nhìn nhận đúng với giá trị đích thực
của nó. Ví dụ, suối Ninh Kiều - nơi xác giặc làm tắc nghẽn hàng chục cây
số, nay chỉ còn một đoạn nhỏ đổ ra cống Yên Duyệt. Cửa suối Ninh Kiều
đổ ra sông Bùi cũng đã bị lấp, dấu tích mang tên Ninh Kiều còn lại chỉ
là đầm nhỏ tên gọi đầm Ruột Gà...
Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động là chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân
Lam Sơn, góp phần kết thúc gần chín năm trường kỳ kháng chiến chống
quân Minh xâm lược. Chiến thắng đó được xem như một “Điện Biên Phủ” thời
Lê - một thiên anh hùng ca bất hủ ở thế kỷ XV.
Kỳ tích Giáp Ngọ 1954
Năm Giáp Ngọ 2014 là tròn 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
(1954- 2014). Sẽ có những chương trình kỷ niệm như mít tinh, diễu binh,
diễu hành trọng thể, sinh động, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện
khát vọng hòa bình và khẳng định những thành tựu to lớn của đất nước
dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại
đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 |
Năm 1954, nắm vững thế chủ động chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ
Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại
tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được trực tiếp chỉ huy Chiến dịch.
Bằng cuộc chiến đấu kéo dài 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm
vắt”, chiến đấu cực kỳ anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn
tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17h30 ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến
quyết thắng” của bộ đội ta đã phấp phới tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy
địch. Tướng Đờ-cát-tơ-ri và toàn bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm của địch ở
Điện Biên Phủ đã bị ta bắt sống. Gần 1 vạn tên xâm lược giơ cao cờ
trắng ra khỏi hầm xin hàng.
75 ngày sau Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ngày 20-7-1954, Hiệp định
Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Như vậy, Chiến thắng lịch sử Điện
Biên Phủ và thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc vẻ vang cuộc
kháng chiến trường kỳ 9 năm của quân và dân ta. Chiến thắng được ghi vào
lịch sử “như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX - thời đại
Hồ Chí Minh và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, phá
tan thành trì của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ”.
Trong cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy nhiều trận đánh
lớn và giành chiến thắng vang dội, trong đó nổi bật nhất là Chiến dịch
Điện Biên Phủ 1954. Đại tướng từng nói: Bài học của Chiến thắng lịch sử
Điện Biên Phủ là dù kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn thế nào
chăng nữa, điều đó cũng không đủ để đánh bại một dân tộc đoàn kết trong
cuộc chiến đấu...
Hai kỳ tích - hai bản Anh hùng ca bất hủ của thời Lê và thời đại Hồ Chí
Minh đều diễn ra vào những năm Ngọ, đã đi vào trang sử nghìn năm dựng
nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.