Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 28/02/2014 09:12
Phỏng vấn Giáo sư Phan Huy Lê về bộ sách "Lịch sử Thăng Long - Hà Nội", tác phẩm đoạt giải Vàng Sách Hay 2013
Thăng Long – Hà Nội, nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc, từ lâu đã giành được sự ưu ái, quantâm của rất nhiều thế hệ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực. Bằng tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với mảnh đất ngàn năm văn hiến, GS.NGND Phan Huy Lê cùng đội ngũ đông đảo các nhà khoa học đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn công trình “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”, nhằm tái hiện một bức tranh toàn diện và sinh động về lịch sử hào hùng nhưng cũng không ít thăng trầm của Thăng Long – Hà Nội. Với những giá trị to lớn về mặt nghiên cứu lịch sử, văn hóa - xã hội, bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” đã vinh dự được trao giải vàng Sách Hay và giải bạc Sách Đẹp tại cuộc thi “Sách Việt Nam” năm 2013 vừa qua.

 

Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê - tác giả bộ sách.    Ảnh: VC

1. Thưa Giáo sư, tính đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Xin Giáo sư cho biết  bộ sách "Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” do Giáo sư chủ biên được trao giải cao nhất sách hay lần này có gì khác biệt so với những công trình nghiên cứu trước đó?

Giáo sư Phan Huy Lê: Nói đến Thăng Long – Hà Nội là nói đến một trung tâm quyền lực, nói đến kinh thành, nói đến Thủ đô của một nước, đầu não và trái tim của một quốc gia dân tộc, chứ không phải một đơn vị hành chính bình thường. Đặc biệt, đó là một trung tâm văn hóa lớn và tiêu biểu, là nơi kết tinh và tỏa sáng các giá trị văn hóa của cả nước. Hơn nữa Thăng Long - Hà Nội lại một thủ đố rất hiếm có trên thế giới là giữ vai trò thủ đô gần như liên tục cả nghìn năm lịch sử cho đến ngày nay. Cho nên, bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” phải được trình bày trên một diện rộng về không gian tương ứng với địa giới hành chính nhưng đồng thời phải quy tụ và làm nổi bật được vai trò kinh thành, vai trò của trung tâm chính trị và văn hóa của cả đất nước. Đấy là điểm được nhấn mạnh trong quá trình xây dựng đề cương biên soạn bộ sách này.

Theo tôi, sự khác biệt làm nên giá trị của bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” so với những công trình nghiên cứu về Hà Nội trước đó tập trung ở hai phương diện.

Thứ nhất, nó cập nhật được tất cả những kết quả nghiên cứu mới nhất về Hà Nội. Phải nói là trong hai thập kỷ vừa qua, những kết quả nghiên cứu về Hà Nội đã đạt được rất nhiều thành tựu mới, dựa trên những nguồn tư liệu vô cùng quý giá bao gồm cả tư liệu trong nước và của nước ngoài. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của một nguồn tư liệu rất mới mẻ và có tính chất chân thực vào bậc nhất, đó là các tài liệu khảo cổ học. Có thể nói, chưa bao giờ mảnh đất Hà Nội lại được khai quật nhiều và trên một quy mô lớn như vậy, riêng khu Hoàng thành đã có tổng diện tích khai quật lên đến 30.000m2. Trên cơ sở những khai quật đó, lần đầu tiên chúng ta đã đưa ra khỏi lòng đất những di tích và di vật vô cùng quý giá, giúp chúng ta hình dung một cách rõ nét hơn về từng thời kỳ khác nhau của Thăng Long – Hà Nội trải dài suốt 1000 năm, chưa nói đến thời Tiền Thăng Long trước đó. Tôi lấy ví dụ về mặt kiến trúc cung đình, nếu không có khảo cổ học thì chúng ta không thể hình dung được kiến trúc cung điện thời Lý như thế nào và khác với thời Trần ra sao, móng trụ của kiến trúc gỗ thế nào, đồ “ngự dụng” của nhà vua và hoàng gia thế nào…Như vậy, bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” có may mắn là được biên soạn vào lúc mà công việc nghiên cứu về Hà Nội được đẩy mạnh và tập trung nhất từ trước đến nay, nên nó tổng hợp những thành tựu rất mới mà những công trình nghiên cứu trước đây chưa có được.

