7 điểm nhấn trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước
Ngày 19/3, chuyến thăm cấp
Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc.
Phó
thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá, Chủ tịch nước
đã có một chương trình hoạt động sôi động trong suốt 4 ngày tại Nhật Bản
với rất nhiều cuộc gặp gỡ và tiếp xúc từ Nhà vua, Hoàng gia, Quốc hội,
Chính phủ...
Tại Quốc hội Nhật Bản bài phát biểu
của chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được hai bên đánh giá cao. Điểm
nhấn nổi bật nhất là hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung về việc thiết
lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu
Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.
|
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh điểm ra 7 điểm nhấn quan trọng:
Thứ
nhất, duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, triển
khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại ở nhiều cấp trên nhiều lĩnh
vực. Hợp tác song phương trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng...
Thứ
hai, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phối hợp chặt chẽ
triển khai hiệu quả các thỏa thuận lãnh đạo cấp cao và các dự án hợp tác
quy mô lớn.
Thứ ba, thành lập Nhóm Công tác chung
thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiến tới xây dựng
kế hoạch hợp tác dài hạn, tổ chức phiên họp đầu tiên tại Việt Nam trong
năm 2014.
Thứ tư, tăng cường hợp tác toàn diện, ký kết, thực hiện nhiều thỏa thuận về khoa học, y tế.
Thứ năm, lập cơ chế trao đổi văn hóa nhằm củng cố tình cảm hữu nghị và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Thứ sáu, hợp tác, đảm bảo hòa bình, ổn định, và phát triển ở khu vực.
Thứ
bẩy, thúc đẩy giới kinh tế Nhật Bản tích cực tham gia hỗ trợ Việt Nam
triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa, phát triển cơ sở hạ tầng.
Phó
thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh những lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong thời
gian tới. Trong đó, cần tăng cường và mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp
tác kinh tế, thương mại.
Cụ thể, quan hệ hợp tác được thúc đẩy theo hai hướng:
Hợp
tác với Nhật Bản, thông qua ODA, FDI hay hợp tác công tư (PPP) có ý
nghĩa quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng của
Việt Nam.
Tích cực triển khai hiệu quả các dự án
quy mô lớn mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận như: Đường bộ cao
tốc Bắc-Nam, Đường sắt Bắc-Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Cảng Lạch
Huyện...
Trong chiến lược công nghiệp háa, hiện
đại hóa, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa
trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến 2020, tầm nhìn 2030.
Tiếp tục hợp tác chặt chẽ tăng trưởng kim ngạch
thương mại song phương. Phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hiện
nay (đang ở mức hơn 25 tỷ đô-la) trước năm 2020.
Đặc
biệt, Việt Nam và Nhật Bản sẽ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông
nghiệp, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam về khoa học công nghệ, kinh nghiệm
trong qua trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Phó
Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang đã thành công rất tốt đẹp, nâng quan hệ đối tác chiến
lược giữa hai nước lên tầm cao mới.
Ngay sau chuyến
thăm, điều quan trọng là việc triển khai các thỏa thuận đạt được trong
chuyến thăm một cách tích cực, thực sự đưa kết quả chuyến thăm đi vào
cuộc sống.
(Theo baodatviet.vn)