Tập trung hoàn thiện các nội dung đổi mới GDĐT
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giáo
dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn thiện 3
nội dung vừa được thảo luận. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức đam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia
Giáo dục và Phát triển nhân lực; các thành viên Hội đồng và lãnh đạo một
số bộ, ngành Trung ương tham dự.
3 nội dung lớn
Phiên họp nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến vào 3 nội dung lớn, gồm: Dự
thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT),
đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Chương trình hành động); việc thành
lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo; Đề án đổi mới chương
trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Theo Dự thảo Chương trình hành động, các bộ, ngành, địa phương, tổ
chức thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết 29 nhằm đổi mới căn
bản, toàn diện GDĐT đáp ứng đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho
sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là căn cứ để các bộ, ngành, địa
phương xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ của mình để
chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc
thực hiện Nghị quyết 29.
Dự thảo Chương trình hành động đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tổ
chức truyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền,
ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội về vai trò lãnh đạo của Đảng,
sự quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện
GDĐT. Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng GDĐT của đội
ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ
chương trình giáo dục tất cả các bậc học, ngành học theo yêu cầu phát
triển phẩm chất và năng lực người học. Đổi mới căn bản hình thức và
phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung
thực, khách quan theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở,
học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Phát triển đội ngũ nhà giáo
và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT. Đổi mới chính
sách, cơ chế tài chính; tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia
đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo
dục...
Liên quan đến việc thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào
tạo, dự thảo Tờ trình về việc thành lập Ủy ban đã đề xuất kết cấu và nội
dung chính của dự thảo Quyết định thành lập Ủy ban, gồm: Thành lập Ủy
ban; quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban; quy định về tổ chức và
hoạt động của Ủy ban; quy định hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
Về dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông sau năm 2015 có 3 phần, gồm mục tiêu; phạm vi và nhiệm vụ; nội
dung Đề án…
 |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thể chế hóa Nghị quyết 29 bằng giải pháp đồng bộ, tính khả thi cao
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ
Giáo Dục và Đào tạo đã tích cực chuẩn bị các nội dung cho cho phiên họp
này, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến đóng
góp tại phiên họp để hoàn thiện 3 nội dung vừa được thảo luận.
Về Chương trình hành động, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo Dục và Đào tạo
rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện để Chính phủ ban hành
Chương trình này vào tháng 3/2014 trên tinh thần bám sát Nghị quyết của
Trung ương, đảm bảo GDĐT thực sự là quốc sách hàng đầu, thực sự được đổi
mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước trong điều
kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; bám sát nhiệm vụ
cụ thể nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương để hành động, trong đó
hết sức quan tâm đến các giải pháp đồng bộ song phải có trọng tâm,
trọng điểm và tính khả thi cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm, Chương trình hành động là
chương trình mở, trong quá trình thực hiện, nếu còn những điểm chưa rõ,
thấy cần thiết sẽ tiếp tục được bổ sung.
Về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau
năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay vấn đề này đã trình Quốc
hội, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án tham gia cùng với các Ủy
ban của Quốc hội bổ sung, hoàn thiện để khi Nghị quyết Quốc hội ban hành
phù hợp với thực tiễn.
Về việc thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về việc
thành lập Ủy ban này trong tháng 3/2014 với chức năng, nhiệm vụ chính
mang tính tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối
hợp liên ngành, phối hợp kiểm tra, đôn đốc... Đối với các ủy viên của Ủy
ban, Thủ tướng đề nghị rà soát lại, thành lập theo hướng ít ủy viên,
các ủy viên chủ yếu ở các cơ quan liên quan chính. Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng cũng cho ý kiến cụ thể về phương thức tổ chức và hoạt động của Ủy
ban.
Thủ tướng cũng đề nghị Hội đồng Quốc gia tiếp tục làm tốt chức năng
tư vấn, mở rộng đối tượng là các chuyên gia, các nhà giáo dục, tập trung
mạnh vào hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến.
(Theo chinhphu.vn)