Tới
tham dự chương trình Giao lưu chung tay khắc phục hậu quả bom, mìn sau
chiến tranh diễn ra tại Nhà hát Lớn ở thủ đô Hà Nội, có nguyên Tổng Bí
thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền;
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng đại diện
các bộ, ban ngành, đại diện ngoại giao, tổ chức phi chính phủ tại Việt
Nam. Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của các nhân chứng chịu những
tai nạn thương tâm do bom, mìn và những con người đang cần mẫn, đối mặt
với “tử thần” làm công việc tìm lại màu xanh và sự yên bình, để đất nước
Việt Nam ngày càng bớt đi những hậu quả do bom, mìn sót lại sau chiến
tranh. Chương trình do Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động
quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Chương trình 504)
và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.
 |
Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh dự chương
trình giao lưu chủ đề "Thông điệp xanh từ lòng đất Việt Nam" tại Nhà hát
Lớn (Hà Nội) |
Tại
cuộc giao lưu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân đã cảm ơn sự hỗ trợ, ủng hộ quý báu của cộng đồng quốc
tế dành cho Việt Nam trong công tác khắc phục bom, mìn. Đồng chí bày tỏ
sự xúc động vì chiến tranh đã qua lâu mà vẫn có những chiến sĩ Quân đội
nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn phải hy sinh vì sự bình
yên của Tổ quốc. Đồng chí cho biết, có nhiều đơn vị đã cam kết vận động
quyên góp để đảm bảo tất cả các thân nhân của những liệt sĩ đã hy sinh
vì bom, mìn sẽ có một ngôi nhà chắc chắn. Bằng cả tiếng Việt và tiếng
Anh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân xúc động chân thành cảm ơn sự chia sẻ,
thấu hiểu và hỗ trợ Việt Nam của bạn bè quốc tế, mong nhận được sự hỗ
trợ, sẻ chia nhiều hơn nữa để chung tay khắc phục hậu quả bom, mìn ở
Việt Nam.
Day dứt một mỗi đau
Đến
từ Quảng Trị, nơi có mức độ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ cao nhất cả nước,
cô giáo Nguyễn Thị Thái Hòa mang tới câu chuyện cảm động về những nạn
nhân trẻ em, những em nhỏ ngây thơ đang học cách nhận biết bom, mìn còn
sót lại sau chiến tranh tại một lớp học đặc biệt. Câu chuyện về 3 học
sinh của cô trên đường đi học về vì nghịch một quả bom mà các em ngỡ như
một thứ “đồ chơi” mới lạ, làm 2 em thiệt mạng, còn 1 em bị thương, là
nỗi day dứt, ám ảnh mãi trong cô. Cô giáo Thái Hòa chia sẻ: “Hình ảnh em
học sinh sống sót đến trường bằng đôi chân tập tễnh vì không có phương
tiện đi lại cứ diễn ra hằng ngày, không biết sẽ ám ảnh tôi tới khi nào”.
Nó thôi thúc cô cùng các đồng nghiệp tích cực tham gia dự án hướng dẫn
các học sinh nhận biết bom, mìn và vật liệu nổ nhằm tránh cho các em
khỏi những tai nạn thương tâm.
Đoạn
phóng sự cho thấy, ở những lớp học đặc biệt ấy, thay vì mang tới cho
các em câu chuyện cổ tích đẹp đẽ, người ta buộc phải mang đến cho các em
những giấc mơ kinh hoàng qua những hình ảnh thương tâm của các nạn nhân
bom, mìn. Cô giáo Thái Hòa không có mong ước gì hơn là những vùng đất ô
nhiễm bom, mìn nhanh chóng được dọn sạch để các em được đến trường học
tập và vui chơi an toàn. Cô cũng mong lắm những em nhỏ thiệt thòi ở miền
Trung nhận được sự chia sẻ nhiều hơn nữa từ cộng đồng để bù đắp phần
nào những mất mát và thiệt thòi trong cuộc sống. Câu chuyện của cô giáo
Thái Hòa cùng con số 31% trong số những nạn nhân thiệt mạng vì bom, mìn
là trẻ em sẽ còn khiến mọi người day dứt mãi với câu hỏi: “Tại sao lại
có nhiều nạn nhân là trẻ em như vậy?”.
Những
thước phim tư liệu “Những chấm xanh” của đạo diễn quân đội Phạm Huyên
giới thiệu hình ảnh đôi vợ chồng già vốn là những người lính kiên cường
chiến đấu chống kẻ thù năm xưa, nay lại đang kiên cường đấu tranh với
hiểm nguy ở “vùng đất chết”, khai hoang, trồng trọt ngay giữa một bãi
mìn còn sót lại sau chiến tranh. Còn nhiều những chân dung như thế ở dải
đất đạn bom cày xới, đang ngày đêm cải tạo đất hoang, thu dọn bom, mìn,
có cựu chiến binh cải tạo được hơn 100ha đất, trồng hơn 100ha rừng…
chính là những “chấm xanh” tạo nên màu xanh của vùng đất Quảng Trị ngày
hôm nay.
