Nguồn tư liệu lưu trữ về Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX -ANOM qua đánh giá của các nhà nghiên cứu
Kết quả mà TS. Đào Thị Diến đã thu thập được trong chuyến điều tra, khảo sát tại ANOM vào cuối tháng 12/2013 vừa qua là hơn 5000 trang tài liệu, trong đó có cả những tài liệu chưa đến thời hạn công bố, chưa tính đến số trang chụp từ bản đồ Hà Nội từ những năm 1885-1899… Đây không những là nguồn tài liệu gốc, có độ tin cậy cao và hầu hết đều không có ở Việt Nam mà còn cung cấp những thông tin quý giá không chỉ đóng góp về mặt khoa học mà còn có giá trị về mặt chính trị.
Để có định hướng cho những kế hoạch tiếp theo, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức thẩm định, nghiệm thu sản phẩm của đợt khảo sát điều tra tư liệu tại ANOM. Cũng như đối với kết quả chuyến khảo sát tại Hà Lan của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, các nhà nghiên cứu đều đánh giá cao khối tư liệu lưu trữ tại ANOM nói trên đồng thời ủng hộ kế hoạch tổ chức dịch và biên soạn một tuyển tập tài liệu lưu trữ về Hà Nội được bảo quản tại ANOM do TS. Đào Thị Diến chủ trì. Sau đây là một số ý kiến đánh giá:
* PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Đại học Khoa học xã hội & nhân văn:
Có thể khẳng định công sức và giá trị của chuyến đi phục vụ cho dề tài điều tra, sưu tầm tư liệu tại Pháp về Hà Nội đợt 2 của tác giả Đào Thị Diến. Đó là một chuyến đi thắng lợi, có thể nói là “can đảm”, mà chỉ có được ở một người phụ nữ tràn đầy tình yêu say mê và với lòng quyết tâm nghị lực cao. Những tư liệu quý mang về sẽ bổ sung và hoàn thiện cho 2 cuốn sách đã xuất bản và rất được hoan nghênh. Nhìn vào danh mục, ta thấy đó đều là những tư liệu mới không có ở Việt Nam, đặc biệt là những tài liệu gốc về văn hóa giáo dục trong giai đoạn lịch sử này. Thí dụ như tư liệu quý về hồ sơ “Hội truyền bá chữ quốc ngữ” (Dossier 00.690: Association pour la diffusion du Quoc ngu 1938). Sau khi được xử lý và biên dịch, chắc chắn chúng ta lại đón nhận được một cuốn sách bổ ích mới, dùng làm một công cụ đa tiện ích cho nhiều người. Hoặc giả gia công thêm, cùng với những tư liệu sẵn có, tác giả có thể viết và xuất bản một chuyên khảo về văn hóa giáo dục Hà Nội thời Pháp thuộc qua tư liệu lưu trữ. Điều đó là hoàn toàn khả thi, tất nhiên nếu có những điều kiện hỗ trợ thỏa đáng.
Tất nhiên, người đọc vẫn có quyền hy vọng nhiều hơn chút nữa ở tác giả. Nếu chỉnh sửa đề tài thành “…các tư liệu về Hà Nội cuối thế kỷ XIX vànửa đầu thế kỷ XX”, phải chăng chúng ta sẽ có được thêm nhiều những tư liệu toàn diện về Hà Nội giai đoạn 1930-1945 ? Trong cuốn sách sắp tới, ngoài những bảng danh mục liệt kê hoặc tóm lược nội dung tư liệu, nên chăng tác giả sẽ có nhiều hơn những tư liệu chính ghi đầy đủ xuất xứ và được dịch toàn văn. Và cũng trong cuốn sách sắp biên soạn, ở những chủ đề quan trọng, bên cạnh những tư liệu mới đem từ Pháp về, nên chăng cũng có thể bổ sung những tư liệu có liên quan được khai thác thêm trong những lưu trữ trong nước. Lại tất nhiên, nếu được bổ sung thêm những điều kiện về kinh tế - văn hóa cho tác giả đề tài.
Một chi tiết nhỏ cuối cùng có thể bỏ qua nhưng cũng có thể nêu ra để bảo đảm tính chính xác trong nghiên cứu khoa học. TS. Diến viết: “ Những bản đồ được công bố trong cuộc triển lãm “Hà Nội, chu trình phát triển 100 năm” tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám tháng 11/2012… có niên đại sớm nhất là 1894”. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tham khảo ở những nguồn tư liệu khác ở Việt Nam có thể tiếp cận được. Thí dụ như các bản đồMontalambert năm 1884-1885 (Masson (A), Hanoi pendant la période héroique,Paris, 1929, plan XXXVIII), bản đồ của Viện Kiến trúc Pháp năm 1890 (Papin (Ph), Des villages dans la ville aux villages urbains, l’espace et les formes du pouvoir à Hanoi de 1805 à 1940, Thèse Doctorat, Paris VII, 1997, tr.24), bản đồ Leclanger năm 1890 (Éveil économique de l’Indochine, số 388, 16/11/1924). Hoặc như trong cuốn “Hà Nội, Chu kỳ của những đổi thay, Hà Nội, Khoa học Kỹ thuật, 2003” do P.Clément & N. Lancret chủ biên, ta cũng thấy xuất hiện các tấm bản đồ Plan de la ville de Hanoi en 1885 (tr. 104) và Plan de la Ville de Hanoi en 1890 (tr.107).
