Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 18/02/2014 03:48
Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II: Nghiệm thu sản phẩm điều tra sưu tầm tư liệu nước ngoài
Chiều ngày 17/2/2014, Ban Quản lý dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II – Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức nghiệm thu sản phẩm điều tra sưu tầm tư liệu nước ngoài. Đây là hạng mục Điều tra sưu tầm tư liệu nước ngoài tập trung vào hai nguồn Tư liệu công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan liên quan đến Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVII tại các thương điếm nước ngoài và Tư liệu lưu trữ Pháp về Hà Nội tại Lưu trữ Hải ngoại quốc gia cộng hòa Pháp.

Sản phẩm điều tra sưu tầm tư liệu nước ngoài. Ảnh: V.Chiến

Trong đó, Đề tài điều tra, khảo sát và khai thác tài liệu về Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tại Lưu trữ Hải ngoại quốc gia (Archives Nationales d’ Outre Mer – Aix-en Provence – Cộng hòa Pháp) do TS. Đào Thị Diến thực hiện. Đề tài điều tra, sưu tầm tư liệu lưu trữ phương Tây về Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII do PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn thực hiện. Hai đề tài đã thực hiện và hoàn thành trong năm 2013. Đây là hai đề tài có số lượng tư liệu phong phú, đa dạng là những tài liệu quý được khai thác, sử dụng lần đầu cho kho tư liệu Thăng Long – Hà Nội tại nước ngoài, có giá trị nghiên cứu khoa học cao.

PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn, chủ trì thực hiện việc khai thác nguồn tư liệu các Công ty Đông Ấn, báo cáo kết quả trước hội đồng. Ảnh: V.Chiến

Về Đề tài điều tra, sưu tầm tư liệu lưu trữ phương Tây về Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, trong giai đoạn I, PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn sau khi thực hiện việc sưu tầm khối tư liệu của thương điếm Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII đã được thư mục hóa, biên dịch phần lạc khoản và trích lược thông tin vắn tắt để xây dựng cuốn sách “Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII”. Trong thư mục đề yếu đã được xây dựng trong Giai đoạn I của Dự án tác giả nhận thấy có một số hạn chế như chưa sưu tầm hết nguồn tài liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan vè Kẻ Chợ - Đàng Ngoài; chưa khai thác được sâu hơn những thông tin cụ thể về tình hình Kẻ Chợ - Đàng Ngoài trong các báo cáo thương mại thường niên của các Công ty Đông Ấn Hà Lan. Do vậy, khi triển khai điều ta, sưu tầm bổ sung nguồn tài liệu phương Tây giai đoạn II, tác giả đề tài đã thu thập, bổ sung khối tư liệu của các Thương điếm Hà Lan ở Nagasaki (Nhật Bản), Zeelandia (Đài Loan), Ayutthaya (Xiêm), Batavia (Indonesia) nhằm bổ khuyết cho khối tư liệu thương điếm với tổng số 3.000 trang tư liệu. Ngoài ra, bên cạnh việc hoàn thành sưu tầm tư liệu lưu trữ Hà Lan, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã khai thác thêm được một số nguồn tư liệu lưu trữ bổ sung khoảng 300 trang của Công ty Đông Ấn Anh, chủ yếu là những tư liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài nằm rải rác trong các bộ sưu tập tư liệu của các thương điếm Madras (Ấn Độ), Bantam (Indonesia)... Có thể thấy, trong đợt khảo sát và sưu tầm bổ sung tư liệu năm 2013, bộ tư liệu lưu trữ rất đồ sộ với hơn 1, 5 vạn trang của các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh liên quan đến Kẻ Chợ và Đàng Ngoài đã được tổng hợp, lưu trữ tại Nhà xuất bản Hà Nội. Đây là nguồn tư liệu quý giá, phục vụ nghiên cứu lâu dài lịch sử - văn hóa thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tác giả đã có dự kiến khai thác khối tư liệu theo 3 hướng: khoa học, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội để bổ sung nhiều thông tin mới được khai thác từ khối tư liệu khảo sát năm 2013, góp phần phục vụ độc giả Thủ đô, đặc biệt là giới nghiên cứu trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của Thủ đô Hà Nội đối với cả nước và trong con mắt của người nước ngoài.

Tiến sĩ Đào Thị Diến, chủ trì thực hiện việc khai thác nguồn tư liệu tại Cộng hòa Pháp, báo cáo kết quả thực hiện. Ảnh: V.Chiến

Về Đề tài điều tra, khảo sát và khai thác tài liệu về Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đây là nguồn tài liệu gốc, có độ tin cậy cao và chỉ có ở ANOM. ANOM lưu giữ một nguồn tài liệu khổng lồ về Việt Nam. Hiện nay, tài liệu về Việt Nam ở ANOM gồm 2 nguồn: Những tài liệu do Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương đã chuyển về Pháp từ năm 1923, vì lý do thiếu kho bảo quản ở Việt Nam tại thời điểm đó; Những tài liệu về Việt Nam được “hồi hương” theo Hiệp ước 1950. Theo TS. Đào Thị Diến, tài liệu lưu trữ có liên quan đến Hà Nội thời kỳ thuộc địa không có trong một phông riêng biệt mà ở tản mát trong hầu hết các phông ở ANOM nên việc điều tra, khảo sát và khai thác tài liệu về Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở ANOM đã gặp rất nhiều khó khăn, là công việc “đãi cát tìm vàng”. Tuy nhiên, tác giả đã sưu tầm được 5632 trang tài liệu, bao gồm cả những tài liệu chưa đến niên hạn công bố.

PGS. TS. Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch Hội đồng - tổng hợp các ý kiến. Ảnh: V.Chiến

Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS. Phạm Xuân Hằng chủ trì đã nhất trí nghiệm thu sản phẩm điều tra sưu tầm tư liệu nước ngoài Dự án Tủ sách giai đoạn II. Hội đồng đã đánh giá cao và khẳng định đây là những tư liệu quý, hiếm có giá trị cả về mặt chính trị và nghiên cứu khoa học; và đề xuất các tác giả phải xây dựng lộ trình cụ thể, chi tiết trong khai thác khối tư liệu này. Đồng thời hai chủ nhiệm đề tài cũng cần phải chắt lọc, lựa chọn những tài liệu phù hợp với văn hiến Thăng Long để biên dịch và soạn thành sách. Hơn nữa, các tác giả cần đầu tư giới thiệu kết quả khảo sát tổng quát hơn về các mặt chính trị, giao thông, văn hóa, phong tục, mùa màng… và khai thác dưới hình thức nào cho hiệu quả.

Nhà báo Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban quản lý Dự án phát biểu, đánh giá cao kết quả sưu tầm nguồn tư liệu nước ngoài của nhóm thực hiện. Ảnh: V.Chiến

Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Hà Nội Nguyễn Kim Sơn – Trưởng ban Quản lý Dự án thay mặt chủ đầu tư đã khẳng định và đánh giá cao những kết quả của hạng mục Điều tra, sưu tầm tư liệu nước ngoài do PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn và TS. Đào Thị Diến thực hiện theo đúng tinh thần của Hội đồng. Chủ đầu tư nhất trí cao với ý kiến của Hội đồng tuy nhiên với kinh phí đã được phê duyệt thì chủ đầu tư và tác giả sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai lựa chọn những tài liệu phù hợp với văn hiến Thăng Long để biên dịch và biên soạn thành sách, khai thác có hiệu quả những tài liệu quý giá này.


Nhà xuất bản Hà Nội.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)