Thăng Long – Hà Nội – “điểm hẹn” của các danh nhân
Thăng Long - Hà Nội – “mảnh đất địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ biết bao nhân tài của đất nước trên các lĩnh vực chính trị quân sự, ngoại giao, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Những nhân tài ấy, có người quê Thăng Long - Hà Nội hoặc sinh ra ở Thăng Long - Hà Nội, có người quê ở các lộ, trấn, tỉnh thành khác, song họ lại có nhiều gắn bó với Thăng Long - Hà Nội, có những công lao đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển của mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Tên tuổi và sự nghiệp của họ được lưu truyền mãi cùng lịch sử nơi đây. Để tri ân những nhân tài đã góp công, góp sức làm nên lịch sử ngàn năm của Thủ đô, AHLĐ. GS Vũ Khiêu cùng các cộng sự đã biên soạn cuốn sách “Danh nhân Thăng Long – Hà Nội” nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Cuốn sách gồm 164 bài
viết của các học giả, nhà nghiên cứu về các danh nhân Thăng Long - Hà Nội thuộc
thời kỳ trung – cận đại, tính đến hai phần ba thế kỷ XIX. “Danh nhân Thăng Long
- Hà Nội” ở đây được hiểu trên phạm vi bao quát, rộng lớn, bao gồm những người
từng gắn bó, góp công với Hà Nội, không kể người đó đã sinh ra hay chỉ có một
phần đời hoạt động trên đất Hà thành. Những danh nhân này là những người có tên
tuổi, có nguồn gốc và tiểu sử rõ ràng, tồn tại như những con người thực trong
cuộc sống và lưu truyền trong lịch sử. Đó là những danh nhân có mối liên hệ và
đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô. Với
tiêu chí đó GS. Vũ Khiêu và nhóm biên soạn đã cố gắng cập nhật những nguồn tư
liệu mới nhất bổ sung cho các bài viết. Bên cạnh các bài viết mới nhóm biên
soạn cũng đã tiếp thu, kế thừa những bài nghiên cứu và những bài viết trước đây
để các bài viết được hoàn thiện, và các
thông tin được cập nhật kịp thời. Đồng thời nhóm biên soạn còn bổ sung thêm
phần phụ đề để nhấn mạnh những đặc điểm tương đối nổi trội về tư chất, tính
cách, nghề nghiệp, vai trò, hành động, sự kiện và tầm mức đóng góp của họ đối
với Thăng Long – Hà Nội nói riêng và đất
nước nói chung.
Với tiêu chí lựa chọn và
quy cách biên soạn như vậy, Danh nhân
Thăng Lobng - Hà Nội thật sự là cuốn sách “hội tụ” tương đối đầy đủ những
tên tuổi làm nên lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Bạn đọc sẽ thấy ở đây trước hết
là những anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong việc bảo vệ, xây dựng và
phát triển Thăng Long như: Ngô Quyền - người có công đánh đuổi quân xâm lược,
chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng
triều đình phong kiến đầu tiên của nước ta đóng đô ở Cổ Loa; hay Lý Công Uẩn -
vị vua sáng lập vương triều Lý, người khai sáng kinh đô Thăng Long, với tầm nhìn
xa trông rộng đã sớm tiên đoán và khẳng định Thăng Long là “kinh sư của muôn
đời”; hay người anh hùng đất Thăng Long - Lý Thường Kiệt đã phá tan quân xâm
lược nhà Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt để bảo vệ mảnh đất quê hương thế
kỷ XI… Còn rất nhiều tên tuổi đã đi sâu vào trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội như: Trần Thánh Tông, Trần Thái
Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… Bên cạnh những anh hùng dân tộc,
Thăng Long - Hà Nội còn ghi dấu tên tuổi rất nhiều danh nhân tiêu biểu mà sự
nghiệp của họ đã lan tỏa và thấm sâu vào trong văn hóa, lịch sử xứ Kinh kỳ. Đó
là vị vua văn võ song toàn gắn liền với quốc hiệu Đại Việt, người đã cho xây
dựng Văn Miếu - vua Lý Thánh Tông; hay vua Lý Nhân Tông, người đã lập nên Quốc
Tử Giám để chăm lo cho sự học của nước ta, cũng là người mở khoa thi đầu tiên
để tuyển chọn nhân tài…; còn “đôi bạn” “thần Siêu, thánh Quát” đã “nổi đình nổi
đám” trong văn học Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XIX…
Có thể nói, danh nhân
Thăng Long – Hà Nội mà tên tuổi và cuộc đời của họ luôn được sử sách và người
đời ca tụng, lưu truyền là rất nhiều: Tô Hiến Thành, Trần Thánh Tông, Trần Nhật
Duật, Trần Khát Chân, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, Bùi Xương Trạch, Đặng
Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huy Lượng, Bà Huyện Thanh Quan,
Vũ Tông Phan…. Với những công lao đóng góp cho lịch sử xây dựng, phát triển của
vùng đất ngàn năm văn hiến này tuy tầm vóc, thành tích có khác nhau, song tất
cả đều vì một Thăng Long – Hà Nội, nơi có khí thiêng “Núi Nùng, sông Nhị”.
Không thể phủ nhận rằng:
Thăng Long – Hà Nội là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, cái nôi nuôi dưỡng, đào
tạo nên bao anh hùng, danh tướng, thi gia của dân tộc Việt Nam nói chung, của
Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Trải bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn
đang là nơi thu hút và hội tụ của những nhân tài đất Việt. Đó chính là niềm tự
hào của Thủ đô và của dân tộc Việt Nam hôm nay. Tin chắc rằng sau khi
đọc xong “Danh nhân Thăng Long – Hà Nội”
bạn đọc sẽ càng thêm tự hào, thêm yêu mảnh đất truyền thống ngàn năm này.