Trường học rầm rập chống cúm với vôi bột, công văn
 |
Nhiều HS bị "niêm phong" trong vùng bị dịch cúm tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VNN |
Nhận được công văn của
Phòng GD-ĐT quận Ba Đình từ sáng 28/7, Trường Tiểu học Thành Công A lập
tức lên phương án thực hiện do trường hoạt động trong điều kiện bán
trú.
Đầu tiên, trường kiểm tra nguồn thực phẩm, kiểm tra sức khỏe những người đứng bếp.
Đồng thời, gửi thông báo
đến từng phụ huynh. Nếu thấy HS ốm, sốt lập tức phải cho nghỉ học để
không ảnh hưởng đến tập thể nhà trường.
Theo Hiệu trưởng Trương
Thị Minh Hoài, vẫn phải duy trì bán trú vì phụ huynh sẽ gặp khó khăn
khi đưa đón con đi học. Nhưng khi bệnh dịch lan rộng thì lập tức cho
dừng bán trú ngay để tránh lây lan.
Thuận lợi đối với các
trường học là hiện nay vẫn trong thời gian HS nghỉ hè. Do đó, để đối
phó với dịch bệnh này, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa (Hà
Nội) đã chuẩn bị 6 tạ vôi bột rắc xung quanh trường, Hiệu trưởng Nguyễn
Hải Khoát cho biết.
Ngày 1/8 sẽ tập trung
toàn trường để sinh hoạt trước khi vào năm học nên sẽ tuyên truyền đến
HS và gia đình. Đặc biệt, trường cũng chưa tổ chức tập trung học bán
trú.
"Trước mắt, với hơn
2.000 HS, chỉ có cách lưu ý những HS bị ốm, sốt để phòng chống. Còn để
đo thân nhiệt HS cả trường thì không đủ nhân lực", ông Khoát cho biết
thêm.
Chưa có văn bản thành
lập ban chỉ đạo, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) đã chỉ đạo y tế nhà
trường chuẩn bị tài liệu thông tin cho học sinh. Hiện tại, trường chưa
phổ biến được vì chưa tập trung HS.
Rất lo lắng trước đại
dịch này, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình
cho biết, trường đã xây dựng kế hoạch phòng chống bằng cách tuyên
truyền về giữ gìn vệ sinh.
"Đi học về, việc đầu
tiên là rửa tay, rửa mặt", Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Thăng Long (Hà
Nội) nói rõ. "Em cũng đã được dặn, nếu phát hiện bạn hắt hơi, sổ mũi
thì nhắc nhở và lưu ý đến những triệu chứng của bệnh".
Ráo riết phòng dịch
Đồng Nai là địa phương
có học sinh ở khu vực Xuân Lộc, Cẩm Mỹ tiếp xúc với người nước ngoài bị
"dính" cúm A/H1N1 và đã được cách ly.
Ông Lê Minh Hoàng - Giám
đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai - cho biết: trong 1-2 ngày tới sẽ có chỉ thị của
UBND tỉnh về việc phòng chống dịch cúm này.
Ông Phạm Đình Chương,
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT cũng cho biết thêm: "Chúng tôi đang làm rất
ráo riết. Ngay chiều 27/7, đã gửi đi 2 công văn chỉ đạo về việc phòng
ngừa, phát hiện, đồng thời hướng dẫn cách xử lý nếu xảy ra nhiễm cúm".
Ngày 28/7, Sở tiếp tục
gửi văn bản hướng dẫn việc thực hiện phòng, chống dịch cúm theo tinh
thần công văn của Bộ GD-ĐT. 55 trường cấp 3 và 11 phòng giáo dục, các
đơn vị trực thuộc sẽ nhận được công văn này và triển khai xuống cơ sở -
ông Chương nói.
Chưa nhận được thông tin
có HS từ TP.HCM về Bà Rịa - Vũng Tàu bị nhiễm cúm, chưa thành lập ban
chỉ đạo nhưng ông Phan Châu Phi - Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin: Sở đang
triển khai làm tờ rơi để gửi xuống các cơ sở giáo dục.
Theo ông Phi, từ nay đến
này 10/8, ngày tựu trường sẽ triển khai chỉ đạo công văn của Sở đến các
cơ sở giáo dục trực thuộc. Đầu tháng 8, sẽ đi kiểm tra trường học. Trên
cơ sở công văn của Bộ, Sở sẽ ra văn bản hướng dẫn.
Từ ngày 24/7, Sở GD-ĐT Hà Nội đã gửi công văn tới các Phòng GD-ĐT, các trường để phòng chống dịch cúm A/H1N1 như theo dõi biểu hiện của dịch bệnh xuất hiện, phát tán trong nhà trường.
Lập đường dây nóng, đo thân nhiệt cho học sinh
Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Bộ
GD-ĐT) cho biết như vậy về các giải pháp phối hợp phòng chống dịch cúm
A/H1N1 trong nhà trường.
"Chủ đề khai giảng của năm học này khá đặc biệt. Đó là, mỗi học sinh, giáo viên, mỗi nhà trường phải trang bị kiến thức tự bảo vệ bản thân và cho cộng đồng để phòng chống cúm A/H1N1"
- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết như vậy
tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010 diễn ra tại Đà
Nẵng cuối tuần qua.
Ngày 24/7, trong phiên họp trực tuyến, Phó Thủ tướng đã yêu cầu:
Trước ngày 28/7, Bộ Y tế hoàn thành các tài liệu hướng dẫn về phòng,
chống dịch, đưa lên mạng của Bộ để 41.000 trường học trên toàn quốc có
thể tải về sử dụng. Những kinh nghiệm, bài học và cách thức ứng phó với
tình trạng lây lan dịch bệnh trong trường học của TP.HCM cũng phải được
đúc kết thành văn bản để các trường học tham khảo, học tập khi cần
thiết.
Ngoài ra, 2 Bộ Y tế và Giáo dục phải nhanh chóng soạn thảo tài liệu
hướng dẫn cho học sinh, sinh viên nhằm trang bị cho các em những kiến
thức cần thiết để có ý thức và tự biết kiểm tra tình trạng sức khỏe của
mình, biết cách phòng chống lây lan trong cộng đồng khi mình có biểu
hiện mắc bệnh.
Tài liệu này phải đến được từng học sinh, sinh viên và các nhà
trường cần có hình thức kiểm tra, phổ biến ngay trong ngày, tuần đi học
đầu tiên. |
Theo Vietnamnet