 Điểm khác biệt thứ hai là bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” cố gắng biên soạn theo một quan điểm mang tính hiện đại trên cơ sở phát triển của lịch sử xã hội và quan điểm về tính toàn bộ và toàn diện của lịch sử. Quan điểm này nhìn lịch sử Thăng Long – Hà Nội không phải chỉ là lịch sử chính trị, lịch sử của các vương triều hay bộ máy chính quyền, mà bên cạnh vai trò rất quan trọng của nhà nước, còn phải làm thế nào để phản ánh được đời sống của cộng đồng cư dân Thăng Long - Hà Nội, nhất là vai trò của các tầng lớp thị dân như thợ thủ công, thương nhân, vai trò của các phố, phường, bến cảng,... vốn là đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội mà các tỉnh thành khác không có hoặc chỉ có được phần nào… Cùng với các hoạt động kinh tế xã hội, phải chú ý tới đời sống văn hóa của cư dân, từ tôn giáo, tín ngưỡng đến những sinh hoạt bình dị của người dân. Đó chính là quan điểm lịch sử phải hướng tới con người nhiều hơn.

Tóm lại, đấy chính là hai nét đặc biệt nhất của bộ sách này so với những công trình nghiên cứu trước đây về lịch sử Hà Nội.

 2. Đây là công trình được triển khai từ năm 2005, biên soạn xong năm 2010 và xuất bản vào năm 2011, tức là khi Hà Nội đã có khá nhiều thay đổi về mặt địa giới... Vì thế, có lẽ độc giả cũng sẽ chú ý đến “tính thời sự” đó của tác phẩm này?

Giáo sư Phan Huy Lê: Đứng về nguyên lý của sử học thì khi nói về lịch sử của một vùng đất nào đó, bao giờ cũng phải xuất phát từ địa giới hôm nay. Bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” xuất bản năm 2011, tức là khi Hà Nội đã mở rộng địa giới bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, ở đây, tôi thấy cần phải nói ngay là bộ “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” này đã được đặt vấn đề từ năm 2005, đến năm 2007 thì hoàn thành đề cương và kế hoạch thực hiện. Tháng 8 năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới, khi đó, nhóm biên soạn chúng tôi cũng đã bàn bạc rất kỹ xem có tính đến yếu tố mở rộng đó trong bộ sử này hay không. Vấn đề đặt ra là nếu như để bộ sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì không thể kịp được, vì diện tích phần mở rộng còn lớn hơn cả diện tích vốn có của Hà Nội với những nội dung rất phong phú. Cho nên, bộ sách này vẫn được biên soạn trên không gian địa lý của Hà Nội trước khi mở rộng địa giới. Người dân Hà Nội ở vùng  mở rộng, khi đọc bộ sách này chắc chắn chưa thật thỏa mãn. Trong lời tựa của bộ sách, chúng tôi cũng đã nói về “món nợ” này đối với phần mở rộng của Hà Nội, hy vọng đến khi tái bản sẽ khắc phục được phần còn thiếu này.

 3. Thường đối với những bộ sách lớn, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thì việc “không đều tay” về kiến thức, về văn phong, về cách thể hiện… là khó tránh khỏi. Bộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” có lẽ cũng không phải là ngoại lệ. Vậy với vai trò chủ biên của bộ sách, Giáo sư đã xử lý vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Phan Huy Lê: Đây đúng là một trong những vất vả của tôi khi thực hiện bộ sách này. Có thể nói, không riêng gì bộ “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” mà bất cứ công trình khoa học nào có nhiều người tham gia thì đều phải đặt ra vấn đề làm sao vừa tôn trọng phong cách, cá tính của từng tác giả, vừa bảo đảm tính nhất quán của một công trình khoa học. Khoa học cần đặc biệt coi trọng cá tính và sáng tạo của mỗi người nên không thể thống nhất theo kiểu xóa bỏ đi cái riêng của từng người được. Người chủ biên cũng không thể viết lại toàn bộ tác phẩm trên cơ sở sự chuẩn bị của từng thành viên mà phải làm sao để giảm bớt sự khác biệt, tạo nên một sự nhất quán trong nội dung cơ bản, trong cấu trúc và trình bày nghĩa là một sự thống nhất tương đối trên những phương diện cơ bản. Muốn thực hiện được điều đó thì trước hết phải thống nhất trong đề cương viết của tác phẩm. Đề cương của bộ “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” đã được chúng tôi xây dựng rất công phu, thậm chí làm đi làm lại nhiều lần. Mỗi chương trong tác phẩm cũng phải có một đề cương riêng, rồi trên cơ sở các đề cương riêng, chúng tôi lại phải thống nhất lần nữa và tổng hợp lại thành một đề cương chung. Cũng phải thừa nhận, trong sách mỗi chương có một phong cách khác nhau của từng tác giả mà ai đọc kỹ đều nhận ra. Theo tôi đấy là điều tất nhiên của một công trình do nhiều tác giả cùng tham gia. Vấn đề căn bản là sự khác biệt và đa dạng về phong cách đó không dẫn đến sự thiếu nhất quán và mâu thuẫn trong nội dung và trình bày.