* TS. Trần Hữu Huỳnh - Đại học Khoa học xã hội & nhân văn:
Đây là nguồn tài liệu gốc được lưu trữ tại ANOM có độ tin cậy cao với người dùng tin. Tài liệu có những thông tin giá trị đóng góp về mặt khoa học và chính trị của Hà Nội thời kỳ cận đại, giúp cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm về nhiều lĩnh vực.
Tác giả đã có kế hoạch tổ chức dịch và biên soạn tuyển tập tài liệu lưu trữ về Hà Nội được bảo quản tại ANOM là điều cần thiết. Tuy nhiên, mỗi tài liệu trong tuyển tập cần lập từ khóa để người nghiên cứu và người dùng tin dễ dàng tra cứu tin.
* PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - Đại học Khoa học xã hội & nhân văn:
Với gần 7 trang báo cáo kết quả, chỉ có chừng 2 trang (tr.5-7), không kể hơn 2 trang Phụ bản, liên quan đến hạng mục đã ký hợp đồng với Dự án. Khảo sát5 Fonds tài liệu có liên quan đến Việt Nam, tác giả đã lên được một danh mục trên 300 hồ sơ có đề cập Hà Nội thời thuộc địa (với 5632 trang tài liệu, trong đó có cả tài liệu có thời hạn công bố vào 2014). Ngoài ra, tác giả còn thu thập được một số bản đồ về Hà Nội có niên đại từ 1885 về sau. Đó là những tài liệu và bản đồ về Hà Nội hiện chưa có ở Việt Nam. Những hồ sơ cụ thể được tác giả thống kê trong Phụ bản. Ngoài những thông tin quý nhưng rất khái lược nêu trong bản báo cáo, người đọc cũng không được biết thêm thông tin gì nữa.
Để bản báo cáo cụ thể hơn và tạo điều kiện để đưa vào hồ sơ của Dự án sau nghiệm thu, đề nghị tác giả quan tâm mấy vấn đề sau:
Trình bày lại Mục đích triển khai dự án đúng nghĩa của nó. Thực ra, mục này chỉ cần ngắn gọn, không thể viết dài được, nếu muốn viết đúng.
Lý do chọn Lưu trữ hải ngoại quốc gia Pháp làm địa điểm khảo sát, sưu tầm tư liệu về Hà Nội, cũng đơn giản như tác giả đã nói, nhưng không lan man như tác giả trình bày. Vấn đề ngắn gọn là, không khai thác ở đó thì không có ở đâu, vì Pháp chiếm nước ta làm thuộc địa, khi rút về đã mang theo tài liệu phản ánh cuộc khai thác thuộc địa của chúng về nước, trong đó, có tài liệu về Hà Nội.
Nên đầu tư cho phần giới thiệu kết quả khảo sát, đặc biệt, qua tên gọi của trên 300 hồ sơ, bản đồ, tác giả cần khái quát giới thiệu về nội dung chủ yếu của hồ sơ hay nhóm hồ sơ. Như thế, kết quả khảo sát, thu thập sẽ rõ hơn và sát hơn với ý nghĩa của hội nghị nghiệm thu.
* TS. Nguyễn Hữu Mùi - Viện nghiên cứu Hán Nôm:
Có thể kết luận rằng số tài liệu do TS. Đào Thị Diến thu thập, khai thác tại ANOM lần này, từ việc thực hiện đề tài nêu trên, đều là những tư liệu quý, vì nó là tư liệu gốc, viết lần đầu, đảm bảo nguyên bản, do vậy tư liệu ở đây sẽ bổ sung thông tin về lịch sử Thăng Long Hà Nội mà tư liệu trong nước còn thiếu.
Song cũng như khối tư liệu do PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn mang về từ Hà Lan thì khối tư liệu do TS. Đào Thị Diến mang về từ Pháp cũng cần được dịch và biên soạn thành sách. Chắc chắn cuốn sách TS. Đào Thị Diến khi xuất bản sẽ có nội dung thiết thực, giúp độc giả và các nhà nghiên cứu được sử dụng tư liệu gốc, góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của chúng ta, của bạn bè quốc tế về lịch sử thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
* PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học:
Trong giai đoạn I, tài liệu lưu trữ về Hà Nội (1873-1954) mới được sưu tầm, khai thác chủ yếu ở Trung tâm lưu trữ LTQG I, do đó chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của giới nghiên cứu khi tìm hiểu về Hà Nội thời Pháp thuộc. Vì vậy, việc triển khai đề tài này ở giai đoạn II là cần thiết. Không chỉ nghiên cứu về Hà Nội mà nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cận đại nói chung, nguồn tài liệu ở kho lưu trữ Hải ngoại Aix en Provence đặc biệt quan trọng và quý giá là đối với giới khoa học trong nước và nước ngoài.
