
GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức -
Chủ biên đề tài.
Cuốn sách “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội” sẽ được thực hiện trong 2 năm với số trang bản thảo là 250 trang, khổ 16 x 24 cm. Cuốn sách dự kiến có bố cục gồm 3 phần:
Phần I. Về dân cư Thăng Long – Hà Nội.
Phần này sẽ sử dụng các tài liệu từ địa lý lịch sử, phác hoạ sự hình
thành cộng đồng dân cư, dân tộc ở vùng Hà Nội. Từ các kết quả Tổng điều
tra dân số 1989 và Tổng điều tra dân số và nhà ở 1999, 2009, phân tích
các quá trình nhân khẩu học diễn ra trên vùng Hà Nội trong khoảng từ
giữa thập kỷ 1980 đến những năm gần đây. Phân tích những đặc thù về cơ
cấu dân số (cả về mặt sinh học, các phương diện xã hội – nghề nghiệp)
được làm nổi bật gắn với các hiện tượng di cư vào Hà Nội, do sức hút của
Thủ đô - Thành phố lớn thứ 2 của cả nước. Bên cạnh đó sẽ lý giải những
khác biệt về không gian giữa nội thành và ngoại thành, giữa phần tả ngạn
và hữu ngạn sông Hồng. Nội dung phân bố dân cư là chương cuối phần I để
tạo sự kết nối với phần II.
Phần II. Về các dạng quần cư ở Hà Nội.
Đối với quần cư nông thôn sẽ tập trung phân tích các hình thái quần cư,
các kiểu quần cư nông thôn (làng) có liên quan đến các đặc điểm địa lý,
tập quán cư trú, hoạt động sản xuất… Các làng cổ là phần sẽ được chú
trọng. Những biến đổi của không gian nông thôn trong những thập kỷ gần
đây do ảnh hưởng của đô thị hóa và công nghiệp hóa.
Đối
với khu vực đô thị: quá trình đô thị hóa là một nội dung quan trọng.
Quá trình đô thị hóa tăng tốc trong những năm gần đây và xu hướng trong
những năm tới sẽ được phân tích, đồng thời đánh giá và so sánh các sự
thay đổi cấu trúc không gian đô thị với sự thay đổi phân bố dân cư trong
nội thành và các vùng ngoại thành liền kề gắn liền với công nghiệp hóa,
quy hoạch đô thị và sự thay đổi trong chính sách quản lý đô thị.
Phần III. Di cư.
Phần này phân tích những đặc điểm của di cư ở đất Thăng Long – Hà Nội
đến cuối thế kỷ XIX; Di cư Hà Nội (cả chuyển đến và chuyển đi), từ sau
khi đất nước thống nhất cho đến nay; những đặc điểm của luồng di cư (di
cư nội tỉnh, di cư liên tỉnh, di cư nông thôn – thành thị…) và tính chọn
lọc của di cư được phân tích, từ đó chỉ ra mối quan hệ với chính sách
quản lý. Ngoài đặc điểm riêng của Hà Nội phần này sẽ phân tích và chỉ ra
những đặc điểm có tính quy luật chung.

GS. TS. Trương Quang Hải chủ trì cuộc họp.
Hội
đồng nghiệm thu đề cương dưới sự chủ trì của GS. TS. Trương Quang Hải,
các thành viên Hội đồng là các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học
trong lĩnh vực dân cư, địa lý, Ban Quản lý dự án Nhà xuất bản Hà Nội.
Hội đồng khẳng định đây là cuốn sách công phu, phản ánh đầy đủ các vấn
đề dân cư và di dân của Hà Nội, đề cương được xây dựng đầy đủ, chi tiết,
có chất lượng. Tập thể tác giả là những chuyên gia, nhà khoa học đầu
ngành có chuyên môn sâu nên đề tài triển khai rất khả thi. Hội đồng đề
nghị tác giả cần xem xét lại tên sách để toát lên được đầy đủ nội dung,
có tính khái quát, tổng hợp nhất. Hội đồng đề xuất tên sách “Dân cư
Thăng Long – Hà Nội”. Ngoài ra, Hội đồng đề nghị tác giả bổ sung một số
nội dung cụ thể về xu hướng biến đổi cơ cấu dân cư, các dòng di cư quốc
tế, phân tích so sánh Hà Nội với các thành phố khác và với thủ đô các
nước, dự báo biến động dân cư, đặc biệt quan tâm đến vấn đề gia đình Hà
Nội, phân ra các giai đoạn quá trình di dân, tụ cư ở Hà Nội, bổ sung một
số biểu đồ, sơ đồ, bản đồ về địa lý dân cư, dự báo xu hướng và đề xuất
giải pháp, sắp xếp lại bố cục cho logic hơn, cân nhắc những nội dung cần
phân tích sâu, khái quát để thấy được rõ đặc trưng dân cư Hà Nội.
Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Hà Nội Nguyễn Kim Sơn – Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu tại cuộc họp.
Tổng
Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Hà Nội Nguyễn Kim Sơn – Trưởng ban Quản lý
Dự án thay mặt chủ đầu tư cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học đã
góp ý cho đề tài và khẳng định, đánh giá cao sự tâm huyết của tập thể
tác giả với một đề tài khó đưa ra đầy đủ những vấn đề về dân cư Thăng
Long – Hà Nội 1000 năm. Ông Sơn cũng đồng ý với ý kiến thành viên Hội
đồng xem xét lại tên sách “Dân cư Thăng Long – Hà Nội”. Theo ông, đối
tượng thụ hưởng cuốn sách là các nhà nghiên cứu và đông đảo độc giả muốn
tìm hiểu về dân cư Thăng Long – Hà Nội do đó những nội dung đưa ra
trong cuốn sách phải lựa chọn những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất
dân cư Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt những biến động khi chưa sát nhập
và sau năm 2008, dự báo về di cư, di dân đô thị để cảnh báo và đề xuất
những giải pháp quản lý phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã
hội.

Quang cảnh tại buổi nghiệm thu.
Tập
thể tác giả tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng, bổ sung làm rõ những
nội dung về quần cư đô thị cần nhấn mạnh, xu hướng biến đổi cơ cấu dân
cư, các dòng di cư quốc tế, phân tích so sánh Hà Nội với các thành phố
khác của Việt Nam và với thủ đô một số nước, dự báo biến động dân cư,
đặc biệt quan tâm đến vấn đề gia đình Hà Nội, phân ra các giai đoạn quá
trình di dân, tụ cư ở Hà Nội, bổ sung một số biểu đồ, sơ đồ, bản đồ về
địa lý dân cư. Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí nghiệm thu đề cương chi
tiết đề tài “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội”
và hy vọng với đề cương được xây dựng chi tiết, công phu có tính khả
thi cao là cơ sở hình thành cuốn sách có chất lượng cao hướng đến phục
vụ đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn về Thủ đô Hà Nội, và đồng thời
sẽ là tài liệu cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà
nghiên cứu tham khảo về dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội.