Khai thác khối tư liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh - Những kết quả đáng ghi nhận
Nguồn tư liệu này có thể coi là một sự bổ sung không những về số lượng
mà còn cả về chiều sâu cho kết quả của đợt khảo sát của chính tác giả vào năm
2008 trong Dự án Tủ sách giai đoạn I. Đây là nguồn tư liệu có giá trị, cùng với
khối tư liệu trong nước sẽ giúp cho độc giả hiểu được về Thăng Long - Hà Nội
một cách khách quan, đa chiều. Đặc biệt hơn khối tư liệu này còn chứa đựng
nhiều thông tin lịch sử quý giá lần đầu tiên được hé lộ sẽ góp phần soi sáng
nhiều khoảng trống nhận thức về lịch sử Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, có ý
nghĩa phục vụ nghiên cứu lâu dài lịch sử - văn hóa thủ đô nghìn năm văn hiến.
Sau khi nhận được sản phẩm đợt khảo sát của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Nhà
xuất bản Hà Nội đã tổ chức thành lập Hội đồng khoa học thẩm định chất lượng,
giá trị của khối tư liệu. Các nhà nghiên cứu đã thể hiện sự đánh giá rất cao về
giá trị, ý nghĩa và sự cần thiết của việc khai thác nguồn tư liệu lưu trữ này
đồng thời thể hiện sự kỳ vọng và tin tưởng vào chất lượng của ấn phẩm sẽ được
biên soạn và xuất bản trong thời gian tới trên cơ sở của khối tư liệu đồ sộ
này. Sau đây là một số ý kiến đánh giá của các nhà khoa học, thành viên Hội
đồng:
* PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Đại học Khoa học xã hội
& nhân văn:
Hạng mục điều tra sưu tầm đợt 2 này về thực chất là sự
nối dài của hạng mục đó trong đợt 1, ở một vỉa tầng sâu hơn và rộng hơn. Sâu
hơn, bởi lẽ như người chủ trì giải thích, sản phẩm đã vượt qua việc giới thiệu
danh mục và tóm tắt tư liệu để “đào sâu, chắt lọc những thông tin lưu trữ quý
giá chưa từng được biết đến”. Rộng hơn, bởi lẽ tác giả đã cố gắng vận dụng lý
thuyết hệ thống, đặt những dữ kiện trong một cấu trúc vận hành tổng thể toàn
cảnh, với những thành tố khác và những mối liên hệ tương tác giữa các thành tố
đó. Cụ thể, tác giả đã “thu thập bổ sung khối tư liệu của các thương điếm Hà
Lan ở Nagasaki (Nhật Bản), Zeelandia (Đài Loan), Ayutthaya (Xiêm) và Batavia
(Indonesia)” để tìm ra những thông tin dữ liệu có liên hệ trực tiếp hoặc gián
tiếp với Thăng Long-Kẻ Chợ và Đàng Ngoài trong thời đoạn lịch sử đồng đại.
Chất lượng của hạng mục điều tra sưu tầm tư liệu còn
được bảo đảm bởi cá nhân con người trực tiếp thực hiện công việc. PGS.TS Hoàng
Anh Tuấn là một chuyên gia có thẩm quyền và uy tín, thêm vào là phẩm chất lao
động nhiệt tình, nghiêm túc vốn có của một nhà nghiên cứu đang độ chín muồi.
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đề xuất trong cuốn sách dự định
xuất bản nên tăng cường phần dịch sang tiếng Việt những danh mục tư liệu lưu
trữ viết bằng tiếng Hà Lan thế kỷ XVII . Bên cạnh những tư liệu giới thiệu tóm
lược nội dung, đối với một số tư liệu quan trọng, nên dịch toàn văn, với xuất
xứ và chú giải kỹ lưỡng, như vậy sẽ tăng rất nhiều giá trị khoa học của tư liệu
và tính bổ ích cho giới nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu cũng kỳ vọng nếu sau này có điều kiện,
sẽ mở rộng địa bàn nghiên cứu tới các tầng vỉa của những kho tàng quặng mỏ
khác. Ngoài lĩnh vực kinh tế, có thể khai thác thêm những tư liệu quý báu trong
các lĩnh vực khác như văn hóa, tôn giáo, ngoại giao, chính trị xã hội… Cũng nên
kéo dài khoảng thời gian nghiên cứu qua thế kỷ XVIII và nhất là nửa đầu thế kỷ
XIX. Không kể đến các lưu trữ ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Mỹ, đặc biệt nên
lưu ý tới số các tư liệu của Anh và Pháp.