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Thái
Hoà Trường Tiểu học Hồng Trung , huyện A lưới , tỉnh Thừa Thiên Huế kể
lại những kỷ niệm đau buồn khi các học trò của mình bị bom, mìn cướp mất
sinh mạng |
Chiến tranh “chưa kết thúc”
Những
con số lạnh lùng, những con người dũng cảm đang đương đầu với cuộc
chiến chống lại bom, mìn, hồi sinh “những vùng đất chết” được giới thiệu
tại cuộc giao lưu, giúp giải thích vì sao một cựu binh Mỹ khi quay lại
chiến trường Quảng Trị đã phải thừa nhận rằng: “Đối với người Mỹ, chiến
tranh đã đi qua rất lâu, nhưng đối với Việt Nam, chiến tranh còn lâu mới
kết thúc”. Chiến tranh ở đây được hiểu theo nghĩa của bom, đạn còn sót
lại sau chiến tranh vẫn đe dọa cuộc sống yên bình của người dân Việt
Nam.
Theo
ước tính, với số lượng bom, mìn, vật nổ còn sót lại trong chiến tranh
nhiều như hiện nay và với tốc độ rà phá như bây giờ, phải mất 3 thế kỷ
nữa, Việt Nam mới hết ô nhiễm bom, mìn. Kinh phí cho việc này cần đến 10
tỷ đô-la. Tại cuộc giao lưu, câu chuyện của những người đang trực tiếp
làm công tác rà phá bom, mìn trên thực địa đã giúp hình dung ra một khối
lượng công việc nặng nề và mức độ hiểm nguy mà họ đang phải đối mặt vì
bình yên cuộc sống của cộng đồng. Thượng tá Nguyễn Văn Cốc, Phó lữ đoàn
trưởng Lữ đoàn 229-Bộ tư lệnh Công binh, trực tiếp chỉ huy các đội rà
phá bom mìn kể, có những quả bom vừa chạm đến đã nổ, có những quả nằm
sâu dưới lòng đất, nơi rừng rậm, suối sâu, khiến công tác rà phá bom,
mìn gặp rất nhiều gian nan. Câu chuyện của anh khiến cho người xem thêm
cảm phục những chiến công thời bình của Bộ đội Công binh.
Chung tay vì cuộc sống bình yên
Trong
lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã cố
gắng rất cao để huy động nguồn lực trong nước, nhằm bảo đảm cuộc sống an
toàn cho người dân, tăng thêm quỹ đất được giải phóng bom, mìn để phát
triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an toàn cho các nhà đầu tư, cộng đồng
quốc tế cũng dành cho Việt Nam những hỗ trợ nhất định, nhưng thực tế
khối lượng công việc quá lớn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực hơn nữa của Việt
Nam và sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Theo ước tính, đến nay chúng
ta mới chỉ làm sạch được khoảng 3,26% diện tích bị ô nhiễm bom, mìn, hơn
96% diện tích còn lại vẫn là một thách thức lớn cần giải quyết, gây ra
những trở ngại đối với phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Để
khắc phục, Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến như lồng ghép các dự
án thuộc chương trình khắc phục hậu quả bom, mìn vào các dự án phát
triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh huy động các nguồn tài trợ quốc tế từ
những đối tác phát triển… Tại cuộc giao lưu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát
cho biết, sắp tới Việt Nam sẽ ra mắt Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom,
mìn do ông làm Trưởng ban Vận động thành lập. Sáng kiến này nhằm huy
động cả xã hội chung tay, góp sức khắc phục hậu quả bom, mìn. Sáng kiến
xã hội hóa như vậy đã được triển khai thành công trong lĩnh vực khắc
phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân da
cam/đi-ô-xin.
Dự
kiến từ nay đến năm 2015, Việt Nam sẽ cần huy động khoảng 14.000 tỷ
đồng (tương đương 700 triệu đô-la) để khắc phục hậu quả bom, mìn. Đây là
một khoản kinh phí rất lớn trong bối cảnh gần như tất cả chi phí cho
công tác rà phá bom mìn tại Việt Nam đều từ Ngân sách Nhà nước.Vì vậy,
Việt Nam mong muốn Chương trình 504, được ví như một dự án nhân đạo
khổng lồ quy mô quốc gia, sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng
quốc tế.
Thật
cảm động, ngay tại buổi giao lưu, hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hỗ
trợ khắc phục hậu quả bom, mìn, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng trong nước
đã tài trợ tổng cộng số tiền lên tới nhiều tỷ đồng cho Chương trình
khắc phục hậu quả bom, mìn quốc gia.
Chương
trình Giao lưu chung tay khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh với
chủ đề “Thông điệp xanh từ lòng đất Việt Nam” diễn ra ngay trước thềm
Hội nghị “Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở
Việt Nam” diễn ra ngày hôm nay (14-3), với sự tham gia của đông đảo bạn
bè quốc tế, là dịp để Việt Nam chuyển tới bạn bè quốc tế bức thông điệp
xanh yêu chuộng hòa bình, với mong muốn các chính phủ, các tổ chức quốc
tế chung tay, góp sức cùng Nhà nước và nhân dân Việt Nam phấn đấu vì
một cuộc sống bình yên không còn tiếng nổ của bom, đạn còn sót lại sau
chiến tranh.