Hà Nội - danh thắng và di tích
Với dung lượng văn bản khá đồ sộ cuốn sách được chia làm 3 phần. Phần I: Tổng quan về địa lý, lịch sử và văn hóa Hà Nội. Nội dung của phần này giới thiệu những thông tin cơ bản, nhằm giúp cho người yêu thích di sản văn hóa tiếp cận với địa lý, lịch sử và văn hóa của vùng đất “rồng cuộn, hổ ngồi”, với Thăng Long ngàn năm văn hiến và anh hùng.
Phần II: Danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội. Đây là nội dung chính của cuốn sách, ở phần này giới thiệu khoảng trên nghìn đơn vị danh thắng và di tích tiêu biểu. Đầu tiên là các danh lam thắng cảnh điển hình trên địa bàn Hà Nội như: núi, sông, hồ, cầu, vườn quốc gia, công viên, vườn hoa, công trình văn hóa có kiến trúc đẹp... Tiếp theo là các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu ở khắp các quận, huyện, thị xã trong toàn thành phố Hà Nội, bao gồm: Di tích khảo cổ (xếp theo nền văn hóa khảo cổ học); Đình, đền, phủ, miếu, quán, thành quách, lăng mộ, nhà thờ họ, làng cổ,... ở Hà Nội (xếp theo A, B, C...); Chùa (xếp theo A, B, C...); Di tích cách mạng, kháng chiến ở Hà Nội (xếp theo thời kỳ cách mạng, kháng chiến); Bảo tàng trên địa bàn Hà Nội.
Phần phụ lục: Tổng hợp di tích lịch sử - văn hóa theo địa bàn các quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Nội dung của phần này giúp cho độc giả cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa dễ dàng tra cứu các nội dung cần tìm.
Các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh giới thiệu trong cuốn sách Hà Nội – danh thắng và di tích được dựa vào hai căn cứ: thứ nhất là phù hợp với tiêu chí và sự phân loại xếp hạng của Luật Di sản văn hóa; thứ hai là các di tích đã xếp hạng quốc gia và xếp hạng cấp thành phố, tỉnh. Về danh lam, để giới thiệu trong cuốn sách này các tác giả đã vận dụng tiêu chí về danh lam thắng cảnh mà Luật Di sản văn hóa quy định để chọn những cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu, hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái....
Theo thống kê đến hết tháng 6 năm 2009, trên địa bàn thủ đô Hà Nội có 5.175 di tích, trong đó có 2.095 di tích đã xếp hạng: xếp hạng quốc gia là 1.164 và xếp hạng cấp thành phố, tỉnh là 931. Số danh thắng và di tích được chọn lọc đưa vào cuốn sách là: 110 danh thắng, 1.041 di tích và 26 bảo tàng. Điều đáng ghi nhận trong cuốn sách này đó là tất cả các danh thắng và di tích đưa vào sách đều phù hợp với tiêu chí mà Luật Di sản văn hóa đã quy định. Đặc biệt, Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, lại được bồi đắp, dung nạp cả một kho tàng văn hóa của vùng đất xứ Đoài, Hà Đông và Mê Linh với bao danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề, làn điệu dân ca, lễ hội cổ truyền... Điều này càng làm tăng thêm sự đồ sộ của cuốn sách cũng như sự phong phú đa dạng về di tích và danh lam thắng cảnh, Hà Nội không chỉ bó hẹp ở con sông Cái, sông Tô nữa mà đã mở rộng địa giới tới con sông Đà, sông Đáy bao bọc.
Qua việc giới thiệu về di sản văn hoá, về hệ thống các danh thắng và di tích tiêu biểu của Hà Nội nhằm giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân ta đối với thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố anh hùng, nhân ái, hoà bình. Cuốn sách này với nội dung được thực hiện sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin tư liệu, tổng hợp và đầy đủ nhất thể hiện được những nét tiêu biểu, đặc trưng của văn hoá Thăng Long – Hà Nội nhìn từ danh lam thắng cảnh và di tích Lịch sử – Văn hoá.
Với tổng số trên 2000 trang in được chia làm 2 tập, cho đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định cuốn sách Hà Nội – danh thắng và di tíchđược biên soạn công phu và đầy đủ nhất về danh thắng và di tích. Với văn phong giản dị, trong sáng và rõ ràng, cách thể hiện vừa trình bày, vừa giới thiệu của các tác giả theo một bố cục nhất quán, giúp người đọc cảm nhận được một cách sâu sắc và đầy đủ từ tính khái quát (phần Tổng quan) đến tính cụ thể (phần danh thắng và di tích) của nền văn hiến truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Cuốn sách không dừng lại ở ý nghĩa ra đời đúng dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội mà còn là nguồn tư liệu quý giá đối với các nhà nghiên cứu văn hóa ở cả hiện tại và tương lai.