Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 24/02/2014 09:56
Khối tư liệu lưu trữ VOC và EIC - Những tiềm năng khám phá về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Đàng Ngoài thế kỷ XVII
Tư liệu lưu trữ nước ngoài là một nguồn tư liệu quý giá. Ý nghĩa, giá trị của khối tư liệu này - như cách nói của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - là ở chỗ nó chứa đựng được cả hai yếu tố: “là nguồn sử liệu gốc đương đại, có bộ mặt mộc, không son phấn” và lại là những tư liệu được ghi lại từ “đôi mắt nhìn của kẻ khác”.

 Việc khai thác nguồn tư liệu này để nghiên cứu, soi sáng lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong nhiều năm gần đây đã thu được rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đó cũng là một trong những lý do hướng nghiên cứu này thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, trong đó có PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn. Trong nhiều năm nay, nhà khoa học trẻ này đã miệt mài, bền bỉ dành sức lực và trí lực của mình để tìm hiểu, khai thác về nguồn tư liệu lưu trữ phương Tây, cụ thể là của Hà Lan và Anh đặc biệt tập trung về Thăng Long - Đàng Ngoài. Những kết quả nghiên cứu của anh đã được minh chứng qua những sản phẩm điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I đã nhận được sự ủng hộ, đón nhận nhiệt tình của đông đảo bạn đọc.

          Nhận thức được những hạn chế của chương trình sưu tầm và khai thác tư liệu và của cuốn sách đã được biên soạn xuất bản trong giai đoạn I, cũng như tiềm năng rất lớn của khối tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh trong việc làm sáng tỏ những góc khuất của lịch sử, văn hóa Thăng Long - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, trong Dự án giai đoạn II, Nhà xuất bản Hà Nội và PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã xây dựng kế hoạch tiếp tục điều tra, khảo sát, khai thác nguồn tư liệu tại Lưu trữ Quốc gia Hà Lan và Thư viện Quốc gia Anh.

Thực hiện kế hoạch trên, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã có chuyến công tác đến Lưu trữ Quốc gia Hà Lan để thu thập bổ sung khối tư liệu của các thương điếm Hà Lan ở Nagasaki (Nhật Bản), Zeelandia (Đài Loan), Ayutthaya (Xiêm), Batavia (Indonesia) nhằm bổ khuyết cho khối tư liệu thương điếm. Đồng thời, trong chuyến khảo sát, anh cũng đã khai thác thêm được một số nguồn tư liệu lưu trữ bổ sung (khoảng 300 trang) của Công ty Đông Ấn Anh. Đây chủ yếu là những tư liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài nhưng lại nằm rải rác trong các bộ sưu tập tư liệu của các thương điếm Madras (Ấn Độ), Bantam (Indonesia)… Kết quả của đợt khảo sát năm 2013 của tác giả là khoảng 5000 trang tư liệu bổ sung vào bộ tư liệu hết sức đồ sộ lên tới 1,5 vạn trang của các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh liên quan đến Kẻ Chợ và Đàng Ngoài đã được tổng hợp và lưu trữ tại Nhà xuất bản Hà Nội. Khối tư liệu này sẽ bổ sung vào những kết quả khảo sát mà PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã khai thác được từ năm 2008, tiếp tục làm rõ thêm diện mạo của Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII trên mọi phương diện qua cách đánh giá của người phương Tây.

Đặc biệt đối với khối tư liệu sưu tầm bổ sung năm 2013, ngoài những giá trị cốt lõi đó, còn có những thông tin lịch sử quý giá lần đầu tiên được hé lộ cho giới nghiên cứu. Những thông tin này sẽ góp phần soi sáng nhiều khoảng trống nhận thức về lịch sử Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này. 

Trên cơ sở khối tư liệu đồ sộ đã được khai thác qua đợt khảo sát vừa qua của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Nhà xuất bản Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức biên dịch, biên soạn 2 cuốn sách tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII do chính PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn chủ trì để hướng tới xuất bản trong Tủ sách giai đoạn II. Nếu như cuốn sách xuất bản năm 2010 mới chỉ tập trung giới thiệu tư liệu, trong các cuốn sách thuộc giai đoạn II, nhóm biên soạn sẽ một mặt tiếp tục đào sâu tư liệu để chắt lọc thông tin lưu trữ quý giá chưa từng được biết đến, mặt khác tổ chức nghiên cứu bước đầu để làm nổi bật lịch sử quan hệ của các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh với Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Như vậy, bộ sách mới không chỉ dày thêm về sử liệu (dự kiến khoảng 700 trang mỗi tập) mà còn sâu hơn về các vấn đề chuyên môn sử học. Bộ sách mới dự kiến sẽ có những đóng góp trên nhiều mặt:

+ Đóng góp về khoa học: sản phẩm của đề tài (02 sách chuyên khảo, mỗi cuốn khoảng 700 trang) không chỉ góp phần bổ chú và nâng cấp công trình về tư liệu các Công ty Đông Ấn năm 2010 mà còn đặc biệt đầu tư hoàn thiện hơn nội dung khoa học: bổ sung nhiều thông tin mới được khai thác từ khối tư liệu khảo sát năm 2013, góp phần phục vụ độc giả thủ đô, đặc biệt là giới nghiên cứu trong và ngoài nước.

+ Đóng góp về hiệu quả kinh tế: cung cấp cơ sở khoa học cho các nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội, góp phần thiết thực vào công tác nghiên cứu, phát huy công tác bảo tồn gắn với khai thác bền vững các giá trị lịch sử và văn hoá vùng đất thủ đô.

+ Đóng góp về hiệu quả xã hội: Nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội; góp phần khẳng định vị thế của Thủ đô Hà Nội đối với cả nước và trong con mắt của người nước ngoài.

           Với những kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã đóng góp vào Dự án giai đoạn I, với tâm huyết và năng lực khoa học đã được chứng minh, hy vọng rằng những ấn phẩm mới sẽ sớm được ra mắt, để độc giả lại có thêm những công cụ đắc lực trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của thủ đô nghìn năm.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)