Nhà xuất bản Hà Nội: Du xuân đầu năm Giáp Ngọ - 2014 tìm hiểu để làm tốt công tác xuất bản.
Trong Chương trình công tác năm 2014, Công Đoàn Nhà xuất bản Hà Nội được sự chỉ đạo của Chi ủy cơ quan đã tổ chức chương trình du xuân đầu năm Giáp Ngọ tại Chùa Mía, Làng cổ Đường Lâm, Đền Và, Chùa Tây Phương. Đây là một trong những hoạt động thực tế, thiết thực hướng đến kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Hà Nội (24/11/1979 - 24/11/2014).

Đình tổng thờ Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng)
Tại Làng cổ Đường Lâm, Đoàn Nhà xuất bản Hà Nội đã đến thăm Đình Phùng Hưng, Đền Ngô Quyền, Lăng Ngô Quyền, Chùa Mía, Đình Mông Phụ, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, nhà cổ ở Đường Lâm. Cán bộ, biên tập viên được chiêm ngưỡng những di tích, phong cảnh và tìm hiểu về lịch sử từng địa danh của Sơn Tây với nhiều thông tin bổ ích, lý thú, thiết thực cho công việc chuyên môn xuất bản.
.JPG)
Lăng thờ Ngô Quyền
Có thể thấy, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, xã Đường Lâm còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, nổi tiếng. Hiện tại có 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Trong đó có di chỉ khảo cổ Bến Mả (Văn Miếu) thuộc thời đại Đá mới và các di tích thờ các vị anh hùng dân tộc với 7 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, những di tích nổi tiếng như đình thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh…



Đoàn NXB Hà Nội thăm quan Nhà cổ Đường Lâm (gia đình ông Thể Tiến)
Làng cổ Đường Lâm mang giá trị đặc trưng của một làng Việt Cổ ở vùng châu thổ sông Hồng. So với phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An được xem là “Bảo tàng lối sống đô thị” thì làng cổ Đường Lâm là “Bảo tàng lối sống nông nghiệp”. Không gian văn hóa làng cổ ở Đường Lâm hợp thành những công trình sở hữu chung của cộng đồng như đình, chùa, đền miếu, nhà thờ họ, các ngôi nhà cổ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên ở vùng đồi gò thấp bán sơn địa.
Ngoài những công trình kiến trúc nghệ thuật như chùa Mía, đình Mông Phụ (thế kỷ XVIII) cùng các ngôi đình, miếu, nhà thờ dòng họ trong xã, chúng tôi còn biết thêm về làng cổ ở Đường Lâm, là nơi giữ được khoảng 300 ngôi nhà cổ mang đặc trưng nhà ở dân gian vùng châu thổ sông Hồng. Đó là những ngôi nhà tiêu biểu về kiến trúc, vật liệu gỗ, đá ong, lợp ngói ri… với ngoại thất và nội thất còn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc ban đầu. Được tham quan thực tế, đoàn chúng tôi thấy hầu hết các nhà ở Đường Lâm đều có cổng, tường rào, sân, vườn, bình phong, nhà chính, nhà phụ, bếp, khu chăn nuôi… rất quen thuộc mà đây đó còn không nhiều tại các làng xã trong tỉnh.
Chùa Mía(tên chữ:Sùng Nghiêm tự) là một ngôi chùa ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Chùa Mía là một điểm văn hóa tâm linh, là một nốt nhấn trong khu di tích Quốc gia làng Việt cổ Đường Lâm. Trong số hàng chục di tích nổi tiếng ở Đường Lâm, có lẽ chùa Mía là di tích cổ nhất, đẹp nhất, tạo ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khách thập phương. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam.

Đoàn NXB Hà Nội thăm quan chùa Mía - Làng cổ Đường Lâm
Đền Và nằm ở cách thị xã Sơn Tây chừng 2km, thuộc thôn Vân Gia – xã Trung Hưng, toạ lạc trên một ngọn đồi thấp, bao quanh bởi một con luỹ rêu phong. Quanh khu đồi ấy, tương truyền là một rừng lim cổ thụ, đến giờ vẫn còn những cây cao vút với đám rễ cổ quái nhô lên cả mặt đất. Đền thờ đức thánh Tản – Sơn Tinh – vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt (Thánh Tản Viên, Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử).
Điểm đến cuối cùng trong lịch trình, chúng tôi dừng chân tại Chùa Tây Phương. Chùa Tây Phương (hay còn gọi là Sùng Phúc tự) nằm trên ngọn núi Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.Từ chân núi, đi qua 239 bậc lát đá ong là đến cổng chùa. Trước mắt hiện ra ba nếp nhà song song gồm bái dường, chính diện và hậu cung. Xung quang diềm mái của ba toà đều trạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn. Đầu mái nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng được trạm trổ rất tinh tế. Mỗi nếp có hai tầng mái, tường xây hoàn toàn bằng gạch nung đỏ để trần. 72 pho tượng cùng các phù điêu có mặt ở khắp nơi trong chùa. Nhiều pho tượng được tạc cao lớn như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp. Theo tài liệu để lại, chúng tôi được biết phần lớn các tượng này đều có niên đại cuối thế kỷ XVIII. Một số khác được tạc vào giữa thế kỷ XIX. Chùa đã được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1962.
Chùa Tây Phương.
Thăm quan từng địa danh cụ thể, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, lĩnh hội những kiến thức lịch sử của những di tích, danh thắng nổi tiếng của thị xã Sơn Tây, đoàn thăm quan còn thưởng thức những sản vật như chè lam, bánh tẻ, kẹo lạc… đặc sản của làng quê mà đoàn đến tìm hiểu, và mua những món quà lưu niệm về cho người thân, bạn bè và gia đình. Kết thúc chuyến thăm quan thực tế tại Sơn Tây, với những kết quả thu lượm được, mọi người đều phấn khởi, tươi vui thể hiện qua gương mặt rạng rỡ, ai cũng có được những kiến thức bổ ích, những món quà và những bức ảnh lưu niệm đẹp, ý nghĩa.
Trong chuyến thăm quan thực tế này, đoàn viên Công đoàn Nhà xuất bản Hà Nội đã gắn kết, cởi mở, chia sẻ tình cảm và hiểu nhau hơn. Năm 2014 với những hoạt động thi đua thực tế, thiết thực hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Nhà xuất bản Hà Nội với mục tiêu lập nhiều thành tích chào mừng những sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô, Nhà xuất bản Hà Nội sẽ gặt hái được nhiều thành công mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để giữ vững danh hiệu “Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc”,Đơn vị Lao động xuất sắc được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng bằng khen.