Đề cương sưu tầm tài liệu của TS. Đào Thị Diến được thông qua vào tháng 8 năm 2013. Qua hơn 3 tháng làm việc, tác giả Đào Thị Diến đã tiếp xúc và sao chụp 5632 trang tài liệu và nhiều trang bản đồ về Hà Nội cuối thế kỷ XIX. Đây hầu hết là những tài liệu duy nhất được lưu trữ tại Pháp nên có giá trị rất cao về nội dung văn bản. Ngoài ra, một số châu bản triều Nguyễn liên quan đến vấn đề khu nhượng địa Hà Nội, sơ đồ khu Trường Thi từ cuối thập niên 70 (thế kỷ XIX).
Phần phụ bản về các phông tài liệu đã sao chụp cho thấy mức độ hoàn thành bước đầu nhưng rất quan trọng của quá trình điều tra, sưu tầm tư liệu nước ngoài do TS. Đào Thị Diến thực hiện.
* GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ - Đại học Khoa học xã hội & nhân văn:
Trong khá nhiều công trình ở giai đoạn 1, chúng ta cũng mới chỉ dừng lại ở việc điều tra, phát hiện, thống kê và hệ thống hóa trong một chừng mực nhất định tên các loại hình tư liệu hoặc văn bản, chỉ ra nơi cất giữ; mô tả sơ lược hiện trạng tư liệu... mà chưa có điều kiện để đi sâu, nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu một cách thật đầy đủ, trọn vẹn nội dung tư liệu đã được thống kê; điều này sẽ làm hạn chế cả về số lượng người đọc cũng như về những giá trị thực của các tư liệu mà Dự án đã dày công thực hiện. Bộ sách Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954, xuất bản năm 2010, tuy đã có tới 2 tập với 1746 trang, chia thành 4 phần lớn, xuyên qua 8 chủ đề, nhưng vẫn chưa thể phát lộ hết những điều còn bí ẩn về xã hội Việt Nam thời cận đại nói chung và Hà Nội nói riêng.
Vì vậy, chủ dự án đã chủ trương tiếp tục cho sưu tầm khai thác thêm các tài liệu tại Lưu trữ Quốc gia hải ngoại của cộng hòa Pháp nhằm khắc họa diện mạo thủ đô 1000 năm lịch sử đầy đủ, cụ thể hơn và cung cấp cho các nhà nghiên cứu những thông tin còn thiếu về Hà Nội , rộng hơn là cả khu vực Bắc Kỳ trước năm 1954.
Chọn ANOM làm nơi điều tra, khảo sát và khai thác tài liệu về Hà Nội, theo nhóm thực hiện đề án là hoàn toàn có cơ sở, vì tại đây đang lưu giữ gần như toàn bộ tài liệu của các cơ quan cao cấp Pháp thời thuộc địa, với một khối lượng khổng lồ các văn bản có liên quan đến các vấn đề như chính trị, quân sự, ngoại giao… cũng như về các mảng: Tòa án, Hộ tịch, Nhân sự và các tài liệu của văn phòng các Tỉnh trưởng, Thị trưởng, Đốc lý trên toàn cõi Đông Dương…
Sau chuyến khảo sát tại ANOM năm 2013, TS Đào Thị Diến, chủ nhiệm đề tàiđã có những kết luận sơ bộ, cho rằng việc tiếp tục tìm tài liệu về Hà Nội trước năm 1954 tại ANOM là một việc “ đãi cát tìm vàng”. Song với kinh nghiệm sẵn có và với những nỗ lực vượt bậc của cá nhân, tác giả vẫn điều tra, khảo sát và lập được một bảng danh mụctài liệu gồm trên 300 hồ sơcó liên quan, trong đó có các tài liệu về giáo dục, triển lãm, hội chợ, chùa chiền, nhà tù, bản đồ… có niên đại sớm hơn so với các tài liệu đã công bố tháng 11/2012.
Ngoài việc lập danh mục hồ sơ, tác giả còn sao chụp được 5632 trang tài liệu, trong đó có cả những tài liệu chưa đến thời hạn công bố và hầu hết không có ở Việt Nam. Trong số này, có những tài liệu rất quý như châu bản triều Nguyễn và các khu nhượng địa Hà Nội trong những ngày đầuPháp chiếm đóng hoặc những tài liệu có liên quan đến chính trị như phong trào học sinh sinh viên Hà Nội thời kỳ sau Hiệp định đình chiến năm 1954.
Trên cơ sở những sưu tầm và phát hiện trên đây, chủ nhiệm đề tài đề nghị tiếp tục cho khai thác, tổ chức biên dịch, biên soạn Tuyển tập tư liệu về Hà Nội được bảo quản tại ANOM, nhằm cung cấp cho độc giả, nhất là các nhà nghiên cứu không có điều kiện tiếp cận tài liệu gốc.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ cho rằng, những đề nghị như vậy là có cơ sở, và là việc nên làm vì nó thiết thực góp phần làm phong phú thêm kho dữ liệu về Thăng Long - Hà Nội đồng thời cũng là để quảng bá về Hà Nội cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.