Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 24/02/2014 10:12
Không gian văn học nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội qua tuyển tập các công trình nghiên cứu
Với mục đích mang lại cho độc giả cái nhìn toàn diện về diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung, diện mạo Văn học Thăng Long - Hà Nội nói riêng PGS.TS Trần Nho Thìn và các cộng sự đã dày công nghiên cứu, tuyển chọn để mang đến cho bạn đọc cuốn sách Thăng Long - Hà Nội tuyển tập các công trình nghiên cứu văn học nghệ thuật.

Thăng Long - Hà Nội - không gian văn hóa hội tụ, nuôi dưỡng, bồi đắp, khích lệ tài năng nghệ thuật của biết bao thế hệ những nhân tài nghệ thuật từ khắp mọi vùng miền của Tổ quốc. Hầu hết những trào lưu, khuynh hướng văn học nghệ thuật quan trọng của lịch sử đã khởi phát từ đây. Hầu hết những thiên tài văn học nghệ thuật của cả nước đã có mặt và để lại dấu ấn trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Tính hội tụ, tính điển hình và tính mở đường là những đặc điểm dễ nhận thất của không gian văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội qua một ngàn năm lịch sử. Chúng ta không thể hình dung được diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam mà lại thiếu văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội.

Cả hai tập của cuốn sách là sự kế thừa và phát triển hạng mục “Điều tra sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” của Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học quốc gia Hà Nội chủ trì, PGS.TS. Vũ Văn Quân làm chủ nhiệm. Đây là bộ sách tư liệu đặc sắc góp phần khẳng định các giá trị văn học nghệ thuật truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.

Cuốn sách bắt đầu bằng bài nghiên cứu tổng quan của PGS.TS Trần Nho Thìn - “Cùng các nhà nghiên cứu nhìn lại văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội”, sẽ giới thiệu với độc giả một bức tranh tổng thể về quá trình phát triển của văn học nghệ thuật Thăng Long trong một giai đoạn dài của lịch sử từ cuối thế kỷ XIX. Qua đó chúng ta có thể hình dung được vai trò của Thăng Long - Hà Nội như là môi trường, là bối cảnh, là không gian văn hóa cho những trào lưu, khuynh hướng văn học nghệ thuật sinh thành, phát triển, vận động. Đồng thời hình dung về đại thể dòng chảy văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội qua lịch sử ngàn năm và sự khúc xạ của nó qua văn học nghệ thuật trong từng giai đoạn lịch sử. Nhìn lại lịch sử cũng là cơ hội để suy ngẫm về tương lai, về những diễn biến có thể có của văn học nghệ thuật Thăng Long mà các nhà nghiên cứu vẫn luôn suy nghĩ và trăn trở.

Sau bài tổng quan của PGS.TS Trần Nho Thìn là các bài viết, các nghiên cứu có tính chất khảo cứu, các bài phỏng vấn hay hồi ký về sáu lĩnh vực văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội. Các bài viết được phân nhóm theo các tiêu chí nội dung của các loại hình nghệ thuật: Văn học, Sân khấu, Điện ảnh và Nhiếp ảnh, Hội họa và Điêu khắc, Kiến trúc, Âm nhạc. Trong mỗi lĩnh vực, các bài viết tổng quan được đặt lên trước những bài có nội dung cụ thể, sau đó những bài có cùng nội dung sẽ được sắp xếp theo thứ tự thời gian.

Với cách sắp xếp như vậy độc giả sẽ có một cái nhìn đa dạng, nhiều chiều cạnh khác nhau về sự hình thành và phát triển của các loại hình văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội. Các bài viết, bài nghiên cứu được sưu tầm và tuyển chọn ở đây không chỉ là của những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, mà còn là của những người con ở khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về đây, dành những tâm huyết, tình yêu cho mảnh đất linh thiêng và hào hoa này. Điều đó cho thấy Thăng Long – Hà Nội không chỉ là không gian nuôi dưỡng cho văn học nghệ thuật mà còn là đối tượng quan sát, miêu tả, phản ánh, là nơi để gửi gắm tình cảm yêu thương gắn bó của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ hàng ngàn năm qua. Các thiên tài văn nghệ từ trăm miền đến với nơi đây đã khắc họa, tạo dựng, tái hiện Thăng Long – Hà Nội bằng những ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Tất cả làm nên một Thăng Long – Hà Nội – “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”  vừa chân thực, thanh lịch lại rất hào hoa. Qua đó còn cho thấy sức lan tỏa của văn học nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội không chỉ trong không gian của đất Kinh kỳ mà nó còn lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng đến văn học nghệ thuật của các vùng miền khác trên khắp đất nước việt Nam. Đó cũng chính là tính chất kết tinh – hội tụ và lan tỏa của văn hóa Thăng Long – Hà Nội mà cố GS. Trần Quốc Vượng đã tìm tòi và khám phá trong muôn ngàn nét đặc sắc của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Có thể nói Thăng Long – Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu văn học nghệ thuật chính là một bộ sưu tập văn học nghệ thuật độc đáo trong “bảo tàng văn học nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội”. Qua cuốn sách này bạn đọc sẽ thấy thêm yêu, thêm tự hào và thêm phần trách nhiệm nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng và bồi đắp cho nền văn học nghệ thuật này.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)