Về nhận định của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn rằng “Tư liệu
của Pháp về thế kỷ XVII khá hạn chế, sự quan tâm của người Pháp đến Đàng Ngoài
lúc đó chưa nhiều”, theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thì thực ra, đã có một khối tư
liệu khổng lồ về tình hình các giáo sĩ Pháp truyền đạo ở Đàng Ngoài và Đàng
Trong trong thế kỷ XVII, và XVIII được bảo quản trong các Kho lưu trữ của Dòng
Tên (Société des Jésuites) và Hội
Truyền giáo đối ngoại Paris (M.E.P.),
cũng như trong 34 bộ sưu tập dày của “Các bức thư khuyến thiện và kỳ thú” (Lettres édifiantes et curieuses), trong
đó có nhiều tư liệu hiếm quý liên quan đến Việt Nam, Đàng Ngoài và Thăng Long -
Kẻ Chợ vào thời đó. Tất nhiên theo ông thì cũng phải chờ đợi những điều kiện
khả thi để có thể khai thác, chắt lọc khối tư liệu khổng lồ này.
* TS. Trần Hữu Huỳnh - Đại học Khoa học xã hội &
nhân văn:
Về khoa học:
sản phẩm được in sẽ bổ sung những thông tin mới trong quá trình điều tra, sưu
tầm vừa qua (năm 2013) cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm nhìn nhận về Thăng Long (Hà Nội) thời trung đại.
Về kinh tế -
văn hóa: làm sáng tỏ những vấn đề
kinh tế thương mại và văn hóa, giá trị lịch sử của Thăng Long (Hà Nội) thế kỷ
XVII.
Hướng điều tra, sưu tầm tư
liệu lưu trữ phương Tây về Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII của tác giả thực
hiện, bổ sung quý báu vào kho tư liệu và
cung cấp cái nhìn nhiều chiều của người nước ngoài về Thăng Long - Hà Nội,
những sinh hoạt kinh tế - xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII.
Đồng thời bộ
sách làm công cụ tra cứu giá trị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học
nghiên cứu và bạn đọc tìm hiểu tra cứu về Thăng Long - Hà Nội thời trung đại.
Tác giả trong quá trình xử lý, phân loại tư liệu
trong bộ sách mới (2 tập), mỗi tài liệu
cần lập từ khóa những vấn đề chính để người nghiên cứu và người dùng tin dễ
dàng tra cứu khai thác tin.
TS. Trần Hữu Huỳnh khẳng định sản phẩm được in sẽ bổ sung vào kho tư liệu quý báu với cách nhìn của người nước ngoài về
Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Đồng thời là tư liệu quý phục vụ bạn đọc quan
tâm nghiên cứu khoa học và triển khai phát triển thủ đô Hà Nội trong thời gian
tới.
* PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - Đại học Khoa học xã hội
& nhân văn:
Trong gần 7 trang
báo cáo (không kể 7 trang Phụ lục thống kê tài liệu đã sưu tầm được), ngoài mục
1 (tr.1-2 và có thể nội dung này đã trình bày ở giai đoạn I), tác giả nêu rõ sự
hạn chế của giai đoạn I (tr.3-4) như là tính cấp thiết triển khai giai đoạn II.
Tác giả đã sơ lược
giới thiệu việc khảo sát ở lưu trữ Quốc gia Hà Lan, chủ yếu là tài liệu của các
thương điếm Hà Lan tại Nhật, Đài Loan, Xiêm, Indonesia. Kết quả đã scan được
hơn 3.000 trang tài liệu bổ sung. Ngoài ra, tác giả còn thu thập được khoảng 300
trang tài liệu của Công ty Đông Ấn Anh.
Tác giả sơ lược (1
trang) giới thiệu giá trị của hơn 3.000 trang tài liệu thu thập được và đã nộp
cho Nhà xuất bản Hà Nội. Tiếp đến là đề xuất kế hoạch in sách giới thiệu khối
tài liệu đã thu thập được.
PGS.TS. Phạm Xuân
Hằng cũng đề xuất tác giả tổng quan khái quát những nội dung cơ bản mà hơn
3.000 trang tài liệu phản ánh một cách đậm nét hơn.
* TS. Nguyễn Hữu Mùi - Viện nghiên cứu Hán Nôm:
Trong giai đoạn I của “Tủ sách Thăng Long ngàn
năm văn hiến” (2008-2010), một phần khối tư liệu lưu trữ của hai Công ty Đông
Ấn Hà Lan (VOC) và Anh (EIC), với khoảng 1 vạn trang đã được lên thư mục, biên
dịch lạc khoản và nêu thông tin vắn tắt, biên soạn thành cuốn sách “Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh
về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII”, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Cuốn
sách đó đã thu hút rộng rãi độc giả trong nước và là nơi cung cấp tư liệu cho
Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ viết khóa luận, luận văn và luận án.
Tuy
nhiên do điều kiện lúc bấy giờ (giai đoạn 2008-2010) còn gặp nhiều khó khăn nên
cuốn sách bộc lộ một số khuyết điểm, chẳng hạn như chưa thâu tóm hết nguồn tư
liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, hoặc chưa
khai thác triệt để thông tin về tình hình Kẻ Chợ - Đàng Ngoài trong các báo cáo
thường niên của các Công ty Đông Ấn Hà Lan.
Để khắc
phục tình trạng đó, trong giai đoạn II của Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm
văn hiến”, Nhà xuất bản Hà Nội đã giao PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn công tác tại Lưu
trữ Quốc gia Hà Lan để thu thập, bổ sung khối tư liệu của các thương điếm Hà
Lan ở một số nước châu Á, nhằm bổ khuyết cho khối tư liệu về thương điếm.
