Hương ước tục lệ Thăng Long – Hà Nội ngàn năm
Thăng Long – Hà Nội là vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử phát triển
hàng ngàn năm. Ngay từ những ngày đầu định cư lập nghiệp tại đây, cư dân ven
các vùng đồng bằng đã tập trung lại với nhau tạo nên những cộng đồng làng xã,
phường hội. Chính mối quan hệ lành mạnh giữa con người với con người đã tạo nên
những quy tắc sống tốt đẹp giữa các thành viên trong cộng đồng và với các tổ
chức làng xã. Những quy tắc ấy được hình thành trong lao động sản xuất thường
ngày, từ trong những tình cảm thương yêu đùm bọc, hàng xóm tối lửa tắt đèn có
nhau. Những quy tắc này không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để rồi tạo ra các
bản hương ước tục lệ và được cố định thành văn bản. Đây chính là những sợi dây
ràng buộc và giữ cho các cộng đồng dân cư Thăng Long - Hà Nội tồn tại và phát
triển qua các giai đoạn lịch sử. Vì vậy nghiên cứu hương ước tục lệ của các
cộng đồng dân cư Thăng Long – Hà Nội sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử hình
thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội từ những ngày đầu khởi dựng. Hướng
đến mục đích đó PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và cộng sự đã dày công sưu tầm nghiên cứu
để mang đến cho độc giả cuốn sách “Tư
liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tuyển tập hương ước tục lệ”.
Tác giả và nhóm biên soạn
đã dành nhiều công sức để phiên âm, dịch nghĩa và chú giải rất tường tận các
bản hương ước. Ngoài ra, sách còn có bảng phụ lục danh mục các bản Hương ước Hà
Nội tại Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm để bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu.
Với sự cẩn thận và tỉ mỉ
trong biên soạn, nhóm biên soạn đã mang đến cho độc giả một cái nhìn tổng thể
về sự hình thành, phát triển và tồn tại của hương ước tục lệ trong làng xã
Thăng Long từ ngàn xưa. Qua 57 bản hương ước của các làng xã bạn đọc sẽ biết
thêm những tên gọi khác nhau của hương ước, quy mô và lịch sử hình thành và
phát triển cũng như lý do của việc xây dựng hương ước tục lệ. Đặc biệt với việc
dịch và chú giải tỉ mỉ 57 bản hương ước, nhóm biên soạn đã phần nào đó mở một
con đường đi vào truyền thống văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Qua các bản hương
ước tục lệ chúng ta hiểu được sự hình thành và tồn tại của xã hội Thăng Long
trong lịch sử mà ở đó làng, xã, phường, giáp là đơn vị hành chính cơ bản nhất.
Để có thể tồn tại qua thăng trầm lịch sử, làng xã, phường, giáp đã hình thành
cho mình “bộ quy tắc ứng xử” giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa cá nhân
với cộng đồng; trong đó ghi rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân với cộng
đồng; những điều thưởng phạt và răn đe với những người vi phạm. Do vậy các làng
xã đều muốn xây dựng hương ước để điều chỉnh kỷ cương, giữ gìn thuần phong mỹ
tục của cộng đồng mình, ví như “Triều
đình có phép tắc để chấn chỉnh kỷ cương, làng xã có ước lệ để giữ gìn phong
tục. Cốt lõi của luân thường đạo lý là ở dân
làng. Dân làng có tục tốt trên dưới thuận hòa, anh em bạn bè gắn bó thân
thiết. Ở khắp mọi nơi dân chúng vui ca cày ruộng lấy thóc mà ăn, đào nước mà
uống, văn nghiệp ngày một rực rỡ, dân đinh ngày một đông đúc, của cải ngày càng
một dồi dào, cuộc sống hạnh phúc cơm no áo ấm, do vậy mọi người cùng muốn xây
dựng điều ước để giúp nếp sống thuần hậu hơn...” (Hương ước xã Phú Cốc
huyện Thường Tín); hay “Thường nghe triều
đình có quy chế thống nhất của triều đình, quy chế mà đúng mực thì làm việc gì
cũng tốt đẹp, làng xóm có quy định của làng xóm, quy định mà ngay ngắn thì mọi
người tuân theo. Nay toàn dân trong làng ta muốn tìm lại những phong tục thuần
hậu thời xưa và gạt bỏ nững thái tu thô bỉ, nên đã xem xét bố sung ra các điều
lệ”(Khoán lệ xã Hòa Tranh huyện Ứng Hòa). Đó cũng chính là mục đích chính
của việc lập ra hương ước mà các làng xã đặt ra.
Có thể nói “Tư
liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tuyển tập hương ước tục lệ” là công
trình hết sức công phu của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí và cộng sự. Trong một không
gian rộng lớn và có bề dày lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội thì việc
sưu tầm và tuyển chọn các bản hương ước có giá trị không phải là một công việc
dễ dàng. Điều đó cho thấy tâm huyết và tình yêu của các tác giả dành cho Thăng
Long - Hà Nội là không nhỏ. Nhưng điều mà nhóm biên soạn mong muốn gửi gắm đến
độc giả còn nhiều hơn thế, đó là một thông điệp cho thế hệ hôm nay trân trọng,
gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông. Đặc biệt, trong
xã hội hiện nay, việc duy trì, gìn giữ và phát huy các hương ước tục lệ sẽ góp
phần giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, ổn định trong cộng đồng dân cư hiện nay.