Bởi lâu nay, người ta đều biết, bằng cấp là một tấm vé
để vào làm các cơ quan nhà nước, nhất thiết phải có theo quy định. Nhưng
chính vì thế, lại xuất hiện bằng cấp, chứng chỉ giả để bán cho những
người yếu kém về trình độ, năng lực nhưng có tiền, có quan hệ… để luồn
lọt, chạy chỗ vào cơ quan nhà nước, hòng tìm một công việc yên thân.
Nhưng câu nói của ông Phạm Vũ Luận cũng có thể mở
rộng ra một chút. Bằng cấp giả không chỉ vào được cơ quan nhà nước mà
còn có thể vào được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp
nhà nước. Câu nói đầy đủ của ông tại cuộc họp: “Thực tế những người có
bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ
thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư
nhân” cũng cho thấy điều đó. Người ta cũng có thể hiểu ngay ý ông nói: ở
các doanh nghiệp, cơ sở làm việc của tư nhân, vì lợi ích sát sườn của
họ, không đời nào các ông chủ doanh nghiệp tư lại chỉ coi trọng bằng cấp
để tuyển dụng nhân sự.
Thông thường, ở các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân, khi
tuyển người, vẫn có yêu cầu sao, lưu bằng cấp để xem người đó được đào
tạo chuyên ngành gì nhưng mặt khác, chủ các doanh nghiệp tư nhân sẽ kiểm
tra, thử việc rất kỹ ứng viên xem họ có làm được theo trình độ đó
không. Thậm chí, bằng thật, chứng chỉ thật nhưng làm kém vẫn không tuyển
dụng. Bằng cấp, chứng chỉ ghi trình độ trung bình, hay yếu nhưng thực
tế làm tốt thì vẫn tuyển dụng. Thậm chí, có những nơi, không coi trọng
bằng cấp, nếu thực tế anh là bằng trung cấp nhưng làm tốt hơn người có
bằng đại học thì người ta vẫn trọng dụng người có bằng cấp thấp hơn,
thậm chí không phải không có cơ sở tư nhân, có những người không có bằng
cấp mà làm tốt vẫn được tuyển.
Ai cũng hiểu câu chuyện thực tế này nhưng điều bất ngờ
là nó được nói ra từ chính miệng ông bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo.
Với câu nói này, người ta chờ đợi xem ông cùng với những người có trách
nhiệm ở các bộ, ngành khác, đặc biệt là bộ Nội vụ, nơi soạn thảo, ban
hành các chính sách, quy định về thi tuyển, tuyển dụng cán bộ, công chức
nhà nước sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng quá coi trọng về hình thức
bằng cấp, chứng chỉ mà thiếu kiểm tra thực tế thực học, trình độ của
người được tuyển dụng như hiện nay. Bằng giả, chứng chỉ giả tràn lan đã
là một chuyện, bằng thật, chứng chỉ thật nhưng học giả (kiểu như thuê
người đi học, học qua loa, trốn học nhiều…) cũng không phải là hiếm.
Không
phải ai cũng nói ra được sự thật như bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi
Quang Vinh, làm được điều gì đó để thay đổi hiện trạng, bất chấp nguy cơ
chính mình sẽ “không còn gì để mất”.
|
Trước bộ trưởng Phạm Vũ Luận, người ta thấy, đâu đó cũng có những bộ
trưởng nói ra những điều, ngẫm ra rất thẳng, rất thật. Tại kỳ họp Quốc
hội khoá XIII cuối năm trước, và mới đây ở một cuộc họp của uỷ ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư
Bùi Quang Vinh cũng nói ra những điều gây sốc cho dư luận. Nói về sự
lãng phí trong đầu tư công, tình trạng đầu tư lãng phí, dàn trải… ông
nói: “Trung ương phân bổ thế nào, địa phương chạy chọt thế nào, tôi biết
hết”; “Nhiều chủ tịch tỉnh chỉ thích hoành tráng”… Nhưng cùng với những
câu nói ấy, ông cũng có những việc làm cụ thể để làm thay đổi tình hình
như việc soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký chỉ thị 1792/CT-TTg,
được coi như là “cứu cánh cho nguy cơ vỡ nợ của Việt Nam”. Nhưng việc
soạn chỉ thị này, theo ông Vinh đã là một “cuộc chiến” trong bộ Kế hoạch
và đầu tư. “Có vụ trưởng nói với tôi, anh làm thế có khác gì lấy đá ghè
chân mình”, ông Vinh nói với đại biểu Quốc hội. Ông cũng đã từng
nói:“Tôi nói rằng đất nước này cần công khai minh bạch và không được có
tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này “chết” nhanh
chóng nhất. Công việc này vô cùng khó khăn, động chạm đến rất nhiều
người vì làm họ mất rất nhiều quyền. Nhưng phải làm, nếu Quốc hội, Chính
phủ bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi, tôi cũng vui vẻ vì không có gì để mất”,
ông Vinh nói.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng có một
vài lời nói thẳng về tình trạng chất lượng xây dựng các công trình giao
thông, tiến độ xây dựng chậm… và ông cũng đã có những việc làm cụ thể
như cách chức, thay thế, điều chuyển ngay một số người lãnh đạo các đơn
vị trong ngành, dưới quyền ông, để thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng
thi công một số công trình giao thông lớn.
Đã có một số bộ trưởng nói những điều mà dư luận gọi
là “nói thẳng”. Cũng không phải bộ trưởng nào nhận ra, nói ra được
sự thật cũng làm được những việc để thay đổi thực trạng, thay đổi những
sự thật màu xám trong ngành mình, lĩnh vực mình và cả những lĩnh vực
khác. Như bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bà có nói ra nhưng cũng
chưa thấy bà làm được gì nhiều để thay đổi tình trạng bệnh viện công quá
tải, y đức xuống cấp… Còn có bộ trưởng, không phải không hiểu chuyện
nhưng khi làm lại khiến tình hình tệ thêm. Như bộ trưởng bộ Xây dựng
Trịnh Đình Dũng không phải không am hiểu thực tế về xây dựng, mua bán
các căn hộ chung cư hiện nay nhưng bộ này vẫn ban hành thông tư
16/2010/TT-BXD có những quy định trái luật Nhà ở và bộ luật Dân sự, gây
khổ sở, thiệt hại cho người dân mua chung cư… và chỉ có lợi cho một số
tổ chức, cá nhân mà trong phiên họp ngày 25.2 của uỷ ban Pháp luật,
phần lớn đại biểu đã chất vấn mà ông đã không có câu trả lời thoả đáng.
Không phải ai cũng nói ra được như bộ trưởng Kế hoạch
và đầu tư Bùi Quang Vinh, làm được điều gì đó để thay đổi hiện trạng,
bất chấp nguy cơ chính mình sẽ “không còn gì để mất”. Nhưng dù sao,
người dân vẫn đang chờ đợi, sẽ có nhiều hơn những lời nói thật, nói
thẳng của các bộ trưởng và có nhiều việc làm thiết thực hơn để thay
đổi, làm biến chuyển những thực tế không mấy tốt đẹp trong từng ngành,
từng lĩnh vực: y tế, giáo dục, đầu tư công, giao thông… hiện nay.
(Theo sgtt.vn)