 |
Nếu được phê duyệt, hầm đường bộ nối Chương Dương Độ sang Trần Nguyên Hãn sẽ là hầm đường bộ thứ hai của Thủ đô sau hầm Kim Liên |
Sao không xây cầu vượt?
UBND TP Hà Nội vừa quyết định nghiên cứu đầu tư dự án hầm đường bộ từ phố
Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn, nối với Hồ Gươm. Theo lý giải của
UBND Thành phố, việc xây dựng hầm đường bộ có kết hợp đường cho người đi bộ này
nhằm tăng cường khả năng khai thác các tuyến đường, tăng hiệu quả sử dụng quỹ
đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và Phúc Tân. Tuyến hầm cũng giúp các
phương tiện qua lại giữa khu vực trung tâm và ngoài đê được an toàn, hạn chế ùn
tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người đi bộ và các phương tiện.
Nếu được thông qua, hầm này sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào cuối
năm 2015 với tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.
Trên thực tế, ngay sau quyết định này của UBND TP Hà Nội, có rất nhiều câu hỏi
đặt ra rằng tại sao không phải là cầu vượt mà lại là hầm? Xây hầm có ảnh hưởng
đến đê điều? Phương án chống lũ ra sao để khi nước sông Hồng dâng, hầm
không thành ống dẫn nước vào thành phố?...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, hiện tất
cả mới đang dừng ở mức khảo sát, đo đạc, điều tra phục vụ lập dự án đầu tư.
Người lập dự án sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu phương án tối ưu nhất, phù hợp
nhất. Ông Tuấn cũng khẳng định việc đầu tiên mà bên lập dự án xem xét là việc
chống nước xả vào nội thành khi nước sông Hồng dâng cao. “Trước khi trình Ủy
ban, chúng tôi sẽ phải lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, trong đó đặc biệt là
ý kiến của Bộ Nông nghiệp vì liên quan đến đê điều. Nếu thuận lợi, trong quý I
năm 2014, Sở GTVT sẽ trình dự án lên Ủy ban xem xét” - ông Tuấn nói.
Liên quan đến câu hỏi tại sao không phải là cầu vượt mà lại là hầm đường bộ,
ông Tuấn cho biết trước đây cũng có kiến nghị làm cầu vượt, song sau một thời
gian nghiên cứu thì thấy rằng, làm cầu vượt sẽ không đáp ứng được yêu cầu về mỹ
thuật, về địa hình… nên thành phố đã quyết định làm hầm xuyên đê. “Tuy nhiên,
tất cả mới đang trong thời gian nghiên cứu và nếu có phương án nào hữu hiệu
hơn, phù hợp hơn, chúng tôi sẽ xem xét quyết định sau” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Một hầm chưa đủ
Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia cho rằng, nếu được nghiên cứu thấu
đáo, giải quyết những câu hỏi nêu trên thì việc triển khai đường hầm từ nội
thành ra ngoài các vùng đê sẽ giúp đi lại thuận tiện và giảm được ách tắc, tai
nạn giao thông. Tuy nhiên, nếu chỉ làm một hầm thì cũng chưa giải quyết gì
nhiều.
“Một trong những hầm chui cần làm ở dọc tuyến đường này là Vạn Kiếp - Trần Hưng
Đạo - Trần Khánh Dư. Vì độ dốc của dốc Vạn Kiếp quá lớn, xe máy, ô tô đi từ
dưới lên gặp đèn đỏ rất khó xử lý, tăng ga thì vượt đèn đỏ còn dừng lại giữa
dốc dễ gây tai nạn” - anh Văn, một người dân trong khu vực nêu quan điểm. Cũng
như vậy, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội đang thiếu phương án giao thông an toàn
cho ngã tư Nguyễn Khoái - Lãng Yên và nhiều nút giao cắt lên đê khác.
Trả lời thắc mắc trên, ông Tuấn cho biết Thành phố đã giao Sở GTVT lập dự án
nghiên cứu tổng thể suốt từ cầu Long Biên đến dốc Bác Cổ và cầu Vĩnh Tuy. Cụ
thể, sẽ cải tạo hành lang giao thông tại đây, xem xét từng nút giao, từng vị
trí cụ thể. “Đây là một dự án lớn và việc nghiên cứu đầu tư xây dựng hầm nối từ
Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn chỉ là một phần trong dự án tổng thể
mà Sở GTVT đang nghiên cứu dọc tuyến” - ông Tuấn tiết lộ.
(Theo giaothongvantai.com.vn)