Phật ở tầng áp mái hay một phần lịch sử về phụ nữ không thể bị lãng quên
Việc này tạo ra một làn sóng di cư của giới nữ vào những năm đầu của
thế kỷ XX. Những cô gái trẻ Nhật lên tàu sang Mỹ, chịu đựng nỗi nhớ nhà,
những cơn say sóng trong suốt những ngày dài lênh đênh để rồi khi tàu
cập cảng của miền đất hứa, tất cả những gì họ thấy là những dấu hiệu đầu
tiên của sự vỡ mộng.
“Chúng tôi đâu ngờ rằng những bức ảnh được gửi sang Nhật cho chúng
tôi là ảnh mà họ chụp từ hai mươi năm trước. Chúng tôi đâu biết rằng
những bức thư mà chúng tôi nhận được không phải do chính tay chồng chúng
tôi viết mà là thư được viết bởi những kẻ viết thuê, những kẻ coi việc
trải ra trên giấy những lời dối trá để chiếm trái tim yếu mềm là nghề
kiếm sống của mình.”
Phật ở tầng áp mái là 1 trong 4 tác phẩm văn học lọt vào chung khảo giải National Book Award ( Giải sách quốc gia Mỹ) năm 2011.
Giấc mộng hạnh phúc của họ vỡ ngay trong đêm đầu tiên gần gũi với
chồng: “Họ chiếm đoạt chúng tôi một cách thô bạo, bằng nắm đấm, khi
chúng tôi cưỡng lại họ.” Nhưng ở nơi đất khách họ chẳng biết bấu víu vào
ai nên đối với họ chồng là tất cả.
Vì chồng của họ không phải là các luật sư, các chủ ngân hàng, những
người giàu có như bà lời bà mối và các bức thư đã nói, mà chỉ là những
người lao động chân tay, làm thuê nay đây mai đó nên họ cũng bị đẩy vào
cuộc mưu sinh gian khó. “Nhiều người trong số chúng tôi chỉ ba ngày sau
khi đặt chân lên đất Mỹ đã lúi húi bên các chậu giặt, lặng lẽ giặt đồ
thuê...Nếu như trong thư gửi cho chúng tôi họ nói sự thật thì chúng tôi
đã chẳng bao giờ đưa chân đến đất Mỹ để làm những việc mà không một
người Mỹ có lòng tự trọng nào thèm làm.”
Mặc dù được đánh giá cao nhờ tính chăm chỉ, sức chịu đựng, tinh thần
kỷ luật và được coi là loại người ưu tú nhất dành cho lao động mà người
Mỹ có thể thuê được, ở xứ người những phụ nữ Nhật vẫn phải chịu sự xa
lánh vì sự khác biệt chủng tộc. “Người Mỹ không muốn chúng tôi làm hàng
xóm ở thung lũng của họ... Bất cứ khi nào chúng tôi đi qua những đường
phố rộng và sạch của người Mỹ chúng tôi cũng đều cố gắng để mình không
bị chú ý. Chúng tôi cố mặc giống người Mỹ. Chúng tôi cố bước đi giống
người Mỹ. ..Chúng tôi biến mình thành nhỏ bé hoặc vô hình trước mắt họ.
Tuy nhiên chúng tôi vẫn cảm thấy họ không được thoải mái lắm.”
Khó chịu đựng hơn cả sự là nỗi nhớ quê hương và cảm giác “chết” về
mặt tinh thần nơi đất khách. “Chúng tôi xếp những bộ kimono lại và không
bao giờ giở chúng ra mặc nữa. Chúng tôi quên Đức Phật. Chúng tôi quên
Chúa. Sự lạnh lẽo phát triển trong con người chúng tôi, bám chặt lấy tâm
hồn chúng tôi cho đến tận bây giờ vẫn chưa tan. Chúng tôi sợ rằng tâm
hồn mình đã chết.”
Sự vỡ mộng của những phụ nữ Nhật lên đến đỉnh điểm khi chiến tranh
chống phát xít Nhật xảy ra. Trước những tin đồn về sự phản bội, sự an
toàn tại các cộng đồng người Nhật ở Mỹ bị đe dọa. Những cánh đồng sắp
cho thu hoạch bị đốt cháy rụi trong đêm, những tin đồn về các vụ bắt bớ
lan ra, những người đàn ông biến mất một cách bí ẩn. Một người biến mất,
vài người biến mất rồi cả một cộng đồng biến mất. Họ đi đâu không ai
biết. Chỉ biết rằng những ngôi nhà của họ đã trở thành nhà bị bỏ hoang.
Chuyện về họ trên đất Mỹ khép lại bằng những câu văn gây ám ảnh và day
dứt: “Nhưng bà Harada không còn ở đây với chúng tôi nữa, và những người
Nhật khác cũng đi rồi…và có lẽ chúng tôi sẽ không còn gặp lại họ trên
cõi đời này nữa.”
Phật ở tầng áp mái không phải là một tác phẩm về tôn giáo nhưng độc
giả có thể liên tưởng đến những triết lý Phật giáo sâu xa. Không cuốn
người đọc vào cảm giác bi lụy, chán chường, trái lại câu chuyện khiến
chúng ta nhìn nhận sự thật của lịch sử bằng con mắt trung thực, đánh
thức những xúc cảm giàu tính nhân văn. Người đọc có thể thấy tinh thần
Nhật Bản, tính cách Nhật Bản toát lên qua những phận người, ngoan cường
và gian khổ.
Riêng với bạn đọc của Việt Nam, Phật ở tầng áp mái chứa đựng thông
điệp cảnh tỉnh về giấc mộng lấy chồng ngoại giàu sang, phút chốc đổi đời
của nhiều người phụ nữ. Dù câu chuyện của về thân phận các cô gái Nhật
đã xảy ra cách đây gần 10 thập kỷ và dù là tiểu thuyết văn học, bài học
lịch sử mà nó chứa đựng vẫn còn nguyên giá trị. Nó khiến bạn đọc liên
tưởng đến hàng chục nghìn cô gái Việt Nam trong những năm gần đây chấp
nhận lấy chồng ngoại quốc thông qua mối lái hơn là vì tình yêu.
Sự nghèo khó và tình trạng thiếu việc làm đã khiến nhiều cô gái chấp
nhận đi làm dâu xứ người. Giống như những cô gái Nhật mà tác giả Julia
Otsuka đã kể, họ cũng ôm một giấc mộng về một tương lai no ấm và hạnh
phúc. Nhưng bao nhiêu người trong số họ thực sự tìm thấy hạnh phúc? Liệu
câu chuyện xuất ngoại đau buồn ấy có phải là một phần lịch sử đất nước
thời mở cửa mà chúng ta không được phép quên hay không?
Tiểu thuyết Phật ở tầng áp mái
Tác giả: Julia Otsuka
Số trang: 191
Tác phẩm đã giành giải thưởng Pen/Faulkner năm 2012, là 1
trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2011 do tờ Library Journal( Chuyên san
thư viện) của Mỹ bình chọn.
Một trong những cuốn sách tổng thống Mỹ Obama đã chọn trong chuyến đi
hiệu sách của ông vào cuối tháng 12 vừa qua( theo The New York Times)
Sách do NXB Phụ Nữ phát hành tháng 1/2014
(Theo suckhoedoisong.vn)