Tôi nhớ lại những buổi họp bàn tròn
ông tổ chức ở sứ quán: Ông mời một số trí thức Việt Nam đủ mọi ngành
đến tự do thảo luận về mọi vấn đề, không có chương trình định trước. Tôi
nhớ ông gắn Huân chương Cành cọ Hàn lâm lên ngực tôi vào năm 1992, mở
đầu việc Chính phủ Pháp tặng Huân chương cho công dân Việt Nam từ sau
Cách mạng 1945.
Cựu Đại sứ Blanchemaison hồi tưởng về tướng Giáp
Khi ông Blanchemaison rời Paris năm
1989, ông chỉ nhận được từ Bộ Ngoại giao Pháp một chỉ thị chung chung:
Tạo điều kiện để Pháp xích gần lại Việt Nam! Ông tự nhủ: Mình phải làm
cách nào tốt nhất để đạt được mục đích ấy? Đâu phải dễ!
Năm 1973, sau Điện Biên Phủ 19 năm, quan hệ ngoại giao Pháp Việt đã
được thiết lập, nhưng đôi bên đều cầm chừng cũng như trường hợp các nước
phương Tây khác. Chỉ từ sau cuộc viếng thăm Việt Nam năm 1993 của Tổng
thống Mitterand, quan hệ Pháp - Việt mới thực sự phát triển, trong đó
hẳn có sự đóng góp của ông Blanchemaison. Ông đến Hà Nội trong một tình
huống rất thuận lợi: Từ năm 1986, Việt Nam đã “đổi mới”: áp dụng kinh tế
thị trường và chính sách mở cửa. Ông nhận định: “Những năm 1989 - 1991
có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Đó là thời kỳ Việt Nam cải cách,
đón đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa quan hệ đối ngọai. Nhiều nhà cách
mạng lão thành có Pháp ngữ vẫn còn đương chức, trong số đó có Tướng
Giáp. Nhiều người cho là nước Pháp ở trung tâm châu Âu của 12 nước, có
thể có vai trò tích cực trong công cuộc hiện đại hóa kinh tế và sự gia
nhập quốc tế ở Việt Nam.
Huyền thoại Võ Nguyên Giáp ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế
Đại sứ Blanchemaison cho Tướng Giáp
là một nhân vật xuất chúng, một nhân vật lịch sử đã thực hiện được 3
thành tích, là quấy phá quân đội Nhật chiếm đóng, thắng cường quốc thực
dân Pháp và đánh đuổi người Mỹ khỏi Việt Nam.
Ngay bữa gặp vị Đại sứ lần đầu tiên, ông Giáp đã nói lên sự gắn bó
với văn hóa Pháp và với lý tưởng Cách mạng 1789 của người Việt, ý muốn
đẩy mạnh Cộng đồng Pháp ngữ, nhất là sự hợp tác kinh tế và văn hóa Pháp
Việt. Chủ trương mở cửa của Việt Nam qua lời Tướng Giáp khiến thái độ ấy
sẽ có thể dứt bỏ nhiều cấm kỵ về một số vấn đề cộng tác với Pháp và các
nước phương Tây nói chung. Tác giả Blanchemaison tâm sự về cuốn sách
của mình: Đây là một minh chứng về thể nghiệm sống của tôi trong 4 năm
làm nhiệm vụ ở Hà Nội, những lần xuất hiện của Tướng Giáp và vai trò của
ông, mặc dầu khiêm tốn đã có thể thực hiện được một số việc cụ thể như
việc mở Trung tâm văn hóa phương Tây đầu tiên ở Hà Nội, quay phim đầu
tiên về Điện Biên Phủ hay việc mở Viện quản lý xí nghiệp đầu tiên trong
hoàn cảnh kinh tế thị trường. Đó là 3 thành tích của phía Pháp. Nhưng
điểm chủ chốt của quá trình diễn biến ấy rất có thể là dịp Lễ Quốc khánh
Pháp 14/7/1989 ở Hà Nội, có điều thời điểm ấy qua đi, chúng tôi mới ý
thức được tác động của nó!
Tướng Giáp khiến Pháp đại bại ở
Điện Biên Phủ mà lại chào cờ và quốc ca Pháp ở Sứ quán Pháp tại Hà Nội,
quả là một sự kiện khó tưởng tượng! Ông đến dự kỷ niệm 200 năm Cách mạng
Pháp 1789. Ông đại diện cho Chính phủ Việt Nam với danh nghĩa Phó Thủ
tướng. Ông gây thêm sự bất ngờ vì đi cùng với phu nhân và không mặc quân
phục.
Trong phòng khách, ông nói chuyện về Paris và các tác giả cổ điển
Pháp. Ông nói Cách mạng Pháp luôn là một nguồn cảm hứng đối với ông.
Buổi lễ bắt đầu. Ông Blanchemaison kể: “Chúng tôi đứng nghiêm nghe hai
bài Quốc ca Pháp và Việt. Tôi có nằm mơ chăng? Không đâu, tôi thấy đứng
cạnh tôi, Tướng Giáp mấp máy môi và nghe thấy ông hát điệp khúc bài
Marseillaise...”.
Sau bài diễn văn của Đại sứ, Tướng Giáp phát biểu bằng một ngôn ngữ
Pháp hoàn hảo, ông biện luận một cách hùng hồn về sự cần thiết của sự
cộng tác Pháp Việt, dĩ nhiên trong lĩnh vực văn hóa, nhưng cả những vấn
đề khoa học quyết định tương lai đất nước. Ông gợi ý là nền đại học phải
đặc biệt được phát triển, nhất là ông kêu gọi sự hợp tác kinh tế trong
một thế giới mà ông đánh giá là có sự cạnh tranh quyết liệt. Nhiều cường
quốc phương Tây bắt đầu lộ diện ở Việt Nam, nước Pháp phải dẫn đường,
đừng để mất cơ hội!...”.
(Theo suckhoedoisong.vn)