Cuốn sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX ra đời từ tình yêu Hà Nội
Bộ
sách Hà
Nội nửa đầu thế kỷ XX do Nhà xuất bản Hà Nội in năm 2010 trong Tủ sách
Thăng Long ngàn năm văn hiến gồm 6 quyển, chia làm 2 tập, dày trên 2000 trang
là bộ sách có tiếp thu ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa ở những lần xuất bản
trước, sau khi đã tham khảo ý kiến của một số nhà sử học đương đại như GS. Phan
Huy Lê, PGS.TS. Vũ Văn Quân... nhưng cũng chỉ là sửa chữa một số chi tiết về
nội dung và cải tiến về trình bày cho chính xác hơn và đẹp hơn.
Nội dung của bộ sách ở tập 1, sau Lời nhà
xuất bản, Lời giới thiệu và bài “Tôi viết về Hà Nội” của tác giả gồm có 3
quyển. Quyển 1: Thành Hà Nội, Cửa Tây
- Tổng nội, Khu vực Hồ Tây và tổng Yên Thành ở ngoài Cửa Bắc. Quyển 2: Khu phố Cửa Đông; Dọc hai bên
một con đê cũ; Khu vực Cửa Đông giáp bờ sông Hồng. Quyển 3: Khu phía Tây - Trung tâm Hà Nội cũ: Phần đất phía Đông -
Hồ Gươm - Tràng Tiền - Đồn Thủy; Phần đất phía Tây: khu vực Phủ Doãn – Vương
phủ; Phần phía Tây Nam: khu vực Hàng Cỏ - Đấu Xảo – Liên Thủy – Bảy Mẫu.
Sang tập 2 của bộ sách từ quyển 4 đến
quyển 6. Quyển 4: Khu vực Tây Nam Hà
Nội cũ: Ngoài cửa Tây Nam và Đông Nam thành cũ Hà Nội; Bên ngoài góc Tây Nam
thành cũ; Trên phần đất phía Tây tổng Yên Hòa; Tổng Hạ, một cửa ngõ phía Nam
của Hà Nội. Quyển 5: Khu vực Đông Nam
Hà Nội cũ: Trên phần đất phía Đông tổng Yên Hòa; Trên phần đất phía Bắc tổng
Thanh Nhàn; Trên phần đất Nam Thanh Nhàn – Đông Kim Liên; Vùng Mơ Sét. Quyển 6: Sông Hồng với Hà Nội; Ngoại
thành Hà Nội.
Sau 6 quyển thể hiện khá hoàn chỉnh, toàn
diện về tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, dư địa chí với nhân vật trung
tâm là con người – nửa là Tây chủ yếu là Pháp cùng Hoa kiều, Ấn kiều và nửa là
ta từ cuộc sống xã, phường bước ra hòa nhập vào cuộc sống đô thị thuộc địa thì phần
cuối cùng của bộ sách là phần Phụ lục với
các nội dung như: Về tên phố của Hà Nội; Phần chỉ dẫn tên các đường phố, làng,
xã Hà Nội thế kỷ XIX – XX qua những lần thay đổi...
Về kết cấu của bộ sách, theo tác giả cho
rằng địa chí về Hà Nội là một thành phố thì bắt đầu giới thiệu thành là đúng, rồi đến phố là hợp lý, phố đây là những đường
phố cổ của khu cửa Đông đã từ lâu đời gắn liền đời sống với thành. Cũng có thể
giới thiệu thành với cửa Tây trước và cửa Tây cùng với thành có quan hệ mật
thiết về mặt lịch sử hình thành của Hà Nội từ nguồn gốc xa xưa đến nay. Hà Nội
có thành và có lũy, Đại La là tiền thân của thành Thăng Long cũng như Thăng
Long với Hà Nội. Tìm lại cội nguồn là cần thiết. Hà Nội có nhiều khu vực, đi từ
Bắc xuống Nam,
từ Đông sang Tây, là cách ta vẫn thường làm. Hơn nữa, Hồ Tây mở đầu cho bộ sách
với những truyền thuyết xa xưa “nơi chôn rau cắt rốn” của Hà Nội, một bộ phận
mà suốt thời kỳ thành lập thành phố cho đến bây giờ và cả trong chương trình
quy hoạch Hà Nội mai sau, khu vực này sẽ là trung tâm của Thủ đô. Vậy nên tác
giả đã chọn thành và lũy cũ của Hà Nội để cho ra mắt độc giả trước.
Xét toàn diện thì Hà Nội mà tác giả trình
bày trong bộ sách là Hà Nội cũ tương đương với 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba
Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng), nó gần khắp về phạm vi địa lý với hai huyện Thọ
Xương và Vĩnh Thuận thời nhà Nguyễn và gần như trong địa giới Hà Nội thời Pháp
thuộc thêm một phần nhỏ của Đại lý Hoàn Long.
Trước sự phát triển và mở rộng của Hà Nội hôm nay, ta
sẽ thấy thấp thoáng đâu đây một Hà Nội cổ kính, duyên dáng, giản dị của thiên
nhiên và con người – với rất nhiều sông, hồ, đầm, ao và đền, đình, chùa, miếu
mạo cùng những con người thanh lịch, tinh tế vẫn còn đậm dấu ấn sau khi đọc bộ
sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của tác
giả Nguyễn Văn Uẩn. Hơn thế, sự ra mắt của cuốn sách vào đúng dịp Đại lễ Kỷ
niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội còn có ý nghĩa to lớn đáp ứng yêu cầu của
rất nhiều người Hà Nội và những người yêu mến Hà Nội tìm hiểu, tra cứu về Thủ
đô ngàn năm tuổi.