Họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội”
“Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội” là một đề tài mới trong mảng sách Địa lý của
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Đề tài này có mục đích là xây dựng một chuyên khảo về dân cư và di cư ở
Thăng Long - Hà Nội. Sự hình thành cộng đồng dân cư Hà Nội - ở vị thế là kinh
kì, rồi Thủ đô của nước Việt Nam hiện đại - có những nét đặc thù, để lại các
dấu ấn sâu sắc về nhân khẩu - tộc người, về văn hóa, kinh tế - xã hội. Vì thế,
nghiên cứu di cư, không chỉ như quá trình dân số, mà còn như một quá trình kinh
tế - xã hội đa diện và phức tạp có ý nghĩa lớn để nhận diện Thủ đô thời hiện
đại.
GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức -
Chủ biên đề tài báo cáo về đề cương chi tiết.
Hội đồng nghiệm thu cùng Chủ đầu tư nhấn mạnh
tính cần thiết của việc biên soạn đề tài này, không chỉ có ý nghĩa đối với việc
làm sáng tỏ một phương diện của lịch sử Thăng Long - Hà Nội mà còn có tính thời
sự, có ý nghĩa đặc biệt đối với việc quản lý xã hội hiện nay của Thủ đô. Cũng
như đối với đề tài “Địa lý Hà Nội”, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao đề
cương chi tiết đề tài. Sự công phu, tính logic, khoa học của bản đề cương cho
thấy khả năng chuyên môn, trách nhiệm, tâm huyết của tập thể tác giả với chủ
biên là GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức. Đó cũng là một trong những lí do để có thể tin
tưởng và kỳ vọng vào chất lượng của công trình khi được biên soạn, xuất bản.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc -
Trưởng ban TVCM sách Địa lý - thành viên Hội đồng nghiệm thu
phát biểu ý kiến
nhận xét.
Theo đánh giá của Hội
đồng nghiệm thu, nội dung cuốn sách chia làm 3 phần đề cập đầy đủ những nội dung cơ bản nhất
của “Dân cư và di dân ở Thăng Long - Hà Nội”, như: Dân cư, quần cư và di cư. Các phần và chương mục của đề cương logic, chặt chẽ
và khá đầy đủ, gắn kết quá trình di cư với quá trình phát triển kinh tế xã hội
của thành phố Hà Nội và các lãnh thổ lân cận, đồng thời phản ánh được tính địa
lý của công trình. Tuy vậy, về mặt bố cục vẫn cần có một số điều chỉnh thay đổi
để vẫn đảm bảo được những nội dung lớn của đề tài và tránh được sự trùng lặp,
chồng chéo về mặt nội dung giữa các chương, phần. Ngoài ra nhóm biên soạn cũng
cần phải lưu ý làm rõ và bổ sung một số nội dung cần thiết như: quần cư đô thị,
vấn đề gia đình Hà Nội; xu hướng biến đổi dân cư, các dòng di cư quốc tế; đánh giá vai trò của dân số, phân bố quần cư và di
dân đối với phát triển của thành phố Hà Nội; dự báo xu thế thay đổi dân cư… Ngoài ra Hội đồng cũng đề xuất nên lựa chọn một tên
gọi ngắn gọn và súc tích hơn. Vấn đề này trong quá trình biên soạn tập thể tác
giả và Chủ đầu tư sẽ tiếp tục cân nhắc để lựa chọn nhan đề phù hợp với nội dung
công trình.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng
Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội phát biểu ý kiến
“Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội” là một đề tài mới
và cần thiết đồng thời cũng là một công trình khó, phức tạp. Bởi lẽ trước đây chưa có công trình chuyên khảo đầy đủ về dân
cư và di cư ở Thăng Long - Hà Nội. Những tài liệu về địa lí dân cư, kinh tế -
xã hội còn tản mạn, đặc biệt các nghiên cứu về di cư trên địa bàn Hà Nội còn
rất mỏng. Việc hồi cứu các tài liệu này là việc làm rất công phu, đồng thời
cũng cần có các xử lí phù hợp và dày công từ cơ sở dữ liệu của các cuộc Tổng
điều tra dân số và các cuộc điều tra điền dã. Hội đồng nghiệm thu và chủ đầu tư
thống nhất đề nghị chủ biên cần có dự báo xu thế phát triển dân cư trong tương
lai, cũng như đề xuất các giải pháp về việc khai thác nguồn nhân lực, quản lý
dân cư. Công trình khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa rất lớn, không chỉ phục vụ bạn
đọc muốn tìm hiểu sâu hơn về Thủ đô Hà Nội, mà đặc biệt còn là tài liệu tin cậy
cho các nhà nghiên cứu về dân cư và di cư ở Thăng Long - Hà Nội, các nhà hoạch
định chính sách, góp phần giải quyết một trong những vấn đề thời sự, cấp thiết
nhất của Thủ đô hiện nay.
Nhà xuất bản Hà Nội