Đại tướng Phùng Quang Thanh và Đại tướng Trần Đại Quang. Ảnh: hồng vĩnh
Bộ Công an đề nghị thêm một đại tướng
Trình bày tóm tắt những nội dung sửa đổi của dự án Luật Công an nhân
dân (CAND) (sửa đổi), Bộ trưởng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cho
biết, dự thảo đề xuất chức danh giám đốc công an Hà Nội và TP HCM là cấp
hàm trung tướng và có một số quyền hạn tương đương tổng cục trưởng
(tương đương Bộ Tư lệnh bên lực lượng quân đội).
“Ngoài ra còn có ba thành phố trực thuộc trung ương và ba địa phương
có dân số đông là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hoá, Nghệ An và
Đồng Nai, vị trí giám đốc công an mang cấp hàm trần thiếu tướng. Các
tỉnh còn lại giám đốc công an chỉ hàm đại tá”, Bộ trưởng Bộ Công an đề
xuất.
Theo dự thảo luật, thời gian thăng cấp hàm từ đại tá lên cấp tướng
được quy định là bốn năm. Còn từ cấp tướng trở lên sẽ giữ nguyên theo
luật hiện hành, tức là không quy định thời gian cụ thể mà theo nhu cầu
thực tế.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết sẽ đề xuất chức danh Thứ trưởng,
phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương mang cấp hàm đại tướng. Giải thích
về điều này, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng “đây là vị trí số hai
trong Bộ Công an, sẽ thay mặt bộ trưởng chỉ đạo khi Bộ trưởng vắng mặt”.
Hiện tại quân đội có 3 người mang cấp hàm đại tướng là Bộ trưởng Quốc
phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham
mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quân đội sẽ giảm 3,1% cấp tướng
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, sau 15 năm thực hiện, việc sửa
đổi Luật sĩ quan QĐNDVN sẽ thực hiện theo quan điểm thể chế hóa, hợp
Hiến, hợp pháp, thống nhất đồng bộ, đảm bảo bí mật cơ cấu tổ chức của
quân đội. Trong đó, việc phong quân hàm cấp tướng sẽ được sửa đổi theo
Hiến pháp 2013 và được quy định vào luật chứ không ở cấp dưới luật.
“Việc sửa đổi này góp phần giữ được chất lượng, vị thế, uy tín của tướng
lĩnh trong quân đội”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Chính quyền địa phương là hai luật rất quan trọng, theo đó phải bám sát
Hiến pháp để xây dựng, kịp thời báo cáo Chính phủ xem những điều gì mới,
điều gì cần sửa thì phải làm cho rõ, làm cho đúng nhằm đạt chất lượng
cao nhất.
Theo quy định của Luật sĩ QĐND VN sửa đổi, thời hạn tối thiểu để xét
phong từ cấp đại tá lên thiếu tướng là bốn năm. Đối với cấp tướng trở
lên sẽ không quy định thời gian. Đối với quy định này, Thủ tướng lưu ý
phải suy nghĩ thêm, vì trong chiến tranh do yêu cầu thực tế đã phong
vượt cấp cho nhiều đồng chí từ cấp tá lên thiếu tướng, trung tướng.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhìn nhận việc xác định địa bàn trọng yếu
về quân sự quốc phòng tại các tỉnh để phong quân hàm cao hơn một bậc
với các địa bàn khác sẽ được loại bỏ trong dự thảo Luật sửa đổi. Bởi
việc xác định địa bàn này rất khó thực hiện và gây tâm tư, thắc mắc
trong cán bộ, chiến sĩ.
Dự luật cũng quy định, chỉ huy quân sự ở cấp huyện mang quân hàm
thượng tá, chỉ huy quân sự các tỉnh sẽ mang cấp hàm đại tá. Theo Đại
tướng Phùng Quang Thanh, hiện chỉ có hai vị trí đứng đầu Bộ Tư lệnh Thủ
đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh TPHCM quân hàm cấp tướng vì lý do lịch sử và vị
trí. Bên cạnh đó sẽ bỏ quy định cấp quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối
với tổng giám đốc các công ty loại 1.
Trong khi đó, cấp tổng cục phó trong quân đội vẫn chỉ có thể lên đến
thiếu tướng. Có ý kiến quân đội nên cân nhắc điều khoản tương tự như
công an, nhưng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh không đồng tình. “Sẽ rất khó
vì trong quân đội ngoài 6 tổng cục còn có các cấp tương đương như quân
khu, quân chủng. Nếu cấp phó đều lên được trung tướng cả thì trưởng phó
như nhau, quá nhiều, ngồi họp đeo quân hàm đỏ rực cả”, Đại tướng Phùng
Quang Thanh nói.
Khác với luật CAND sửa đổi, đối với các địa phương Hải Phòng, Đà
Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai, dự thảo Luật sĩ quan QĐND
sửa đổi giữ nguyên trần cấp bậc quân hàm đại tá cho người đứng đầu lực
lượng quân đội của 6 tỉnh thành này.
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị
cần xem xét tương quan giữa số lượng chiến sĩ với sĩ quan các cấp để đảm
bảo trong chỉ huy và điều hành.
Chốt lại hai nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công
an, Quốc phòng phối hợp làm rõ tình hình thực tiễn để tránh vênh nhau và
sớm hoàn chỉnh để trình Quốc hội. “Nhưng về lương sĩ quan thì không thể
đưa ngay vào luật được mà để Chính phủ quy định chi tiết”, Thủ tướng
kết luận.
Chưa sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị đưa việc sửa toàn
diện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình xây dựng luật
trong năm 2015 trong đó có 9 vấn đề phải sửa đổi. Bác đề nghị này, Bộ
trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Luật PCTN mới sửa đổi và thời
gian thi hành chưa thật nhiều, nên việc sửa đổi ở thời điểm hiện tại là
chưa phù hợp.
(Theo tienphong.vn)