Mười năm từ “Dạo khắp phố phường” đến “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”
Không đi theo lối mòn của những nhà văn,
nhà nghiên cứu trước viết về Hà Nội, là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đã chọn
cách “học tập Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn
dùng kiến thức nhỏ mọn của mình, viết một quyển sử, sử của Hà Nội”. Nhưng ban
đầu ông cũng chỉ dự định viết chủ đề là Dạo các phố phường (phố đây là phố
phường Hà Nội cũ), chỉ định ghi lại những phố xá mà ông đã thấy. Để thực hiện ý tưởng ông đã bắt tay vào
việc đi săn tài liệu qua sách vở, các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia, Cục
Lưu trữ... Ông đã đọc liên tục, đọc mê mải, vừa đọc vừa ghi trong ba năm trời,
nhưng cũng không thể dựa trên tư liệu qua sách vở đó để viết lại mà dữ liệu
phải xác thực, có hồn ông lại tiếp tục đi điều tra thực địa cho chính xác, đối
chiếu các tài liệu cũ - mới. Ông
đã bộc bạch “Có sẵn tư liệu thì dễ viết,
dễ tả, nhưng ngòi bút của mình nhiều khi vẫn còn bị lưỡng lự trong việc nhận
định, đánh giá sự việc thế nào cho công bằng, cho có tính xác thực của khoa
học, dù sử học là một khoa học xã hội”. Để hoàn thành được bộ sách về địa
chí Hà Nội này, ông đã nhờ sự giúp đỡ và cộng tác của nhiều bạn bè, người thân,
bạn học và cả học sinh cũ. Ông đã hỏi chuyện trên 350 người và ghi được ngót 40
quyển vở những tư liệu rất tốt. Điều đáng trân trọng ở ông khi ông nghĩ rằng “Tất cả những bạn quen từ lâu hay mới quen
biết về sau, có người dù chỉ gặp một lần, tôi đều coi như “đồng tác giả” của bộ
sách tôi viết này”. Đó là tư duy, là suy nghĩ, là cách làm của một người
làm sử, làm khoa học, người dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp trồng người, cho Hà
Nội một tình yêu trọn vẹn.
Chỉ
tình yêu dành cho Hà Nội vẫn là chưa đủ bởi bản thân nó có một sức hút lạ kỳ,
thế nên khi cầm bút viết, ông đã tâm sự “như
thể người ta vẽ lại hình ảnh thân yêu, ghi lại tình cảm ở thời điểm không thể
phai nhạt, tôi không thể kìm lòng mình được, như thi sĩ làm một bài thơ, viết
thành một bộ sách địa phương chí, một bộ địa lí lịch sử thủ đô Hà Nội”. Chính
cái sự không kìm được lòng mình, kìm được bàn tay ấy, sau 10 năm (1975 – 1985)
lao động cần mẫn, từ ý nghĩ ban đầu chỉ “Dạo khắp phố phường” bộ sách Hà
Nội nửa đầu thế kỷ XX đã ra đời, một Hà Nội“... thời Tự Đức để lại (những năm thập niên 90 của thế kỷ XIX) và Hà
Nội của thời thực dân Pháp thống trị một nửa thế kỷ (từ năm 1895 - 1945), thời
kỳ mà Hà Nội chịu sự đổi lốt, quá trình không khỏi có những sự đau khổ, mất mát.
Song theo tôi nghĩ, còn có một mặt khác,
đó là giai đoạn đầy thử thách với người Hà Nội, với dân tộc ta vốn có tinh thần
quật cường, liên tục phải đấu tranh với những sức mạnh gian tà hung bạo lớn hơn
ta gấp bội. Cha ông ta thuở trước đã từng dựng nước, giữ nước gian lao; ta kế
tục truyền thống đó thế nào để vẫn tự hào mình là người Việt Nam, là người thủ
đô Hà Nội”.
Bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX
gồm 6 quyển, in trọn bộ 2 tập khổ 16x24, tái bản năm 2010 với dung lượng văn
bản trên 2000 trang. Địa chí Hà Nội trình bày trong bộ sách này là Hà Nội tương
đương với 4 quận nội thành, nó gần khắp về phạm vi địa lý với 2 huyện Thọ Xương
và Vĩnh Thuận thời Nguyễn và gần như địa giới Hà Nội thời Pháp thuộc… Theo ông,
chia Hà Nội ra làm 18 khu vực để trình bày, gần sát với những đơn vị hành chính
cũ trước năm 1895, ở mỗi khu vực, ông cố gắng đặt nó vào một bối cảnh địa lý và
lịch sử để tìm hiểu những điều kiện sinh hoạt kinh tế và văn hóa của nhân dân
trong khu vực đó, những yếu tố tác động đến nền nếp làm ăn sinh sống, đến những
biến thiên trong cả quá trình diễn biến suốt nửa đầu thế kỷ XX. Xét ở góc độ tư
liệu, có thể nói ít có được cuốn sách nào đã tái hiện diện mạo một đô thị mới
sau khi có sự du nhập của phương Tây – sự thay đổi hết sức cơ bản của một thành
phố thuộc địa nửa thế kỷ như cuốn sách Hà
Nội nửa đầu thế kỷ XX.
Tác phẩm Hà Nội
nửa đầu thế kỷ XX đoạt giải thưởng Thăng Long của UBND TP Hà Nội năm 1996,
giải sách Hay năm 2001 cuộc thi Sách hay sách đẹp do Bộ Văn hóa và Thông tin
trao tặng. Hơn thế, bộ sách còn là tài liệu quý dành cho những người say mê tìm
hiểu về lịch sử và địa chí vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.