Sau chuyến công tác này (năm
2013), ngoài việc lập thành hệ thống danh mục tài liệu, tác giả Hoàng Anh Tuấn
đã Scan được hơn 3000 trang tư liệu mới. Kết hợp với khoảng 300 trang tư liệu
sưu tầm thêm của Công ty Đông Ấn Anh có tại Ấn Độ và Indonesia, cộng với số tư
liệu sưu tầm ở giai đoạn I, nâng số tư liệu lưu trữ phương Tây về Thăng Long -
Hà Nội thế kỷ XVII, lên tới 1,5 vạn trang. Đây là nguồn tư liệu rất có giá trị,
phục vụ việc nghiên cứu lâu dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Đối với khối tư liệu sưu tầm
bổ sung năm 2013, theo đánh giá của TS. Nguyễn Hữu Mùi là rất có giá trị, bởi
đây là tư liệu gốc - Tư liệu cấp một, còn ở dạng nguyên bản, không bị sao đi
chép lại nhiều lần, tức nó phản ánh trung thành nội dung của nguyên tác. Nhờ
khối tư liệu mới sưu tầm này sẽ bổ sung thông tin về nhiều lĩnh vực mà các bộ
sưu tập trước đó còn thiếu, làm phong phú cho nhận thức của chúng ta về Thăng
Long - Kẻ Chợ ở thế kỷ XVII.
Tuy nhiên khối tư liệu mới
này cần phải được công bố, mà theo báo cáo của tác giả sưu tầm sẽ dự định xuất
bản làm 2 cuốn, mỗi cuốn ước khoảng 700 trang. Như thế sau khi 2 cuốn sách được
xuất bản thì Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ có thêm đầu sách, đảm bảo
được 3 hiệu quả về khoa học, kinh tế và xã hội. Từ đó làm giàu nhận thức, sự
hiểu biết của nhân dân trong cả nước cũng như bạn bè quốc tế về lịch sử Thăng
Long Hà Nội, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội với cả nước cũng như
quốc tế.
* PGS.TS.
Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học:
Một phần nội dung khoa học
của Đề tài này đã thực hiện tương đối tốt ở giai đoạn 1 và thực sự là tài liệu
quý cho giới học giả trong nước tìm hiểu, nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội và
rộng hơn là Đàng Ngoài trong các thế kỷ XVI - XVIII. Có thể nói, nguồn tài liệu
phương Tây về Thăng Long - Hà Nội hiện lưu trữ tại các quốc gia này vô cùng
phong phú và đa dạng. Việc tiếp tục công tác sưu tầm, dịch thuật tài liệu
phương Tây (chủ yếu của Công ty Đông Ấn Anh và Công ty Đông Ấn Hà Lan) tại La
Haye đã được PGS.TS Hoàng Anh Tuấn thực hiện từ tháng 9 năm 2013, sau khi đã
thoả thuận với NXB Hà Nội và đã thông qua đề cương sưu tầm, khai thác.
Hiện tại, hơn 3000
trang tài liệu đã được PGS.TS Hoàng Anh Tuấn sao chụp thành công. Nguồn tài
liệu nói trên có giá trị khoa học cao, giúp bạn đọc nhận thức được đầy đủ hơn
về hoạt động của các thương điếm thuộc nhiều quốc gia khác nhau ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII đồng thời góp phần phục vụ đắc lực công tác nghiên
cứu lịch sử - văn hoá Thủ đô Hà Nội từ thế kỷ XVII trở về sau.
* GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ - Đại học Khoa học xã hội
& nhân văn:
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ đánh
giá cao những cố gắng của chủ đề án. Với khoảng gần 1,5 vạn trang tư liệu đã
sao chụp, chắc chắn các nhà khoa học và Chủ đầu tư còn có nhiều việc để làm
trong thời gian sắp tới.
Những tư liệu sưu tầm của
nhóm tác giả năm 2013 có giá trị cao về tư liệu lịch sử, cung cấp nhiều thông
tin mới, có liên quan đến khá nhiều vấn đề lý thú, chẳng hạn như chiến lược
kinh doanh buôn bán của người Hà Lan ở thương điếm Kẻ Chợ, về phương thức ứng
xử của giới lãnh đạo Công ty đối với triều đình Lê Trịnh, việc liên minh quân
sự của Hà Lan với Đàng Ngoài, những cuộc xung đột trực diện giữa Đàng Ngoài và
Đàng Trong…và về nội tình Phủ chúa trong chính quyền Đàng ngoài thế kỷ XVII…vv…
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ nhấn
mạnh với nguồn tư liệu đồ sộ, có độ tin cậy cao, các nhà khoa học sẽ có thêm cơ
hội để mở rộng các nghiên cứu trên nhiều phương diện, cung cấp thêm những thông
tin quý giá, cần thiết góp phần tìm hiểu toàn diện và sâu sắc hơn những vấn đề
của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII.