Thế giới 24h: Nóng bỏng Crưm
Nổi bật
Cuộc trưng cầu dân ý tại nước Cộng hòa tự trị Crưm (Ukraina), về việc có sáp
nhập vào Liên bang Nga hay không đã kết thúc, và công tác kiểm phiếu đã được
chính thức bắt đầu.
Theo tuyên bố của Phó thủ tướng Crưm, Rustam Temirgaliev, tỷ lệ người dân đi
bỏ phiếu vượt quá con số 80%. Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố sau một
vài ngày nữa.
 |
Công tác kiểm phiếu đã được bắt đầu. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên kết quả thăm dò ý kiến cử tri sau bỏ phiếu của Viện nghiên cứu
chính trị, xã hội Crưm cho thấy, có tới 93% người dân tại nơi này ủng hộ việc
sáp nhập với Liên bang Nga.
Hàng nghìn người đã tập trung tại thủ phủ Simferopol của khu tự trị Crưm,
cũng như tại thành phố cảng Sevastopol, nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen, vẫy
cờ Nga và cờ Crưm.
Cùng ngày, Thủ tướng nước Cộng hòa tự trị Crưm, Sergey Aksyonov, đã tuyên bố
rằng chính quyền tại đây sẽ chính thức nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga
trong ngày 17/3.
Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục khẳng định sẽ không công
nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm, vì nó "bất hợp pháp" và "trái với hiến
pháp của Ukraina".
Thủ tướng tạm quyền của Ukraina, Arseniy Yatsenyuk, cũng khẳng định rằng Kiev
sẽ không công nhận bất cứ kết quả nào của cuộc trưng cầu dân ý tại nước Cộng hòa
tự trị Crưm.
Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel về cuộc trưng cầu dân ý
trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sự kiện này là hoàn toàn phù hợp
với luật pháp quốc tế.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tôn trọng lựa chọn của người dân Crưm,
và bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở các khu vực nói tiếng Nga tại miền nam, đông
nam Ukraina.
Trong cuộc điện đàm sau đó vài giờ với người đồng cấp Mỹ Barack Obama, ông
Putin tiếp tục khẳng định, cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa tự trị Crưm, là
"hoàn toàn hợp pháp".
Đáp lại, Tổng thống Mỹ nói, nước này và các đồng minh sẽ không công nhận kết
quả cuộc trưng cầu dân ý Crưm. Ông Obama nói Mỹ sẵn sàng áp dụng biện pháp trừng
phạt Nga.
Tin vắn
- Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở
Crưm về việc tách khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga, là bất hợp pháp và không
chính đáng.
- Trong cuộc điện đàm ngày 16/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng
cấp Mỹ John Kerry nhất trí tiếp tục tiếp xúc, để tìm giải pháp cho khủng hoảng
tại Ukraina.
- Ngày 16/3, thêm một cuộc biểu tình phản đối chính quyền Kiev đã nổ ra ở
thành phố Donetsk, phía đông của Ukraina, và mục tiêu tiếp tục là trụ sở cơ quan
an ninh thành phố.
- Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Ihor Tenyukh ngày 16/3 thông báo Bộ Quốc
phòng của Ukraina và Nga đã nhất trí tạm ngừng hành động ở Crưm cho đến ngày
21/3.
- Báo chí Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích Malaysia đã bưng bít thông tin làm
hao phí công sức, và tiền bạc của các nước đã sốt sắng tham gia công tác tìm
kiếm máy bay mất tích.
- Người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman
cho hay MH370 có thể đã tiếp đất ở đâu đó khi gửi một số tín hiệu cuối cùng
cho vệ tinh.
- Hãng hàng không Malaysia Airlines bất ngờ trước thông tin về cơ trưởng
chiếc máy bay mất tích MH370 bị nghi ngờ là người đã chuyển hướng chuyến bay một
cách có chủ ý.
- Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia hôm 16/3 cho biết, chưa hề có nhóm nào
đưa ra yêu sách đối với chiếc máy bay đang mất tích của hãng hàng không Malaysia
Airlines.
- Ngày 16/3, tờ Telegraph của Anh đã đăng tải bài báo đặt nghi vấn chiếc máy
bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines bị tấn công giống vụ khủng bố ngày
11/9 ở Mỹ.
- Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã gây sốc khi đưa ra suy đoán rằng
chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 "có thể đang bị giấu tại Pakistan, tương tự như
Bin Laden".
- Chính phủ Philippines ngày 16/3 tuyên bố sẽ không cho phép Mỹ đưa vũ khí
hạt nhân vào nước này theo một thỏa thuận an ninh mà hai bên đang đàm phán, theo
Tân Hoa xã.
- Triều Tiên bắn liên tiếp 18 tên lửa tầm ngắn về phía ngoài khơi bờ biển
phía đông. Động thái thể hiện sự phản đối của Triều Tiên về cuộc tập trận Mỹ,
Hàn Quốc đang diễn ra.
- Ngày 16/3, Bộ trưởng Môi trường Israel Gilad Erdan đã lên tiếng cho rằng,
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã sai lầm khi gây sức ép đối với Israel trong hòa
đàm Trung Đông.
Tin ảnh
 |
Những người ủng hộ Nga ăn mừng tại Simferopol.
(Ảnh: AP) |
Phát ngôn
Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, nói ông Putin sẽ "không hề"
có nuối tiếc nào về việc G8 có thể loại Nga ra khỏi nhóm, nếu như Nga sáp nhập
Crưm.
Sự kiện
Theo Wikipedia, vào ngày 18/3/1953, một vụ động đất kinh hoàng đã xảy ra ở
miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, làm 250 người thiệt mạng.
(Theo Vietnamnet.vn)