Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 10/03/2014 04:57
Nữ cán bộ công nhân viên, biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội thăm quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Chiều ngày 7 tháng 3 năm 2014, Ban Nữ công - Công đoàn Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức cho cán bộ nữ thăm quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2014).

Trong Chương trình kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ban Nữ công - Công đoàn Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức cho toàn thể cán bộ nữ Nhà xuất bản Hà Nội thăm quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là một hoạt động sinh hoạt chuyên môn thực tế trong chương trình công tác của Ban nữ công – Nhà xuất bản Hà Nội năm 2014 để ôn lại những truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam nhằm nâng cao tinh thần lao động, phấn đấu và khơi dậy, phát huy trí tuệ của phụ nữ Nhà xuất bản Hà Nội góp phần xây dựng và khẳng định vị thế của Nhà xuất bản Hà Nội - Nhà xuất bản của Thủ đô Hà Nội.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) là một bảo tàng Giới với chức năng nghiên cứu, lưu giữ, bảo quản, trưng bày những di sản vật thể, phi vật thể về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam; đồng thời là trung tâm giao lưu văn hóa của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế vì mục tiêu Bình đẳng, Phát triển và Hoà Bình.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu năm chuyên đề:

+ Phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam

+ Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc

+ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ

+ Nét văn hoá của phụ nữ Việt Nam qua những sản phẩm thủ công truyền thống

+ Trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam.

Khi bước vào tầng 1, Đoàn cán bộ nữ Nhà xuất bản Hà Nội đã có ấn tượng đầu tiên với bức tượng dát vàng thể hiện vẻ đẹp khỏe khoắn của người phụ nữ Việt Nam mang tên “Mẹ Việt Nam” do nghệ sĩ Nguyễn Phú Cường thiết kế đạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tạo tượng do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 1995. Tại đây, đoàn thăm quan các quầy hàng lưu niệm và chọn cho mình những món quà mang đậm hình ảnh, dấu ấn của người phụ nữ Việt.

Nữ cán bộ công nhân viên Nhà xuất bản Hà Nội chụp ảnh kỉ niệm tại
bức tượng "Mẹ Việt Nam"

Khi bước lên tầng 2, khách thăm quan được ngắm những hiện vật đầu tiên  trưng bày tại bảo tàng. Đây là không gian tập trung trưng bày theo chủ đề phụ nữ trong gia đình, tìm hiểu những câu chuyện về người con gái Việt Nam từ lúc trưởng thành đến khi kết hôn và bước vào cuộc sống của người vợ, người mẹ trong gia đình: hôn nhân, sinh đẻ và cuộc sống gia đình. Xem chuyên đề gia đình mọi người được chiêm ngưỡng những hiện vật từng gắn liền với cuộc sống người phụ nữ Việt Nam như công cụ làm việc, đồ trang sức và nhiều hiện vật có niên đại từ thời trống đồng Đông Sơn.




Trọng tâm ở tầng thứ ba là những hình ảnh, ghi chép về các nhân vật phụ nữ có công trong lịch sử. Ngoài ra có rất nhiều hiện vật từ cái máy tính thời xưa, chiếc áo chấn thủ, bi đông, hòm gỗ cũ cho tới chiếc mũ tai bèo cùng đôi dép cao xu… Theo cảm nghĩ của khách thăm quan, đây là không gian được nhiều khách thăm quan yêu thích, chúng tôi được tận mắt nhìn những hiện vật đã được sử dụng trong đời sống của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ mang giá trị truyền thống lớn lao cùng dấu ấn thời gian lịch sử.

Khác với tầng 3, không gian tầng 4 của Bảo tàng được trưng bày rất nhiều loại trang phục độc đáo khác nhau của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam trong suốt chặng đường dài lịch sử, chị em tham quan cảm nhận được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam khi diện trên mình những bộ trang phục truyền thống.




Trong dịp này, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra Triển lãm “Chuyện của chợ”, tái hiện không gian văn hóa chợ xưa của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là những chia sẻ về ký ức của chợ xưa, thực trạng chợ nay và mong muốn về chợ trong tương lai thông qua những bức ảnh tư liệu, tiếng nói đa dạng nhiều chiều của người dân, những kẻ mua người bán với 3 nội dung: Chợ xưa, Chợ nay và Tương lai.

Thăm quan triển lãm này, chúng tôi cảm nhận được sự biến đổi của chợ hiện nay do yêu cầu quy hoạch thành phố hay chợ phát triển thành trung tâm thương mại. Với sự phát triển kinh tế xã hội, sự thay đổi thói quen mua bán của người dân cùng nhiều nguyên nhân khác đã góp phần biến đổi chợ và xu hướng đó vẫn đang tiếp diễn.

Bên cạnh triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương (TYM) giới thiệu “Chợ quê” với hơn 40 mặt hàng thông dụng, thiết yếu với cuộc sống hằng ngày như rau củ quả, hàng khô, hàng thủ công mỹ nghệ và những món quà quê mộc mạc… là những sản phẩm nông sản sạch, an toàn được các thành viên quỹ TYM mang đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước. “Chợ quê” không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, đặc sắc, tin cậy, mà còn tạo cơ hội kết nối thị trường, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Qua chuyến thăm quan thực tế, cán bộ, công nhân viên, biên tập viên nữ Nhà xuất bản đã thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích phục vụ công tác chuyên môn xuất bản, đồng thời hiểu thêm về nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam, thấy được trách nhiệm và vai trò, vị thế của mình trong gia đình, xã hội để cân bằng cuộc sống, lao động, phấn đấu, ngày càng phát huy hơn nữa, tham gia tích cực, hiệu quả trong công tác xuất bản của Thủ đô xứng đáng với truyền thống vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam. 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)