Lễ đón bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ: Hứa hẹn một chương trình đặc sắc và ấn tượng
Đây được xem là một sự kiện ý nghĩa đối với người dân cả nước. Chương trình được thực hiện rất công phu, dài 120 phút, gồm nghi thức lễ và phần trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử của đại diện các nghệ sĩ, nghệ nhân 21 tỉnh thành phía Nam. Những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật đờn ca tài tử, những không gian đờn ca tài tử nguyên gốc sẽ được tái hiện lại một cách sinh động, tinh tế. Có thể nói, dù trải qua nhiều thay đổi thăng trầm của lịch sử nhưng âm nhạc tài tử vẫn luôn phát triển theo cùng nhịp sống của thời đại mà không làm mất đi những nét tinh túy riêng, vẫn giữ được “Quốc hồn quốc túy”, vẫn đủ sức lan tỏa và hấp dẫn nhiều thế hệ người chơi và người thưởng thức. Sau buổi lễ đón nhận bằng của Unesco, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng sẽ công bố chương trình hành động quốc gia để bảo vệ và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử theo đúng cam kết với Unesco…
 |
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - Đón chào năm mới 2014 tại công viên 23-9 tối 30-12 - Ảnh: TTO |
Chia sẻ cùng thính giả nghe Đài về sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban chỉ đạo của buổi Lễ đã có buổi trao đổi cùng phóng viên Đài:
* Tối nay , 11/2, Bộ VHTT&DL phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân TP long trọng tổ chức buổi lễ đón nhận bằng của Unesco ghi danh nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xin bà chia sẻ thêm về sự kiện ý nghĩa này.
 |
Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ảnh: internet |
- Bà Đặng Thị Bích Liên: Tôi cho rằng đây là một niềm vinh dự lớn lao của người dân cả nước, đặc biệt là người dân ở 21 tỉnh - thành. Trong nhiều tháng qua, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo các tỉnh - thành có liên quan cùng với Ủy ban Nhân dân TPHCM chuẩn bị xây dựng một kế hoạch để tổ chức lễ đón bằng và giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử này. Đến nay thì công tác chuẩn bị cho buổi lễ về cơ bản đã hoàn tất. Chúng tôi rất hy vọng nghi thức lễ cũng như phần trình diễn nghệ thuật của các tỉnh - thành phía Nam sẽ là một chương trình đặc sắc gây ấn tượng đối với khán giả cả nước cũng như vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại.
* Xin bà chia sẻ thêm về thành phần đại biểu, khách mời, đặc biệt là bạn bè đến từ thế giới trong buổi lễ. Theo bà thì điểm nhấn đặc biệt của chương trình này là gì?
- Bà Đặng Thị Bích Liên: Ban tổ chức sẽ cố gắng phục dựng lại những hình ảnh đặc trưng của nghệ thuật đờn ca tài tử của vùng đất Nam Bộ. Chúng tôi thấy một điều rất ấn tượng đó là toàn bộ không gian đờn ca tài tử được giới thiệu trong chương trình là đúng với tiêu chí mà Ủy ban Unesco thế giới đã ghi danh nghệ thuật đờn ca tài tử. Một trong những vinh dự của đợt này là bộ VHTT&DL đã mời các tổ chức thế giới có liên quan đã hỗ trợ chúng ta trong quá trình chúng ta làm hồ sơ cũng như các vị đại diện Unesco sẽ về trao bằng cho Việt Nam. Một trong nhữ ng nét nữa mà chúng tôi thấy rất hay đó là ban tổ chức đã rất công phu trong việc đưa không gian, cảnh vật con người của đờn ca tài tử trở về đúng với cái chất của nó, đúng với nghệ thuật đờn ca tài tử đã được lưu truyền trong nhiều thập kỷ qua ở Việt Nam.
* Đờn ca tài tử VN đã có hơn 100 năm hình thành và phát triển, vậy thì nhiệm vụ cấp bách tiếp theo là phải bảo tồn, vậy trong đợt này sau buổi lễ đón nhận bằng thì từ phía Bộ sẽ có chương trình hành động để bảo vệ, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử theo đúng cam kết với Unesco?
- Bà Đặng Thị Bích Liên: Trong chương trình và kế hoạch để triển khai chương trình hành động bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử thì một số tỉnh đã đề xuất với Bộ VHTT&DL không chỉ quảng bá trong nước mà còn phải có kế hoạch trình diễn, quảng bá đến nhiều nước trên thế giới. Trong chương trình hành động thì nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay chính là việc chúng ta phải tuyên truyền quảng bá để thấy được giá trị, vai trò hiện nay trong cộng đồng các tỉnh và làm sao chúng ta phải có kế hoạch trao truyền cho thế hệ tiếp theo, tôi cho là một điều đáng để làm và khẩn cấp nhất trong điều kiện hiện nay.
* Hiện tại chúng ta có rất nhiều những tư liệu về đờn ca tài tử và quan trọng hơn chúng ta đang có những tư liệu sống về đờn ca tài tử đó là những nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, những nhà nghiên cứu âm nhạc tài tử mà hiện nay tuổi cũng khá cao. Từ cấp quản lý nhà nước - Phía Bộ có những kế hoạch, định hướng cụ thể như thế nào để có thể nói là bảo tồn những tư liệu sống này?
- Bà Đặng Thị Bích Liên: Bộ VHTT&DL cũng nhận thấy được trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước hiện nay đó là tiếp tục hoàn tất thông tư đối với các chính sách đối với các nghệ nhân, điều này thì không có gì thay đổi, trong tháng 6/2014 sau khi hoàn tất việc chỉnh sửa bổ sung, luật thi đua khen thưởng mà quốc hội đã thông qua trong năm 2013 thì nghị định này sẽ được hoàn tất, lúc đó chính sách đối với các nghệ nhân, các nghệ sĩ sẽ được thực hiện. Nhưng không phải đến lúc đó chúng ta mới thực hiện mà ngay từ những năm trước, mà gần nhất là những năm 2012 , 2013, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi đến tất cả các tỉnh thành đều khuyến khích các tỉnh - thành trong điều kiện cho phép vẫn quan tâm đối với các nghệ nhân trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể nói chung đặc biệt là các di sản đã được Unesco ghi danh.
Nhân dịp này tôi cũng xin gửi lời chúc mừng đến các nghệ nhân, nghệ sĩ, các tài tử ca, tài tử đờn, rất mong trong thời gian tiếp theo sẽ có nhiều tài tử ca, tài tử đờn làm tốt công tác bảo tồn phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử này.
* Trân trọng cảm ơn bà./
(Theo voh.com.vn)