Có một việc nữa mà chủ biên phải kiên quyết làm. Đó là mỗi một chương viết có phân ranh giới rõ ràng của từng thời kì, giai đoạn nhưng do thói quen, ai cũng muốn có mở đầu trước khi viết vào phần của mình, nên “lấn” sang cả chương trước đó, rồi đoạn cuối cũng có khi nhích sang phần sau... Đối với những trường hợp như vậy thì để tránh sự trùng lặp, không có cách nào khác hơn là chủ biên phải kiên quyết cắt bỏ. Và phải nói là tôi đã “cắt” không thương tiếc những phần trùng lặp như vậy. Cũng cần phải nói thêm là tham gia vào cuốn sách này, ngoài những người trực tiếp viết chịu trách nhiệm cho từng chương còn có cả những người tham gia gián tiếp, tức là họ không trực tiếp biên soạn mà được “đặt hàng” nghiên cứu một chuyên đề, rồi từ đó lọc ra một số kết quả nghiên cứu, những ý hay, có khi chỉ lọc ra độ dăm bảy dòng hay một vài trang thôi. Tôi lấy ví dụ như tôi đặt cả một chuyên đề về tiếng nói Hà Nội, về quá trình hình thành tiếng nói Hà Nội? Để phân tích được điều này thì chúng tôi phải mời một chuyên gia về ngôn ngữ học viết cả một chuyên đề, nhưng cuối cùng chỉ đưa vào sách một đoạn rất ngắn thôi và ghi chú rõ người tham gia đó.

4. Xưa nay, có nhiều bộ sách lịch sử hết sức có giá trị, nhưng do tính hàn lâm, tính chuyên biệt về chuyên môn cao nên đối tượng khai thác những tác phẩm ấy thường không rộng lắm. Giáo sư và các nhà khoa học tham gia thực hiện bộ sách này có tính đến vấn đề đó không, để đông đảo độc giả có thể dễ dàng tiếp cận bộ sách, qua đó tăng thêm sự hiểu biết của họ về Thủ đô ngàn năm văn hiến?

Giáo sư Phan Huy Lê: Điều đó cũng đã nằm trong chủ trương ngay từ đầu của nhóm tác giả biên soạn. Theo đó, tác phẩm phải đạt hai yêu cầu, một mặt là phải đảm bảo yêu cầu khoa học cao nghĩa là phải cập nhật và tổng hợp được các kết quả nghiên cứu mới nhất, phải đạt độ tin cậy về mặt khoa học, nhưng mặt khác phải trình bày như thế nào đó để mọi người với trình độ văn hóa phổ thông đều có thể đọc và hiểu được. Kết hợp được hai yêu cầu này quả thật không dễ, nhưng ngay trong chủ trương biên soạn bộ sử, chúng tôi đã nêu lên như mục tiêu phấn đấu. Hơn nữa cùng với bộ lịch sử hai tập này, Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến còn có chủ trương tiến tới biên soạn một bộ Lịch sử Thăng Long - Hà Nội giản lược chỉ khoảng bốn năm trăm mang tính phổ cập với nội dung chọn lọc và cách viết hấp dẫn để có thể đến với mọi người dân thủ đô và cả nước. Tôi rất hoan nghênh chủ trương đó và hi vọng sẽ sớm trở thành hiện thực.

 5. Ở khía cạnh xuất bản, Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của Nhà xuất bản Hà Nội trong việc cho ra đời bộ sách này?

Giáo sư Phan Huy Lê: Phải nói ngay là chúng tôi rất cảm ơn Nhà xuất bản Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho bộ sách này. Đây cũng là một trong những đầu sách được Nhà xuất bản coi là trọng tâm bởi tầm quan trọng và giá trị lịch sử-văn hóa-xã hội của nó. Biên tập viên của Nhà xuất bản Hà Nội đã làm công việc biên tập rất công phu, cẩn trọng và tỉ mỉ ròng rã  bốn, năm tháng trời, không chỉ để thống nhất trong biên tập mà còn giúp chúng tôi phát hiện ra một số chỗ chưa thực sự hợp lý hay  chính xác để kịp thời chỉnh sửa.  

 6. Được biết bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” này là một trong những đầu sách “đinh” nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của Nhà xuất bản Hà Nội. Là một trong những nhà khoa học tham gia xây dựng Tủ sách từ những ngày đầu, đồng thời cũng là một người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Giáo sư có đánh giá như thế nào về giá trị của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến trong đời sống văn hóa - xã hội của Thủ đô?

