Chuông làng báo - "Từ điển" về nghề báo!
Với 108 tiểu phẩm - 108 tình huống, sự kiện
liên quan đến các vấn đề về báo chí trong và ngoài nước, tác giả đã đề
cập, luận giải, trao đổi một cách thẳng thắn về những vấn đề nóng hổi
của cuộc sống, những bức xúc của dư luận xã hội, đặc biệt những vấn đề
đang đặt ra liên quan đến nghề nghiệp của người làm báo hiện nay… Giọng
điệu của những bài viết trong Chuông làng báo vừa giản dị, trong sáng,
nhưng không kém phần sâu sắc, lắng đọng và pha chất hài hước, hóm hỉnh,
uyên thâm…
Đọc Chuông làng báo, chúng ta không khó nhận ra
rằng, đề tài mà tác giả luận giải vô cùng đa dạng và phong phú. Qua
lăng kính và sự trải nghiệm của tác giả, nhiều bài viết tưởng chừng như
chỉ tập trung “bóc tách” những mặt trái của xã hội, tuy nhiên, trong ẩn ý
sâu sa đó, tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn và khéo léo ngôn từ của
mình, để khen ngợi, vinh danh những nhà báo tài năng, trung thực, dũng
cảm, say mê nghề nghiệp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp báo chí nước
nhà. Trong dòng chảy thông tin cạnh tranh khốc liệt và đa chiều hiện
nay, một bài viết chỉ với số từ vẻn vẹn trong khuôn khổ A4, nhưng tác
giả đã tận dụng được diễn đàn đó để cổ vũ những tấm gương tốt, gửi gắm
những nhận thức, quan niệm về nghề nghiệp rất vinh quang nhưng quá đỗi
nhọc nhằn của nhà báo, thể hiện qua một số bài: Chức phận người làm báo; Phạm Xuân Ẩn - Nhà báo và điệp viên đều hoàn hảo; Nhà báo có mực trong máu v.v...
Chuông làng báo cũng có không ít bài viết phê
phán những hành vi, cách ứng xử không đúng đắn, những sai lầm không đáng
có của một bộ phận người làm báo. Bằng cách phân tích, nêu vấn đề hết
sức nhẹ nhàng, tác giả đã đề cập những sự kiện mang tính thời sự được xã
hội quan tâm, qua đó, bày tỏ quan điểm, thể hiện thái độ, đồng thời đưa
ra những bình luận sắc sảo, rút ra những bài học quý báu về nghề báo.
Mặc dù phê bình thẳng thắn đấy, nhưng không khó nhận ra sự độ lượng, bao
dung và chia sẻ của tác giả với các đồng nghiệp qua những bài viết: “Vô trách nhiệm”; Nghèo vải; Tên mới cho bệnh cũ, Lượm ơi, thôi rồi!; Món “Tết xào”; Học làm báo; Lỗi tại đâu? v.v...
Là một nhà báo trưởng thành từ phóng viên đến
là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về báo chí - truyền
thông, từng trải qua các chức vụ lãnh đạo, quản lý báo chí và hiện đang
là một cán bộ có trọng trách không nhỏ, tác giả mong muốn qua những bài
viết của mình, nhắn nhủ các đồng nghiệp phải không ngừng học tập, tu
dưỡng, rèn luyện vì một nền báo chí hiện đại. Qua các bài viết hết sức
ngắn gọn và cô đọng, tác giả tỏ rõ thái độ chính trị thẳng thắn, rõ
ràng, không khoan nhượng đối với những quan điểm, thái độ sai trái, cách
nhìn thiếu tính xây dựng, phê phán những bài viết thiếu thiện chí,
xuyên tạc, bôi nhọ đất nước và con người Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến
hình ảnh quốc gia và chế độ ta, thể hiện qua một số bài viết: Tự do báo chí kiểu bỏ tù; Đánh thuê; Món cháo rìu; Hội chứng Ô-ba-ma; Cháy nhà ra mặt chuột v.v...
Cái tứ, cái cớ để tác giả Chuông làng báo viết
nên các bài viết rất sinh động và phong phú. Có khi chỉ là một sự kiện,
vấn đề nóng trong xã hội hoặc những vấn đề về nghiệp vụ báo chí. Với
cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, nhưng lôgic, chặt chẽ. Đặc biệt, tác
giả rất chú ý đến từng câu chữ, cách tổ chức bài viết đều theo những
tầng nấc, lớp lang, thật mạch lạc và mực thước. Có thể thấy, tác giả rất
tinh tường trong quan sát, lựa chọn những chi tiết đắt, hợp lý đủ để
gửi gắm vào đó những tình cảm, quan niệm và những trải nghiệm nghề
nghiệp sâu sắc của mình. Như Nhà báo Hữu Tọ từng viết: “Cho dù xuất
phát cái tứ hay duyên cớ gì thì điểm hội tụ của tất cả các bài viết
trong Chuông làng báo đều trở về nghề báo, cụ thể hơn là đều hội ở sự am
tường sâu sắc về nghề báo. Ở một khía cạnh nào đó, Chuông làng báo gần
như một từ điển về nghề báo. Người đọc có thể tìm thấy trong đó rất
nhiều vấn đề của nghiệp vụ báo chí, của nghề làm báo, từ những quan điểm
lý luận, những cơ sở chính trị, xã hội của báo chí đến những tình
huống, hành vi, phong cách, ngón nghề cụ thể. Và đằng sau đó là sự hiểu
biết, am tường rộng và sâu của tác giả về báo chí. Điều này cũng dễ hiểu
vì tác giả là một người nghiên cứu, giảng dạy lâu năm, có tiếng về báo
chí, cũng là người đi nhiều, biết nhiều và từng trải thực tế nghề làm
báo từ nhiệm vụ phóng viên cho đến cương vị lãnh đạo cao nhất của một
tòa soạn”.
Đọc Chuông làng báo, chúng ta không thể không
ấn tượng về ngôn ngữ của tác giả. Trong các bài viết, tác giả sử dụng
những thành ngữ, tục ngữ thật đắt, đúng chỗ và giàu sức thể hiện. Đặc
biệt, nhiều bài viết được kết thúc bằng vài câu thơ hài hước, hóm hỉnh,
nhưng đậm chất nhân văn, giàu tính giáo dục, song lại rất nghiêm túc,
quyết liệt, thậm chí nêu bật bài học sâu sắc về đạo lý, phương pháp làm
nghề báo, về cách hành xử trong xã hội. Chất châm biếm và vần điệu của
thơ dường như làm cho bài thơ trở nên nhẹ nhàng, người đọc tiếp nhận
cũng dễ dàng và lắng đọng hơn, ví dụ như:
Chẳng biết báo tỉnh hay báo say,
Thanh thiên bạch nhật – giữa ban ngày,
Trương lên mặt báo: Phi công ngủ!
Đưa tin kiểu ấy có mà gay!
Quá gay!
(“Phi công ngủ hay nhà báo ngủ”)
Chuông làng báo đã chính thức ra mắt độc giả.
Đúng như tên gọi của nó, Chuông làng báo thực sự là một từ điển về nghề
báo cho tất cả ai quan tâm đến lĩnh vực này. Qua những bài viết của
mình, tác giả muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà báo -
người ghi lại lịch sử với tấm lòng chân thành và đầy trách nhiệm. Những
tiếng chuông đó thực sự hữu ích cho mỗi chúng ta.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc! XUÂN GIÁP NGỌ
(Theo ictpress.vn)