6 bài học kinh nghiệm trong triển khai công tác dân tộc
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc (Nghị quyết), công tác dân tộc và chính sách dân tộc đã có những chuyển biến tích cực, đã tích lũy được những kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
 |
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc. |
Sáng 29/7, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện
Nghị quyết. Các đồng chí: Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Phó
Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà
Thị Khiết đồng chủ trì Hội nghị.
Một số bài học kinh nghiệm qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết
Thứ nhất,
cấp uỷ, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hoá Nghị quyết
thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, đồng
bộ và thống nhất. Trong quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân
cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban
ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Thứ hai,
thường xuyên quan tâm tới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động
đồng bào, nắm chắc diễn biến tâm tư tình cảm của đồng bào, phát huy dân
chủ cơ sở, giải quyết tốt những bức xúc của đồng bào, nêu cao ý thức tự
lực, tự cường và tạo lập niềm tin cho đồng bào.
Thứ ba,
để giải quyết cơ bản vấn đề đói nghèo, các địa phương cần quan tâm làm
tốt công tác quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, thực hiện phát triển sản
xuất bền vững. Lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, xây
dựng các mô hình về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.
Thứ tư,
các Bộ, ngành cần phối kết hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép chính sách
trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Cần bổ sung, sửa đổi kịp thời một
số chính sách, kiên quyết xoá bỏ các chính sách kém hiệu quả hoặc các
chính sách trùng lặp giữa các Bộ, ngành.
Thứ năm,
coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Xây
dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của những người có uy tín
trong cộng đồng dân tộc thiểu số như già làng, trưởng thôn, bản, trưởng
dòng họ.
Thứ sáu,
tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên phát
triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo
việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Hà Nội Mới