Họp nghiệm thu sản phẩm “Điều tra sưu tầm tư liệu nước ngoài”
Hạng mục Điều tra, sưu tầm tư liệu nước ngoài thuộc Dự án giai đoạn II bao gồm: khai thác tư liệu lưu trữ của công ty Đông Ấn Anh và Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII do PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn chủ trì; khai thác thông tin lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp Aix-en-Provence do TS. Đào Thị Diến chủ trì.

PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch Hội đồng điều hành cuộc họp
Trong giai đoạn I, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã thực hiện khảo sát, sưu tầm và xây dựng hệ thống thư mục đề yếu đối với khối tư liệu của thương điếm Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh tại Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII và trên cơ sở đó biên soạn cuốn sách “Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” được ra mắt vào dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mặc dù chương trình sưu tầm và khai thác tư liệu giai đoạn I đã thành công, sản phẩm sách in nhận được sự đánh giá rất cao của bạn đọc, đặc biệt là giới nghiên cứu nhưng do khối lượng tư liệu đồ sộ, thời gian hạn chế, sự khó khăn về việc dịch chữ Anh và chữ Hà Lan cổ nên chưa khai thác sâu nguồn tài liệu đồ sộ của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài đã khai thác được ở giai đoạn I. Ngoài ra, qua khảo sát tác giả đã phát hiện còn nguồn tư liệu phong phú của các công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan tại các thương điếm nước ngoài như Nagasaki (Nhật Bản), Zeelandia (Đài Loan), Ayutthaya (Xiêm), Batavia (Indonesia) về Thăng Long. Đó chính là động lực để tác giả tiếp tục thực hiện việc khảo sát, sưu tầm khối tư liệu lưu trữ Hà Lan để soi sáng nhiều góc khuất của lịch sử kinh đô Kẻ Chợ và vương quốc Đàng Ngoài nói chung. Và kết quả của đợt khảo sát năm 2013 của tác giả là khoảng 5000 trang tư liệu bổ sung vào bộ tư liệu hết sức đồ sộ lên tới 1,5 vạn trang của các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh liên quan đến Kẻ Chợ và Đàng Ngoài đã được tổng hợp và lưu trữ tại Nhà xuất bản Hà Nội. Đây là nguồn tư liệu quý giá, phục vụ nghiên cứu lâu dài lịch sử - văn hóa Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn trình bày báo cáo kết quả điều tra sưu tầm tư liệu lưu trữ tại Hà Lan
Cũng xuất phát từ tình hình thực tế là có một khối lượng lớn tài liệu về Hà Nội thời thuộc địa đang được bảo quản tại các kho lưu trữ nước ngoài cho đến nay vẫn còn là “điều bí ẩn” đối với đa số các nhà nghiên cứu người Việt Nam chuyên nghiên cứu về xã hội Việt Nam thời cận đại nói chung, về Hà Nội nói riêng, đề án “Khai thác thông tin lưu trữ về Hà Nội (1873-1954) tại Archives Nationales d’Outre Mer (ANOM)”đã được đưa vào giai đoạn II của Dự án, nhằm mục đích bổ sung và từng bước hoàn thiện kho dữ liệu về thủ đô Hà Nội, phục vụ cho việc nghiên cứu và “khắc họa diện mạo Thủ đô 1000 năm lịch sử đầy đủ hơn”. Kết quả của chuyến khảo sát, điều tra của TS. Đào Thị Diến tại ANOM vào cuối năm 2013 là hơn 5000 trang tài liệu, trong đó có cả những tài liệu chưa đến thời hạn công bố, chưa tính đến số trang chụp từ bản đồ Hà Nội từ những năm 1885-1899… Đây không những là nguồn tài liệu gốc, có độ tin cậy cao và hầu hết đều không có ở Việt
Nam mà còn cung cấp những thông tin quý giá không chỉ đóng góp về mặt khoa học mà nó còn có giá trị về mặt chính trị.

TS. Đào Thị Diến trình bày báo cáo kết quả điều tra sưu tầm tư liệu tại Lưu trữ Hải ngoại quốc gia Pháp (ANOM)
Các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá rất cao giá trị, ý nghĩa khối tài liệu đồ sộ mà PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn và TS. Đào Thị Diến khai thác được trong chuyến khảo sát vừa qua. Khối tư liệu mới sưu tầm này sẽ bổ sung thông tin về nhiều lĩnh vực mà các cuốn sách xuất bản trước đó còn khuyết thiếu, cung cấp cái nhìn nhiều chiều của người nước ngoài, làm phong phú cho nhận thức của chúng ta về Thăng Long - Hà Nội.

Một số sản phẩm được trưng bày tại buổi họp.
Theo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, các tác giả cần bổ sung, làm rõ thêm trong báo cáo tổng hợp những nội dung chính của khối tư liệu để người đọc có được những hình dung cơ bản về các nguồn tư liệu này. Hội đồng nghiệm thu cũng ủng hộ kế hoạch của Nhà xuất bản Hà Nội về việc triển khai biên dịch, biên soạn thành sách in trên cơ sở các khối tư liệu lớn đã được khai thác, đặc biệt nhấn mạnh việc tuyển chọn và dịch toàn văn những trang tư liệu quý có nội dung, ý nghĩa trực tiếp liên quan đến văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng giám đốc, Tổng biên tập NXB Hà Nội thay mặt Chủ đầu tư phát biểu tại cuộc họp
Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hà Nội cảm ơn những ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu, ghi nhận công sức và tâm huyết của hai nhà khoa học thể hiện qua kết quả của cuộc khảo sát trong thời gian vừa qua. Ông cũng khẳng định nguồn tư liệu đồ sộ này sẽ được tuyển dịch, biên soạn và xuất bản trong thời gian tới để những thông tin, tri thức cần thiết, quý giá này sẽ có cơ hội được truyền bá rộng rãi đến các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội thời trung, cận đại.
Nhà xuất bản Hà Nội