Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 08/03/2014 09:21
Quà 8/3 cho các bà nội trợ
Hiếm có dịp nào hình ảnh những người phụ nữ xưa và nay với sự tảo tần, chịu thương, chịu khó được khắc họa rõ nét như trong triển lãm ảnh "Chuyện của chợ" đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây vừa là dịp tôn vinh phái đẹp vừa là món quà độc đáo mà người làm triển lãm dành tặng các bà nội trợ.
Tái hiện Kinh kỳ Kẻ chợ

"Chuyện của chợ" chia sẻ về ký ức của chợ xưa, thực trạng của chợ nay và mong muốn chợ trong tương lai thông qua những bức ảnh, tư liệu, tiếng nói đa dạng của người dân, đặc biệt là người phụ nữ Việt - những người gắn bó với việc bán mua ở chợ. Với lịch sử hình thành và văn hóa đặc sắc vốn có, Hà Nội xưa còn có tên là Kẻ chợ. Chợ tồn tại, phát triển và biến đổi cùng nhịp sống thành phố. Nếu như phần "Chợ xưa" tái hiện những hoạt động văn hóa của những khu chợ nổi tiếng đất Hà thành như chợ Bưởi, Cửa Nam, Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ…, thì phần "Chợ nay" lại nói về sự thay đổi theo thời gian của các khu chợ truyền thống ấy. Nhiều siêu thị hiện đại được xây dựng, một số chợ được nâng cấp thành trung tâm thương mại, có chợ bị "xóa sổ" hoàn toàn như chợ Hàng Bè, chợ Âm Phủ… Và phần "Tương lai" vẫn là những ẩn số về việc quy hoạch chợ trong sự phát triển không ngừng nghỉ của các đô thị. Nhưng, dẫu chợ "ngàn năm văn hiến" chỉ còn trong ký ức, thì nó vẫn hiển hiện như một phần của lịch sử, văn hóa Hà Nội.

Người dân và du khách tham quan triển lãm. Ảnh: Phương Hoa
Người dân và du khách tham quan triển lãm. Ảnh: Phương Hoa
 
Không chỉ tái hiện Kinh kỳ Kẻ chợ, một không gian chợ quê với quán lá, sạp tre, ghế gỗ, cùng những mặt hàng đặc trưng từ nhiều vùng quê Bắc Bộ tại sân Bảo tàng Phụ nữ như món quà đặc biệt dành tặng các bà nội trợ. Nông sản có gạo, khoai, đỗ, lạc, rau xanh; hàng khô có chè, măng khô, miến dong, tương Nam Đàn; đồ ăn có bánh nhãn, bánh chưng, bánh tẻ... Với 40 mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cùng những cô bán hàng quần đen, áo nâu khiến nhiều phụ nữ luống tuổi rưng rưng hồi tưởng ký ức chợ xưa. Bà Đỗ Thị Tú, phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Không gian chợ tuy nhỏ nhưng lại gợi cho tôi nhiều kỷ niệm thời trẻ còn gồng gánh lạc khô bán ở chợ quê huyện Phú Xuyên cách đây 40 năm. Bởi lẽ, chợ là linh hồn của mỗi vùng quê. Đó không chỉ là nơi kinh doanh, buôn bán mà còn là nơi người ta có thể chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, cả những câu chuyện gia đình… mà các siêu thị hiện nay không thể mang đến. Tôi nghĩ hình thức triển lãm này nên được tổ chức thường xuyên hơn để người dân hiểu thêm về đời sống phụ nữ và người nông dân hiện nay".

Sớm hôm tảo tần

Với cả phần tĩnh và phần động, "Chuyện của chợ" khắc họa rõ nét hình ảnh người phụ nữ Việt xưa và nay với bao tảo tần, chịu thương chịu khó. Phụ nữ thời xưa khi ra chợ thường cắp theo một chiếc rổ, rá hoặc thúng nhỏ bằng tre để khi mua hàng thì bỏ vào đó mang về. Nếu hôm nào mua nhiều đồ, nặng quá thì đội lên đầu, một tay giữ thúng, tay còn lại đánh nhẹ theo mỗi nhịp bước…

Xã hội nhiều đổi thay, người phụ nữ bây giờ, đặc biệt là phụ nữ Thủ đô bận rộn hơn xưa. Sau giờ tan ca, họ tất bật với việc nội trợ, mà trong đó, nhiều người cho rằng đi chợ là công việc khó khăn và quan trọng bậc nhất. Chị Lê Thị Liên, phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Mỗi lần đi chợ tôi đều loay hoay, ra đến chợ rồi nhiều khi không biết mua gì, còn khi trong đầu đã nhắm được thứ hàng phải mua lại phải đi xem hàng nào bán loại thực phẩm đó vừa ngon, sạch và rẻ. Đó là chưa kể nhiều khi mua thiếu đồ hoặc không ưng ý. Nói thật là đi chợ cũng lắm nỗi nhọc nhằn". Người mua thì khó chọn đồ, còn người bán lại tất bật từ sáng sớm đến khuya. Chị Nguyễn Hương Lan (Bắc Ninh), chủ cửa hàng bán chè lam ngũ vị ở Chợ quê cho biết: "Muốn có những gói chè lam thơm ngon, tôi thường phải làm từ đêm hôm trước vì phải mất khoảng 3 - 4 giờ mới làm được một mẻ". Trong khi đó, những người bán rau, củ, quả muốn có hàng tươi, ngon phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng đi chợ đầu mối hoặc các nhà vườn để gom hàng.

Để lo cho gia đình, tất cả các bà nội trợ xưa và nay luôn cống hiến hết sức mình. Hy vọng "Chuyện của chợ" với những tư liệu nhằm tôn vinh phái đẹp cùng nhiều mặt hàng tươi, ngon, sạch là món quà ý nghĩa cho phụ nữ Hà Nội trong ngày 8/3 năm nay.



(Theo ktdt.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)