Giáo sư Phan Huy Lê: Có thể nói, Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến là một sáng kiến rất hay, được giới khoa học rất hoan nghênh và tham gia tích cực. Thăng Long-Hà Nội qua bề dày lịch sử và văn hóa để lại một di sản cực kỳ đồ sộ với nội dung vô cùng phong phú, kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa của cả dân tộc. Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long-Hà Nội là cơ hội để nghiên cứu, khai thác di sản đó vừa để nâng cao nhận thức và niềm tự hào, vừa để phục vụ sự nghiệp xây dựng thủ đô trong hiện tại và tương lai. Hơn nữa, Thăng Long-Hà Nội là trung tâm trí tuệ của cả nước và hiện nay đang hội tụ một đội ngũ các trí thức, các nhà văn hóa, khoa học đông nhất của cả nước. Đấy là vị thế đặc biệt của Hà Nội và tôi rất mừng là các nhà lãnh đạo, quản lý Hà Nội đã sớm nhận ra tầm quan trọng này, đã ủng hộ sáng kiến xây dựng Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến, đưa vào kế hoạch kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và giao cho Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức thực hiện.

Tôi cũng đã từng chia sẻ với nhiều người rằng, không khí tưng bừng kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội rồi cũng sẽ qua đi, nhưng cái còn lại lâu dài, có thể nói là vĩnh viễn chính là Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến này. Đó là sản phẩm lao động sáng tạo với tất cả tình yêu và trách nhiệm của giới khoa học và văn nghệ sĩ, những người may mắn sống trong dịp kỉ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Đó là những công trình sưu tập tư liệu, khai thác và hệ thống hóa nhiều nguồn tư liệu từ sách Hán Nôm, văn bia, địa bạ, các tư liệu lưu trữ trong nước cho đến những tư liệu liên quan trong thư tịch cổ của Trung Quốc, tư liệu của người nước ngoài...Đó là những công trình nghiên cứu đầy chất trí tuệ với nhiều tìm tòi, khám phá về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội. Đó là những sáng tác về thơ ca, nghệ thuật ngợi ca những giá trị và vẽ đẹp của Thăng Long-Hà Nội... Ban đầu, việc xây dựng tủ sách cũng rất vất vả, vì thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của cả giới khoa học và văn nghệ sĩ sống trên đất thủ đô và những người yêu Thăng Long - Hà Nội ở một số tỉnh, thành phố khác, bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu của mình, nên kết quả là hơn 100 đầu sách đã được xuất bản. Sản phẩm của Tủ sách đã đến với người dân Hà Nội và qua kế hoạch phân phối về các thư viện, đã lan rộng đến hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài hệ thống phân phối, tôi mong sản phẩm của tủ sách này được bán rộng rãi hơn trên thị trường sách báo để mọi người có thể tìm mua một cách dễ dàng. Nhiều người, kể cả khách nước ngoài thường hỏi tôi, họ đã nghe tin về tủ sách này nhưng không biết mua ở đâu vì không tìm thấy hoặc chỉ tìm thấy rất ít trên các cửa hành sách.



Bộ sách gồm 2 tập, nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
.     Ảnh: VC


 7. Và Giáo sư hy vọng như thế nào về việc bộ sử “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” nói riêng và Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến nói chung của Nhà xuất bản Hà Nội sẽ phát huy ý nghĩa của nó vào việc xây dựng Thủ đô trong những năm tới?

 Giáo sư Phan Huy Lê: Bộ Lịch sử Thăng Long - Hà Nội cũng như Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến muốn phát huy hết ý nghĩa và tác dụng của nó thì trước hết nó phải đến với con người, đi vào cuộc sống xã hội. Từ đó, kết quả nghiên cứu và sáng tác mới thấm được vào nhận thức và tình cảm con người, góp phân nâng cao hiểu biết, tạo nên niềm tin, đề cao trách nhiệm của người dân sống trên mảnh đất nghìn năm văn hiến này trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô. Về phương diện này, những giá trị lịch sử văn hóa, những di sản và truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội mỗi khi được đánh thức và thấm vào lòng người thì trở thành một nội lực to lớn, một sức mạnh phi thường trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Một phương diện thứ hai không kém phần quan trong là những kết quả nghiên cứu về quá khứ của Thăng Long - Hà Nội cung cấp nhiều luận chứng khoa học, nhiều kinh nghiệm phong phú, kể cả bài học thành công và thất bại, cho những nhà lãnh đạo và quản lý thủ đô tham khảo trong hoạch định chiến lược xây dựng và bảo vệ Hà Nội, trong xây dựng qui hoạch phát triển thủ đô cũng như trong xử lý một cách có căn cứ khoa học, có sức thuyết phục những vấn đề liên quan đến lịch và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Lịch sử không bao giờ lặp lại và cũng không ai có thể làm lại lịch sử, nhưng lịch sử để lại những kinh nghiệm và bài học vô cùng quý báu để con người không lặp lại sai lầm của quá khứ và biết khai thác, phát huy những kinh nghiệm thành công của hôm qua để phục vụ cuộc sống hôm nay và ngày mai.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc phỏng vấn này.

 

 

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)